PGS, TS Bùi Hoài Sơn:

Nhận diện để khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa

Không chỉ được nhìn nhận như yếu tố nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa, với những biểu hiện đa dạng về hình thức và sản phẩm, đang có đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Vậy nhưng, việc nhìn nhận chính xác vai trò của nguồn lực đặc biệt này vẫn còn nhiều vướng mắc. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam quanh vấn đề này.

Trong xã hội hiện đại, những sản phẩm càng giàu yếu tố văn hóa thì càng có giá trị cao.
Trong xã hội hiện đại, những sản phẩm càng giàu yếu tố văn hóa thì càng có giá trị cao.

Vướng mắc trong nhận diện

- Thưa ông, vì sao việc nhận diện nguồn lực từ văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong phát triển mới chỉ được đề cập chính thức trong thời gian gần đây? - Lý do khiến trước đây chúng ta chưa chú trọng việc khai thác nguồn lực văn hóa là do quan niệm về văn hóa. Một thời gian rất dài, mọi người quan niệm văn hóa là những khái niệm rất phức tạp. Đó là những giá trị về đạo đức, lối sống, là chân - thiện - mỹ… Việc nhìn nhận văn hóa như là một sản phẩm hàng hóa - đây là một quan điểm đã trở nên tương đối phổ biến trên thế giới, thì lại trở thành một quan điểm không được đề cập đến nhiều và không được cổ vũ ở Việt Nam. Ngay cả khi văn hóa đã được coi là loại sản phẩm hàng hóa phải được đối xử đặc biệt thì ở Việt Nam quan niệm này vẫn không được cổ vũ, đánh giá cao. Chính vì vậy, trong một thời gian tương đối dài, khi bàn đến câu chuyện thị trường văn hóa thì người ta tập trung nhiều tranh cãi quanh câu chuyện thị trường văn hóa hay thị trường sản phẩm văn hóa? Tranh cãi quanh vấn đề này diễn ra rất quyết liệt, kéo dài cho đến thời gian gần đây. Thực tế, trên thế giới không phải không có những tranh cãi như vậy, nhưng họ đã thoát ra khỏi những quan niệm đó từ rất lâu rồi, và bắt đầu hướng đến câu chuyện văn hóa cần phải đi theo quy luật của nền kinh tế thị trường, quy luật cung- cầu, tất nhiên là phải theo quy luật đặc biệt, có những logic đặc biệt. Người ta quan niệm rằng, văn hóa phải là sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì văn hóa mới phát triển được. Đó là lý do tại sao năm 2005, UNESCO đưa ra Công ước về Bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, và đến năm 2015 UNESCO đã tổng kết quan điểm này. - Nguồn lực từ văn hóa, theo ông, chiếm vị trí như thế nào trong sự tăng trưởng, phát triển của xã hội? - Trong một xã hội đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nguồn lực từ văn hóa sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Xu hướng của thế giới hiện đại cho thấy, những sản phẩm có dấu ấn văn hóa, sáng tạo riêng biệt sẽ có giá trị lớn hơn hẳn những sản phẩm hàng loạt. Càng khác biệt, càng giàu yếu tố văn hóa thì càng có giá trị cao hơn. Và tiến tới, tất cả các sản phẩm hàng hóa sẽ được lồng ghép yếu tố văn hóa trong hành trình định vị thương hiệu. Theo thống kê của nhiều quốc gia, nguồn lực từ văn hóa (các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, du lịch văn hóa…) có mức đóng góp khoảng 8-10% GDP, nghĩa là một con số tương đối lớn.

Nhận diện để khai thác hiệu quả nguồn lực văn hóa ảnh 1

Còn có một yếu tố khác nữa đang gây bức xúc cho ngành văn hóa, là việc thiếu các số liệu thống kê liên quan đến ngành văn hóa. Trên thực tế, những đóng góp của ngành văn hóa cho sự phát triển của kinh tế - xã hội là rất lớn, chứ không phải như mọi người vẫn nhìn nhận văn hóa chỉ là ngành tiêu tiền. Tuy nhiên, trong những con số thống kê của Tổng cục Thống kê lại không có những chỉ số riêng cho ngành văn hóa. Nếu chúng ta có được một hệ chỉ báo thống kê cụ thể hơn thì có thể thấy rõ được đóng góp của ngành văn hóa cho đất nước. Và từ sự đóng góp đó sẽ thấy được tầm quan trọng của ngành văn hóa trong sự phát triển chung cũng như đánh giá được thực trạng của sự phát triển để từ đó có được sự đầu tư tương ứng, có trọng điểm…

