Nghĩ từ một bảng xếp hạng

Có một bảng xếp hạng gần đây, khi được công bố, đã lập tức trở thành chủ đề nóng của toàn xã hội: Bảng xếp hạng đánh giá 49 trường đại học trong cả nước. Song, vượt trên những luận bàn về tính chính xác, cách thức tiến hành điều tra của nhóm nghiên cứu tiên phong, câu chuyện ấy còn gợi ra những suy ngẫm về một thực tế: có nhiều giá trị đang bị bỏ quên, có nhiều giá trị đang bị nhìn nhận sai và thiếu thuyết phục. Điều đó phần nào lý giải cho sự xáo trộn của các giá trị trong xã hội hiện đại.

Khi "lệch chuẩn" trở thành… "chuẩn"

Thông thường, những quan niệm về giá trị - cơ sở để con người rút ra các đánh giá như tốt, xấu, đúng đắn, sai lầm, phù hợp hay không phù hợp… từ đó có hành động tương ứng trong cuộc sống - có tính chất bền vững thường mang tính phổ quát, nhân văn như yêu thương con người, yêu hòa bình, công lý… Ðó thậm chí còn được xem là những chuẩn mực của thế giới văn minh.

Tuy nhiên, hiện tại, hiện tượng "lệch chuẩn" (hay nói cách khác là hiện tượng nhầm giá trị) đang xuất hiện ở rất nhiều cấp độ khác nhau, trong mọi lĩnh vực. Thí dụ đơn giản nhất: những người chấp hành đúng luật giao thông khi dừng lại trước đèn đỏ lại có khi bị chê cười, thậm chí bị chửi bới. Phức tạp hơn, có thể nhắc đến thái độ thỏa hiệp, không phê phán, thậm chí là ngưỡng mộ đối với những người làm giàu bất chính. Ngược lại, những con người trung thực, liêm chính, có cá tính, có tài năng lẽ ra phải được tôn trọng lại hoàn toàn có thể bị trù dập, xa lánh, cô lập và trở thành đối tượng công kích của cả tập thể.

Ðiều đáng sợ nhất là trong thời kỳ bùng nổ thông tin với sự "lên ngôi" của mạng xã hội này, giới trẻ dễ dàng bị tác động (và thậm chí là tha hóa) khi lạc lối trong "ma trận giá trị quan". Ở rất nhiều trường hợp cụ thể, những giá trị lẽ ra phải bị phê phán, phải đặt trong sự cảnh giác tối đa của cá nhân và cộng đồng trong tiến trình kiến tạo xã hội văn minh lại từng bước trở thành… "chuẩn mực", để điều khiển hành vi cá nhân một cách tiêu cực (mà nói ngắn gọn là "sống ảo").

Mấy ai đã quên, khi lượng "like" trên Facebook được xem như một tiêu chí quan trọng thể hiện bản thân, một cô bé học sinh ở Khánh Hòa đã tuyên bố sẽ "đốt trường nếu đạt 1.000 like"? Một thanh niên ở TP Hồ Chí Minh, vì 40 nghìn like, tự tẩm xăng đốt mình nhảy cầu Tân Hóa. Một kẻ sát nhân máu lạnh như Lê Văn Luyện lại có không ít ý kiến trên mạng bày tỏ sự hâm mộ (?!). Những cô gái sẵn sàng cởi áo khoe thân trước web cam "câu like". Những tin đồn vô căn cứ, và cả những trò dàn cảnh độc ác (như chuyện chủ một salon làm tóc dựng chuyện hàng trà đá đầu phố pha trà bằng nước rửa chân, chỉ để thu hút sự chú ý cho trang Facebook của mình). Những nhận xét cay nghiệt, nhẫn tâm dành cho cả người nghèo lẫn các nỗ lực chia sẻ với người nghèo, như bao "gạch đá" còn đang "ném vào" chương trình "Cơm có thịt"...

Thích nghi với môi trường hay cải tạo môi trường?

"Cố gắng thích nghi. Rồi sẽ quen thôi!" là một lời khuyên phổ biến dành cho ai đó mới gia nhập vào một môi trường, hay đang cảm thấy bất ổn với môi trường mà mình đang sống.

Lâu nay, chúng ta thường chú trọng tới mặt hợp lý của lời khuyên - phương châm sống đó, mà quên mất tính bất hợp lý của nó. Khi cố gắng bằng mọi cách thích nghi với môi trường, chúng ta sẽ phải "cải biến" bản thân cho phù hợp. Vì thế ở "môi trường xấu", càng cải biến để thích nghi chúng ta sẽ càng… tha hóa. Thực chất, sự thích nghi đó chính là quá trình vứt bỏ từ từ các giá trị chuẩn mực ở bản thân mình, đồng thời thừa nhận các giá trị lệch lạc.

