Nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ tận diệt

Với chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km, tổng các ngư trường rộng hơn một triệu km², ngành khai thác hải sản được xác định là một trong năm ngành kinh tế mũi nhọn trong Chiến lược biển Việt Nam, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người, tạo nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước và bảo vệ an ninh quốc gia. Nhưng nạn khai thác tận diệt, vượt quá khả năng tái tạo của tự nhiên những năm gần đây đã khiến nguồn hải sản ven bờ bị vơi cạn, tác động tiêu cực đến chính đời sống người dân. Đã đến lúc cần có những giải pháp, chiến lược hiệu quả để bảo vệ nguồn lợi hải sản gần bờ cũng như ngoài khơi, tạo ra những “ngư trường xanh” ổn định, bền vững.

Hưởng lợi từ đầm Thủy Triều (Khánh Hòa), nhưng bà con cũng làm suy kiệt đầm.
Hưởng lợi từ đầm Thủy Triều (Khánh Hòa), nhưng bà con cũng làm suy kiệt đầm.

Bài 1: Vét sạch hải sản gần bờ

Trong quá trình điều tra, tìm hiểu thực tế tại nhiều vùng biển của đất nước, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận với những đối tượng trực tiếp sử dụng ngư cụ cấm, đánh bắt ở vùng biển không được phép. Nhiều người trong số họ sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt và tái phạm nhiều lần. Trong khi, cơ quan chức năng ở nhiều địa phương tỏ ra bất lực

Khai thác theo phương thức… tận diệt

Chiều 19-3-2019, chúng tôi đi xuồng trong khu vực gần bờ, nước lặng thuộc huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh). Khi áp sát một số thuyền đi chầm chậm, phát hiện họ đang kéo lưới giã cào. Hỏi chuyện thì những người này lấm lét kéo lưới lên, tản đi. Một ngư dân đang thả lưới (được phép) vung tay về phía xa: “Những chiếc to kia toàn có công suất hơn 20 CV. Họ dùng giã cào đấy”.

Ngư dân này cho biết, giã cào là thứ ngư cụ “lọc nước bắt cá”, miệng lưới được di chuyển, luôn “há mồm” chờ hải sản và mọi thứ chui vào. Mắt lưới rất nhỏ nên các loại hải sản đều không thể thoát và được giữ lại ở đụt lưới.

Giữa chiều, đoàn cán bộ kiểm ngư thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Ninh xuất hiện. Chúng tôi xin “nhập đoàn” nhưng khi dạo quanh khu vực không tìm thấy ai đang “vét giã cào”, chỉ có những ô nuôi trồng bình yên trong sóng nhẹ. Một số ngư dân cho biết, thấy động người ta… chạy hết rồi.

Đoàn quyết định chờ đi tuần ban đêm. Khoảng 23 giờ đêm 19-3-2019, một số tàu thuyền đã xuất hiện. Bằng biện pháp nghiệp vụ, cán bộ kiểm ngư dễ dàng phát hiện tàu giã cào, khai thác vùng cấm và tiếp cận tàu. Đầu tiên là tàu S1100A. Chủ tàu Nguyễn Đăng Tập và vợ là Vũ Thị Lý ở xã Phong Hải (huyện Yên Hưng) bị yêu cầu kéo lưới lên, dừng khai thác. Đụt lưới được kéo lên, đổ ra sàn tàu. Trong đó là vô số loài thủy sản, từ tôm, cá, duông và nhiều loài nhuyễn thể khác như đầu ngón tay hoặc nhỏ hơn nữa. Đoàn tiến hành lập biên bản nhưng cả hai luôn tìm cách… xin. Điều đáng nói, vợ chồng anh Tập đã vi phạm đến lần thứ hai, cùng hai lỗi là đánh bắt sai vùng, sử dụng ngư cụ bị cấm. Ông Đinh Công Hiển, Trưởng phòng Thanh tra, pháp chế (Chi cục Thủy sản Quảng Ninh), trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra vi phạm, nói: “Giấy tờ của anh Tập vẫn còn đang bị lực lượng chức năng tạm giữ, anh Tập cũng chưa chấp hành nộp phạt. Lần này lại tái vi phạm, vợ chồng anh Tập còn mang con nhỏ ra mép tàu của lực lượng kiểm ngư để gây áp lực”.

Khi lập biên bản, với hai lỗi vi phạm phải chịu mức phạt hơn bốn triệu đồng, anh Tập thừa nhận các lỗi vi phạm nhưng không chịu ký vào biên bản mà luôn dùng… lý lẽ đấu lại: “Em biết như vậy là đi ăn trộm. Em có lỗi. Nhưng em có con nhỏ, nhà nghèo. Tàu này đi xa được, nhưng ra ngoài khơi xa gặp sóng con em không chịu được”.

Trường hợp tái phạm, chây ỳ như vợ chồng anh Tập không phải là chuyện hiếm. Ông Đinh Công Hiển cho hay: “Quý II - 2018 chúng tôi bắt số lượng tàu vi phạm gần gấp đôi quý I-2018. Trong đó nhiều người đầu năm 2019 tiếp tục vi phạm và bị xử lý”.

Ngay trong những ngày tháng 3-2019, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, xử lý vi phạm về khai thác hải sản. Cụ thể, từ ngày 5-3 đến 11-3-2019 Chi cục Thủy sản Quảng Ninh phối hợp với Hải đội 2 và Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) tổ chức thanh tra về các quy định khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đăng ký tàu cá… Đoàn đã bắt giữ 15 phương tiện vi phạm, xử phạt tám phương tiện vi phạm với số tiền hơn 75 triệu đồng, tịch thu năm chiếc cào kim loại, một súng bắn điện, một máy nén khí cùng nhiều ngư cụ khác. Anh Vũ Huy Quý, trú tại xã Sông Khoai (huyện Quảng Yên), bị bắt vì sử dụng lồng bát quái, loại ngư cụ nguy hiểm đến môi trường thủy sản, mếu máo đổ tại hoàn cảnh: “Dù biết là cấm nhưng nhà cháu đói quá, đành làm liều”. Cán bộ kiểm ngư tuyên truyền: “Ai cũng có cuộc sống, nhưng cái gì Nhà nước cấm thì không được làm”.

