Nhận diện mối lo về kiến trúc nông thôn

Giải vàng duy nhất của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2018- 2019, sau một quá trình cọ xát kỹ càng, đã thuộc về công trình nhà ở nông thôn mới - tác phẩm “Nhà Bắc Hồng” (ảnh bên). Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” cũng thu hút sự tham gia của đông đảo giới kiến trúc sư trong cả nước, hứa hẹn tìm ra nhiều tác phẩm xuất sắc, khả thi, góp phần cải thiện hiện trạng thiếu hụt bản sắc trong sự phát triển của nông thôn Việt Nam...

Nhận diện mối lo về kiến trúc nông thôn

Phát triển thiếu bản sắc

Với sự kết hợp thành công giữa hiện đại và truyền thống trong tổ chức không gian ở, tạo sự kết nối các thế hệ trong gia đình thông qua không gian sinh hoạt chung trong và ngoài nhà với triết lý “xa mà gần”, công trình nhà ở nông thôn mới - tác phẩm “Nhà Bắc Hồng” đã giành Giải vàng duy nhất của Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia Việt Nam 2018 - 2019. Công trình này cũng đại diện cho bước chuyển trong xu hướng sáng tác của nhiều kiến trúc sư sang đề tài kiến trúc nông thôn. Một dấu hiệu đáng mừng, song, nó cũng cho thấy một thực trạng đáng lo ngại về khoảng trống lâu nay của mảng thiết kế kiến trúc này.

GS,TS, kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng nhận định, sự phát triển thiếu bản sắc của kiến trúc, nhà ở nhất là ở khu vực nông thôn đang là một thực tế đáng buồn. Người nông dân Việt Nam đang có những thay đổi về phương thức sản xuất, không còn gắn bó với đồng ruộng mà đổi dần sang các ngành dịch vụ công nghiệp khác. Điều này dẫn đến sự thay đổi trong không gian sống, điều kiện sống của dân cư nông thôn, văn hóa ở có xu hướng giao thoa giữa các vùng miền và cả trên thế giới. Theo ông Thông, sự thay đổi đó cần có cơ sở, tức là cần bám theo những vấn đề “cốt lõi” của kiến trúc địa phương để không làm mất đi bản sắc riêng của vùng miền. Thay đổi không bám vào yếu tố cốt lõi sẽ dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch nông thôn.

KTS Nguyễn Thu Phong, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc sư Trẻ toàn quốc cũng cho rằng, người dân nông thôn đang phải đi cóp nhặt các mẫu nhà về xây cho nhà mình, hoặc có những suy nghĩ sai lầm khi xây dựng nhà của người dân dẫn đến quy hoạch vùng nông thôn bị phá vỡ bản sắc vốn có.

Bởi thế, giới nghề kiến trúc đã nhiều lần cảnh báo, khó nhận diện, thiếu bản sắc thật sự là một mối lo đối với kiến trúc nông thôn Việt Nam.

Dành nhiều năm cho công việc nghiên cứu và thiết kế nhà ở nông thôn, đã giành nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế với đồ án kiến trúc nhà ở nông thôn ngay từ khi còn là sinh viên, KTS Nguyễn Văn Tất bày tỏ lo ngại khi cảnh quan nông thôn đang bị “xâm lấn” bởi kiến trúc hiện đại của đô thị: “Nhà ở điển hình nông thôn là một thách thức lớn. Vì là nhà đơn lẻ nên sự đa dạng của nhu cầu mỗi gia đình nông dân vô cùng lớn, lại thay đổi theo sự lớn lên của từng gia đình. Ngôi nhà nông thôn truyền thống Việt Nam không đơn thuần là một chỗ ở mà là tài sản vật chất lẫn tinh thần của mỗi gia đình, được tích lũy và hình thành trong thời gian dài, có khi từng bước một và nở dần ra...”.

Thách thức lớn từ một chủ đề khó

KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, trong bối cảnh này, Hội Kiến trúc sư Việt Nam phải là đơn vị tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát động và tuyên truyền những ý tưởng khả thi đến với người dân.

KTS Nguyễn Thu Phong lưu ý, hiện trạng của nhà ở nông thôn Việt Nam hiện nay là những thách thức, đòi hỏi các KTS, nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp thiết kế, vật liệu địa phương, góp phần giảm chi phí xây dựng nhà cho người dân nông thôn. Để giải quyết tốt bài toán của kiến trúc nông thôn, các KTS còn cần tìm hiểu người dân, thói quen sinh hoạt và nguyện vọng của họ để tạo ra được những sản phẩm thiết kế hợp lý, tiết kiệm và không xa vời với thực tế xây dựng của dân cư.

PGS, TS, KTS Nguyễn Đình Thi cho rằng, phải hiểu sâu sắc văn hóa nông thôn mới có thể tạo ra thiết kế dành cho người dân địa phương. Thiết kế kiến trúc nhà ở nông thôn là chủ đề khó. Để sáng tạo được không gian nhà ở nông thôn theo hướng hiện đại mà vẫn bảo đảm kế thừa các giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống, buộc người thiết kế phải am hiểu sâu sắc về văn hóa, lối sống, phong tục tập quán của người dân địa phương. Phải là những người rất yêu nông thôn, yêu những giá trị truyền thống hàng nghìn năm cha ông tích lũy được mới có thể sáng tạo nên những không gian nhà ở nông thôn có giá trị...”, KTS Nguyễn Đình Thi nhận định.

Nhìn nhận từ khía cạnh tác động của văn hóa ở hiện đại đến tư duy thiết kế của kiến trúc sư, nhiều ý kiến của giới nghề cho rằng, kiến trúc sư bây giờ ngày càng chú trọng nhiều vào thiết kế không gian “mở”, dễ dàng kết nối với các không gian chung quanh, có tính linh hoạt, phù hợp nhịp sống hiện đại. Không gian sống hiện đại cần tính đến việc tích hợp các phương tiện, trang thiết bị để giúp cải thiện chất lượng sống và điều kiện làm việc của người dân, qua đó thu hẹp khoảng cách chất lượng sống giữa thành thị và nông thôn.