Nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt

Bài 2: Phía sau đường đi của những “hung thần biển”

Biển khơi ngày càng ít cá, anh Lê Văn Tuyến (Yên Hưng, Quảng Ninh) buồn rầu nói.
Biển khơi ngày càng ít cá, anh Lê Văn Tuyến (Yên Hưng, Quảng Ninh) buồn rầu nói.

“Chính ngư dân đã sử dụng ngư cụ như những hung thần trên biển”, đó là lời mà một số người sống bám vào biển chia sẻ với nhau lúc ngơi tay. Phía sau đường đi của những “hung thần” ấy, biển không còn sức sống.

Trữ lượng cá giảm

“Biển vơi cá lắm rồi, chúng tôi lo lắm”- anh Lê Văn Vĩ (trú tại xã Phong Cốc, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) chỉ tay ra phía vịnh Bái Tử Long, bồn chồn nói. Anh Vĩ chia sẻ: “Ở vùng Quảng Yên hải sản đã hiếm, đành ra đây khai thác, tưởng khấm khá hơn…”. Cùng xã với anh Vĩ, anh Lê Văn Tuyến, làm nghề đánh lưới trong vùng biển Bái Tử Long và Vân Đồn ngơi tay lưới, buồn rầu: “Gia đình tôi ba đời làm nghề đánh lưới nhỏ, chỉ bám ven bờ thôi. Trước đây, khi tôi còn nhỏ đi đánh lưới theo bố, có tay lưới được mấy chục cân. Tuổi tôi càng tăng thì lượng cá giảm. Bây giờ đánh lưới may mắn một tay lưới được vài con, có khi chỉ mắc vào đó chai nhựa hoặc rác thải”.

Đi một đoạn khác, anh Lê Hữu Hải, nhấc tay lưới dính đầy rác và cành cây, thốt lên: “Như này thì đi làm chẳng đủ tiền dầu đổ máy. Trước đây nhấc lên là cá bạc. Nay sự ô nhiễm treo luôn lên từng tấm lưới!”. Các ngư dân “bám” ngư trường truyền thống với ngư cụ được phép khai thác mong muốn các cơ quan chức năng Quảng Ninh làm tốt hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm. “Giã cào, xiệc điện, thuốc nổ… mà mang đi quét thì còn gì an toàn. Dân tôi quen gọi đó là những hung thần. Nhẫn tâm quá!”, anh Hải bày tỏ.

Không chỉ ngư dân, những người trực tiếp bám biển ven bờ, người kinh doanh buôn bán hải sản trên bờ cũng chịu tác động xấu. Bởi như bà Kim Nhung, chủ cơ sở kinh doanh Nhung Hiền ở Vân Đồn, cho hay, trước đây mực, ngán, ốc nhảy rất nhiều, nhưng nay thì khá hiếm, khiến việc kinh doanh của chúng tôi gặp khó khăn.

Vơi cạn là đúng thôi, bởi từ trước năm 2017, sản lượng khai thác thủy sản gần bờ của Quảng Ninh lên đến 30 nghìn tấn/năm, chủ yếu là từ các hoạt động bị cấm, vượt quá sản lượng cho phép; gấp gần hai lần mức sản lượng cân bằng vùng ven biển toàn tỉnh do cơ quan chức năng tính toán (18 nghìn tấn/năm).

Men theo vùng ven biển Hải Phòng, hay xuôi vào mạn Thanh Hóa, Hà Tĩnh, rồi đến cả Quảng Bình, Quảng Nam, Phú Yên… chúng tôi cũng nhận thấy nỗi lo lắng của những hộ dân nghèo, không có tiền đầu tư tàu lớn khai thác xa. Không ít người khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng. Như anh Huỳnh Văn Trung, là một trong nhiều hộ ngư dân ở huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) đã phải chờ vài năm chưa được vay vốn, do ngân hàng xác định nghề có nhiều rủi ro…

Lặng nhìn biển xa, ông Vũ Văn Hải, ngư dân làng biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), bày tỏ: “Các cụ có câu “miệng ăn núi lở”! Biển khơi dù rộng, nhưng khi mức độ khai thác vượt quá nguồn sinh trưởng nhiều, thì chính là những người bám vùng ven bờ như chúng tôi phải chịu hậu quả của sự suy giảm”.

Làm việc với phóng viên Báo Nhân Dân chiều ngày 26-3-2019, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ rõ: sản lượng và cường độ khai thác gần bờ đã vượt quá giới hạn. Khảo sát cho thấy, so với giai đoạn 2000-2005, trữ lượng hải sản tầng đáy ở vịnh Bắc Bộ hiện đã giảm 15,1%; ở Trung Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 57,8%; vùng biển Đông Nam Bộ trữ lượng tầng đáy giảm 25,6%...

Nguyên nhân giảm từ đâu? Ông Hùng phân tích: Chúng ta thấy thực tế là không ít hộ đánh bắt tận diệt vì họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt. Trong khi đó lực lượng tuần tra, kiểm tra thiếu người, phương tiện nên khó quản lý hết. Việc xử phạt ở địa phương còn chưa nghiêm, dẫn đến nhờn pháp luật. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn sâu hơn, bởi hàng triệu ngư dân bám biển ven bờ đều là những người nghèo và khai thác manh mún theo kiểu từ xa xưa truyền lại. “Có người bất đắc dĩ nên mới tìm cách tận thu. Nỗi khổ ấy chúng tôi hiểu. Về phía cơ quan chức năng vẫn phải tuyên truyền để họ dần thay đổi ý thức, chứ nếu tịch thu hoặc giữ tàu là họ đói”, ông Hùng nhấn mạnh.