Cần hoàn thiện hệ thống chính sách

- Chậm trễ trong việc nhận diện nguồn lực văn hóa có gây nên những ảnh hưởng? - Sự hạn chế trong hiểu biết và nhận diện nguồn lực văn hóa đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động đầu tư cho văn hóa, làm hạn chế hiệu quả nguồn thu từ thị trường văn hóa, khiến cho việc quảng bá hình ảnh quốc gia, tạo nên sức mạnh mềm của dân tộc chưa được tương xứng. Thể hiện rõ nhất là hệ thống quy định của pháp luật liên quan những ưu tiên, ưu đãi đặc thù cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực văn hóa. Với cơ chế hiện tại, chúng ta chưa thể tạo được động lực cho nhà đầu tư, bởi họ không nhìn thấy lợi ích (có thể từ sự vinh danh, từ giảm trừ thuế…). Sự đặc thù của lĩnh vực đặc biệt này đòi hỏi những cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng hệ thống quy định của pháp luật hiện hành chưa thể hiện rõ được yêu cầu đó.

- Vậy, có thể hiểu rằng: để khai thác hiệu quả nguồn lực này, việc cần làm trước tiên là hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định của pháp luật? - Sự vận động của cuộc sống luôn đa dạng hơn chính sách. Nếu không nhìn từ góc độ của những người làm văn hóa thì sẽ không thấy đó là vấn đề quan trọng, chẳng hạn như không gian sáng tạo. Không gian sáng tạo là nơi cho phép nghệ sĩ và người trẻ thử nghiệm. Những thử nghiệm này có thể thành công, có thể thất bại thì không thể coi nó như hoạt động kinh doanh bình thường được. Nhưng nó lại có giá trị hơn các hoạt động kinh doanh bình thường rất nhiều, vì nếu chỉ cần một trường hợp thành công thôi thì nó sẽ tạo ra một xu hướng phát triển mới, và tạo ra rất nhiều lợi ích cho khu vực, cho đất nước.

Chúng ta vẫn cho rằng nhà nước đã bỏ tiền ra là phải thu được lợi nhuận, kết quả. Nhưng đối với lĩnh vực sáng tạo, văn hóa, nhiều khi lợi nhuận đó không thể tính toán ngay lập tức được, có thể phải 5 năm, 10 năm sau mới nhận thấy được, và cũng có những cái thất bại. Nhưng chúng ta phải chấp nhận câu chuyện đó. - Liên quan câu chuyện tạo sản phẩm văn hóa, vốn luôn đòi hỏi ngày càng cao ở tính khác biệt, nhưng gần đây một số lễ hội truyền thống bị dư luận phản ứng, và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều chỉnh những hành vi bị cho là phản cảm? - Trong câu chuyện này, lỗi thuộc về nhiều phía. Bản chất của lễ hội luôn là tích cực, nó giúp điều hòa các mối quan hệ trong xã hội, là một truyền thống của địa phương, là những giá trị đã được tin tưởng, trông đợi, trường tồn qua lịch sử, có ý nghĩa đối với một cộng đồng. Tuy nhiên, lễ hội truyền thống đang gặp nhiều vấn đề. Chẳng hạn như, nhiều địa phương, cộng đồng khi tổ chức sự kiện thì có mong muốn kiếm được lợi nhuận, nên người ta có xu hướng đáp ứng nhu cầu của du khách, dẫn đến câu chuyện: đáng lẽ chuyện tổ chức lễ hội là việc riêng của cộng đồng, được tổ chức trong một thời gian và địa điểm phù hợp, thì người ta lại tổ chức giữa thanh thiên bạch nhật, ở giữa nơi đông người vào xem. Lỗi của du khách cũng có một phần, khi họ không cần quan tâm tìm hiểu hay lý giải giá trị của hoạt động đó nằm ở chỗ nào, họ chỉ thuần túy thỏa mãn sự tò mò. Lỗi của các phương tiện truyền thông cũng có, khi đẩy các câu chuyện lên thành vấn đề lớn, và nó trở thành hiệu ứng lan tỏa.Tuy vậy, không nên quá lo lắng. Giá trị luôn theo một xu hướng ổn định dần. Tôi hoàn toàn tin rằng trong khoảng cùng lắm là 5 năm nữa chúng ta sẽ điều tiết được, cả về chính sách và nhận thức của con người, để thấy đâu là những giá trị thật sự của truyền thống văn hóa.

- Tức là sẽ phải trông chờ vào sự sàng lọc dần của thời gian?

- Cả hai, cả sự sàng lọc của thời gian và các biện pháp quản lý của nhà nước. Các chính sách cũng sẽ được điều chỉnh hợp lý với quy luật phát triển.

- Xin cảm ơn những ý kiến của ông.