Bám địa bàn ở vùng biển Khánh Hòa, đặc biệt đầm Thủy Triều (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) và vùng giáp vịnh Cam Ranh, nhóm phóng viên chúng tôi đã tận mắt thấy nhiều người dân sử dụng ngư cụ cấm, lồng bát quái, lưới giã cào khai thác tận diệt. Bất kể sớm tối, từng đoàn ghe nhỏ chen chúc, chất đầy lờ dây nhả khói mù mịt, đua nhau đánh bắt. Ông Trần Văn T, một người đi biển dày dạn kinh nghiệm ở đầm Thủy Triều, cho biết: “Trước cũng có một số người vay tiền đóng tàu công suất lớn nhưng sau đó lại chuyển nhượng rồi quay sang đánh bắt kiểu vét sạch trong vùng cạn. Trung bình chỉ cần bỏ ra hai triệu tiền lờ dây và tám triệu tiền đóng ghe là có thể sử dụng được mấy năm!”.

Nhiều người còn sử dụng lồng cào kết hợp lờ dây. Khi lồng cắm xuống biển, một chiếc ròng rọc được nối lên ghe, ghe kéo đi đến đâu thì cá, tôm, mực, cua, ghẹ lớn nhỏ đều bị hút cả vào lồng.

Vòng luẩn quẩn của những toan tính

Nhìn những chiếc ghe nhỏ chất đầy lờ dây, kích điện, lưới mắt nhỏ… ì ạch rẽ sóng trên đầm Thủy Triều, ngư dân Lê Văn Hậu, với khuôn mặt phạc phờ, đen sạm thở dài: Dõi theo thì cứ thấy cá, tôm từ nhỏ đến to hất lên thuyền liên tục thế nhưng thực tế chẳng được bao nhiêu, vì toàn bán theo mớ. Muốn có cá ngừ đại dương hay các nguồn hải sản lớn thì phải giỏi nghề và liều nữa. Vươn khơi cũng như “đánh bạc” với đại dương, nếu không tính toán kỹ, lỗ thê thảm như chơi.

Ồng Lê Văn Hậu chợt chùng xuống, giãi bày: Khu đầm rộng lớn thông ra biển khơi vốn mang lại nhiều “đặc ân” cho người dân suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng hàng trăm hộ ngư dân bám vào cửa biển vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn với những toan tính… chỉ bám bờ!

Ông Hậu biết mình và nhiều ngư dân khác đã tác động xấu đến môi trường biển là có lỗi. Còn nhiều ngư dân ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh… lại đổ tại hoàn cảnh. Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Ngô Công Thũy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) chỉ ra biển: “Ở ven bờ, nếu không dùng ngư cụ cấm thì không kiếm ăn được. Lỗ tiền dầu ngay. Vì miếng cơm, vì hoàn cảnh nuôi con nhỏ, mẹ già, nên đành…”.

Ở thời điểm bị bắt, xử lý, trên tàu thuyền của các ngư dân đầy những thùng xốp đựng tôm, cá nhỏ, nhiều cá thể chỉ như đầu đũa. Tôi nói: “Chính ngư dân các anh dùng đủ thứ ngư cụ có hại, khiến cho tôm cá và nhiều loài hải sản khác dần cạn kiệt”. Anh Thũy đấu lý: “Chúng tôi không làm thì người khác cũng làm. Nếu đã bắt thì phải bắt hết những người dùng ngư cụ bị cấm!”.

Lo lắng cho nguồn tài nguyên biển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh Nguyễn Văn Công đưa ra một phép so sánh hình ảnh chua xót: Chiều dài lồng bát quái giăng trong lòng biển ở thời điểm tháng 9-2017 dài gấp bốn lần chiều dài bờ biển toàn tỉnh, vây bắt hơn 20 nghìn tấn thủy sản/năm, trong đó 70% thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định.

Tại Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… người dân cũng dùng giã cào, thậm chí kích điện để đánh bắt. Việc sử dụng kích điện còn tai hại hơn nhiều loại ngư cụ tận diệt khác, vì khiến cho mọi cá thể trong vùng nước đều bị tác động. Nhiều nơi, do sử dụng kích điện, khiến cho la liệt cá thể cá con như những đầu tăm ngửa bụng dạt vào bờ. Nhiều người đã nhìn ra tác hại của việc làm thiếu trách nhiệm của mình, nhưng vẫn tìm đủ lý do để biện minh cho việc làm sai trái của mình. Nhiều ngư dân bức xúc: “Người dùng giã cào vét đáy, hoặc kích điện vừa tàn sát hải sản, vừa làm hỏng hệ san hô ở ven bờ. Có khi giã cào còn cuốn rối, đứt lưới của ngư dân lành hiền, tuân thủ pháp luật”.

(Còn nữa)

Đứng ven đầm Thủy Triều, nhìn về phía xa, chúng tôi đắng lòng nhìn những nhóm người nhem nhuốc đang cào vào lòng đầm. Chính họ, với cách suy nghĩ sai lệch, đang tạo nên vòng luẩn quẩn mưu sinh cho mình và cả cộng đồng, khi sử dụng các phương tiện khai thác tận diệt, khiến nguồn hải sản ngày càng suy giảm.