Cũng sẽ có người lựa chọn thái độ và cách thức hành động "nhị nguyên", theo kiểu thừa nhận các giá trị phi chuẩn mực trong không gian công cộng, cố gắng "sống chung" với nó để tồn tại và có được lợi ích cho mình, nhưng phủ nhận hay cố gắng loại bỏ nó khi ở trong không gian riêng tư (như gia đình), như một giải pháp tối ưu. Nhìn thoáng qua, phương pháp ấy có vẻ hiệu quả. Nhưng, thực tế, điều đó là không tưởng.

Con người là thành viên của xã hội. Họ không thể thoát khỏi cơ chế tác động của vận động xã hội. Khi thỏa hiệp và chấp nhận các giá trị lệch chuẩn, họ sẽ bị tha hóa dần dần. Hơn nữa, kiểu tư duy "tiêu chuẩn kép" ấy sẽ gây ra khó khăn cho chính họ, khi phải giáo dục và hướng dẫn thế hệ kế tiếp. Họ sẽ giải thích thế nào với con cái về những sự lệch chuẩn trong xã hội, và khuyên con phải hành xử như thế nào? Thí dụ, nếu để "bằng bạn bằng bè" ngoài xã hội, họ bỏ "tiền tấn" mua những số điện thoại "phát lộc" hay những biển xe "tứ quý", thì liệu họ có đủ khả năng thuyết phục con cái rằng chiếc xe hay cái điện thoại chỉ là phương tiện sinh hoạt đơn thuần hay không?

Hồi quy về giáo dục

Giáo dục có tác động lớn tới sự trưởng thành của con người, đấy là sự thật. Vì vậy, để "lập lại trật tự" các giá trị trong xã hội, đặc biệt là với giới trẻ, giáo dục cần phải thay đổi. Càng hỗn loạn, xã hội hiện đại càng cần những công dân biết nhận chân giá trị, và biết hành động để "cải tạo môi trường" thay vì "thích ứng với môi trường".

Cách thức đánh giá trong giáo dục truyền thống từ trước đến nay chủ yếu là đánh giá về khả năng lĩnh hội các tri thức giáo khoa trong trường học của học sinh. Khâu đánh giá hướng vào tôn vinh các giá trị chuẩn mực và ngăn ngừa các giá trị phi chuẩn mực trong nhân cách có lẽ chỉ còn được thực hiện bằng "đánh giá hạnh kiểm". Ðây là cách thức hợp lý ở bề ngoài, nhưng bất ổn ở bên trong. Cách thức đánh giá này vừa làm tổn thương học sinh, vừa ít có tác dụng kích hoạt khả năng nhận biết và phê phán giá trị của học sinh. Không chỉ vậy, cách đánh giá này còn tiềm ẩn nguy cơ tạo nên những thế hệ có lối sống hai mặt.

Có một khái niệm cần phải được quan tâm nhiều hơn: "Giáo dục đời sống". Bên cạnh đó là chuyện đánh giá toàn diện học sinh trong toàn bộ đời sống trường học. Muốn thế, đời sống trường học phải trở thành đời sống xã hội (được sắp đặt có tính toán sư phạm) để học sinh trải nghiệm và trưởng thành, như mô hình ở rất nhiều nước phát triển.

Hoàn toàn có thể hướng các em đến Chân – Thiện – Mỹ ngay từ nhỏ, bằng những "giáo án" mang tính thiết thực nhất, cụ thể nhất, sống động nhất. Cô bé "Tốt-tô-chan ngồi bên cửa sổ" cùng bạn bè ở Nhật Bản đã được dạy cách yêu thương và trân trọng những giá trị đích thực như thế, từ giữa thế kỷ trước. Và trong "Những tấm lòng cao cả" của nhà văn I-ta-li-a E.Ðê A-mi-xi (E.De Amicis) hay "Những ngọn cờ trên tháp" của văn hào Xô-viết A.Ma-ca-ren-cô (A.Makarenko), các bài học luân lý cũng luôn được khắc họa sâu đậm thông qua hơi thở sinh động của cuộc đời.

Ngay cả ở cấp độ đại học, 49 ngôi trường trong bảng danh sách đang gây tranh cãi, có mấy nơi đã tạo dựng được thứ "đời sống giảng đường mang tính xã hội" này?