Để rộng nguồn tin, chúng tôi trao đổi với TS Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, ông cho rằng, nguyên nhân nguồn hải sản giảm còn do ô nhiễm môi trường biển. Thủ phạm là nguồn phát thải từ các dòng sông ô nhiễm khai thác khoáng sản, rác thải từ cư dân ven biển và cả hoạt động nuôi trồng thủy sản. Xác nhận thông tin này, Tổng cục Thủy sản cho biết thêm: Sự tác động do ô nhiễm làm mất đường di cư sinh sản, nơi cư trú của nhiều loài thủy sản.

Ngư dân đổi nghề

Trước thực trạng khai thác vi phạm nhiều năm, ngày 12-9-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103, về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khai thác thủy sản. Riêng hành vi đánh bắt trong khu vực cấm, sử dụng ngư cụ bị cấm sẽ chịu mức xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng.

Từ đó, nhiều địa phương đã ban hành các quy định cấm đánh bắt hủy diệt, khai thác quá mức với mức xử phạt nặng. Vậy nhưng, cuộc chiến chống đánh bắt tận diệt, khai thác bằng ngư cụ và vật cấm vẫn dai dẳng và luôn khó khăn, bởi không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng chốt chặn 24/24 giờ ngoài biển. Rốt ráo thực hiện bảo vệ nguồn tài nguyên, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1-9-2017, về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, lực lượng công an, biên phòng cùng các đơn vị khác của tỉnh đã có nhiều biện pháp để thực hiện nhiệm vụ, tích cực tăng cường kiểm tra các đối tượng vi phạm, đồng thời xác định đây là công việc lâu dài.

Lực lượng quản lý xác định xốc lại hoạt động, còn chính không ít ngư dân đã phải tự tìm hướng đi mới cho mình. Như tại xã Cam Hải Đông (Cam Lâm, Khánh Hòa), ông Lê Văn Bằng đã vận động gần chục người chuyên làm nghề đánh bắt bằng giã cào chuyển sang làm bè nổi phục vụ khách du lịch. Các lồng bè này đều cam kết bảo vệ môi trường biển. Ông Bằng cho biết: Chuyển hướng sang làm du lịch là sáng suốt. Không thể theo thói quen cũ mãi.

Để người dân thay đổi dần nếp nghĩ, UBND xã Cam Hải Đông cũng liên tục vận động ngừng đánh bắt tận diệt đồng thời khuyến khích các hộ dân làm kinh tế du lịch, kết hợp giữa homestay với chuỗi nhà hàng nổi. Đến tháng 3- 2019 đã có hàng chục dự án du lịch lớn hình thành quanh khu vực. Ông Nguyễn Trọng Khương, Chủ tịch UBND xã Cam Hải Đông khẳng định: Xã liên tục kết hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cam Lâm để đào tạo các nghề cần thiết cho ngư dân, và làm cầu nối với các dự án để đưa họ vào làm việc, với mức thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng.

Tìm hiểu ở vùng biển huyện Thăng Bình, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) hay đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nhiều ngư dân cũng đã nghỉ nghề đi biển, ra các thành phố làm thuê hoặc làm dịch vụ, bởi nhiều chuyến ra khơi không “kiếm ăn được”. Ở xã An Vĩnh (huyện Lý Sơn), anh Dương Văn Tuấn là một trong số những người đầu tiên phải chuyển đổi nghề. Gia đình anh nhiều đời đánh bắt ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Tuấn cũng có thâm niên hơn 10 năm đi biển. Một năm qua anh gom góp vốn mua lại chiếc xe bảy chỗ với giá 400 triệu đồng để chạy dịch vụ đưa đón khách du lịch tham quan Lý Sơn. Vì mới chuyển đổi nghề, Tuấn chưa quen việc, chưa có nhiều khách nên khó khăn trăm bề.

Huyện đảo Lý Sơn hiện có 528 chiếc tàu thuyền, trong đó 230 tàu công suất từ 90CV trở lên, đánh bắt ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; số còn lại là đánh bắt gần bờ. Nếu những năm trước, lực lượng lao động trên biển của Lý Sơn dao động từ 4.500 đến 5.000 người thì nay chỉ còn khoảng hơn 3.000 người đi biển xa bờ. Không chỉ lao động giảm, chuyển nghề mà số tàu thuyền công suất lớn cũng giảm trong hai năm qua. Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, số lượng tàu không giảm nhưng tàu công suất lớn trên 90CV giảm, thuyền nhỏ tăng lên nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc lượng tàu đánh bắt xa bờ giảm, ngư dân trên đảo chuyển dần đánh bắt gần bờ và chuyển đổi sang các nghề khác.

Nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt ảnh 1

Giờ giã cào vét dưới đáy biển ven bờ huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hầu như chỉ thu được cá tạp nhỏ xíu.

(Còn nữa)

Trò chuyện cùng chúng tôi trong một buổi chiều biển đẹp ở Lý Sơn, một ngư dân bức xúc, chúng ta đã “ăn” vào cả hiện tại và tương lai của biển khơi, vì chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt của bản thân.