Ngăn chặn trục lợi chính sách với người có công

Là một trong những chính sách thể hiện sâu sắc tính nhân văn của Ðảng và Nhà nước với người có công, nhưng trong hơn chục năm qua, quá trình thực thi đã cho thấy có những kẽ hở lớn khiến cho một phần nguồn hỗ trợ không đến đúng được đối tượng. Cần làm gì để ngăn chặn hiệu quả hành vi trục lợi chính sách?

Lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Tân Yên (Bắc Giang) bàn bạc phương hướng khắc phục hậu quả trong công tác hội.
Lãnh đạo Hội Cựu TNXP huyện Tân Yên (Bắc Giang) bàn bạc phương hướng khắc phục hậu quả trong công tác hội.

Thanh tra… ra sai phạm

Tại xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) có nổi lên vụ việc tố cáo ông Vũ Ngọc Bổng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) của xã dù không đi TNXP nhưng đã trở thành hội viên, rồi được bầu làm lãnh đạo hội cơ sở, từ đó tiếp tục làm Trưởng ban Liên lạc truyền thống Ðội TNXP phiên hiệu đơn vị N79-83. Tính chất vụ việc trở nên phức tạp hơn nữa khi lãnh đạo huyện Lạng Giang vào cuộc và phát hiện ông Bổng đã đưa nhiều người khác vào Hội Cựu TNXP Hương Sơn và hưởng chế độ. Ðiều đáng nói, bên cạnh ông Bổng còn có sự giúp đỡ của ông Lưu Xuân Lý (nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn) đã ký xác nhận cho không chỉ 87 cựu TNXP trong xã, mà còn "ký giúp" hơn 100 người ở các xã khác.

Câu chuyện trên đáng tiếc không phải là cá biệt. Một cuộc rà soát tại các huyện khác trên địa bàn do các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ LÐ,TB và XH, Quân khu 1, tiến hành từ năm 2014 đến nay đã phát hiện nhiều đối tượng không có công nhưng hưởng sai chính sách. Có hơn 800 trường hợp đã bị đình chỉ trợ cấp chế độ.

Con số thống kê được ở tỉnh lân cận cũng cho thấy thực tế đáng giật mình, khi có tới 1.000 trường hợp hưởng sai chính sách. Tìm hiểu tại xã Ngũ Thái (Thuận Thành) tỉnh Bắc Ninh, được biết, có tồn tại các đường dây làm hồ sơ giả hưởng chế độ với sự tiếp tay của không ít cán bộ làm chính sách. "Ðầu trò" chính là ông Lê Tuấn Nghênh (thôn Cửu Yên) kết hợp với Lê Ðình Thảo công tác tại Viện Quân y 110 (TP Bắc Ninh) lo lót cho 42 đối tượng hưởng sai chính sách, trong đó 40 người là thương binh giả, chỉ hai người là thương binh thật. Ðầu tháng 3-2014, Tòa án nhân dân Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử vụ án làm giả hồ sơ thương binh đối với 40 bị cáo với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hội đồng xét xử tuyên phạt Lê Tuấn Nghênh bảy năm tù giam. Các bị cáo khác đều bị xử lý nghiêm khắc.

Làm việc với ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh thanh tra - Bộ LÐ,TB và XH cho biết, hằng năm thanh tra đều tiến hành kiểm tra và đều phát hiện những sai phạm ở hầu hết các tỉnh, thành. Có những đường dây liên tỉnh, các đối tượng "cò mồi" còn bắt tay với cán bộ có trách nhiệm xác lập hồ sơ, giám định y khoa để làm giả giấy tờ một cách tinh vi.

Dễ dàng lách luật

Theo Cục Người có công, hệ thống văn bản còn chồng chéo, có một số điểm mâu thuẫn nhau; một số quy định chưa sát thực tiễn khiến việc triển khai gặp khó khăn như chế độ đối với người hoạt động kháng chiến, hỗ trợ nhà ở, thủ tục, hồ sơ hưởng trợ cấp.

Trong quá trình xét công nhận cựu TNXP của các địa phương còn tồn tại lỗ hổng lớn. Bởi căn cứ theo Quyết định 40/201/QÐ-TTg của Chính phủ về chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, việc lập hồ sơ dựa trên cơ sở người tham gia TNXP tự khai báo tên đơn vị và có hai người ở cùng đơn vị chứng nhận… Tuy nhiên, "ngay từ các xã, việc kết nạp hội viên hết sức lỏng lẻo, chỉ cần hai người giới thiệu và làm chứng nhận là được. Ðiều đó khiến các đối tượng dễ dàng "lách luật" nhằm hưởng chính sách ưu đãi dễ dàng...", - ông Nguyễn Kim Triều - Phó Giám đốc Sở LÐ,TB và XH Bắc Ninh cho biết.

Hiện nay, tình trạng làm giả hồ sơ, thiếu tính minh bạch trong xác định tình trạng thương tật, chứng bệnh… từ các đơn vị cũng diễn ra phổ biến. Ðây là trách nhiệm từ cấp xã, huyện, cao hơn là tỉnh đội, quân khu xác lập.

Tăng tính minh bạch trong thực thi

Ngành LÐ,TB và XH thống kê, hiện còn tồn tới hơn 4.400 hồ sơ chờ giải quyết chính sách. Bộ trưởng LÐ,TB và XH Ðào Ngọc Dung cho biết: "Chúng ta cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết căn bản vấn đề hồ sơ tồn đọng, không để nợ người dân câu trả lời, không để người dân chờ đợi bao năm chỉ vì những vướng mắc về cơ chế xử lý hồ sơ". Nhưng đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn nếu đặt trong bối cảnh công tác tham mưu, xây dựng chính sách và giám sát thực thi của chúng ta chưa được tốt.

Bàn về việc thực thi, lãnh đạo Thanh tra Bộ và Cục Người có công thống nhất rằng, cần sớm điều chỉnh những điều chưa hợp lý của chính sách, quy định rõ hơn trách nhiệm của các đơn vị và trách nhiệm thu hồi tiền chính sách đã bị trục lợi. Hiện nhiều đối tượng vướng mắc trong việc này bởi khi chi cho đối tượng mỗi tháng vài trăm nghìn đồng, nay thu lại một lúc vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng là điều không đơn giản. Hiện nhiều đối tượng là người nghèo, thu nhập thấp không có khả năng trả lại hoặc đề nghị được nới rộng thời gian thu hồi.

Một trong những giải pháp khá quan trọng để lấy lại sự nghiêm minh trong thực thi chính sách là cần xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm, tiếp tay cho các đối tượng trục lợi, đồng thời tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách, nêu cao lòng tự trọng, không khai man trục lợi, làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Ngày 20-3-2017, Bộ LÐ,TB và XH đã có Quyết định số 408/QÐ- Bộ LÐTBXH, ban hành Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Quy trình quy định rõ trách nhiệm của các cấp trong thẩm định, xét duyệt hồ sơ. Song sau hơn một tháng, vẫn còn nhiều ý kiến địa phương đề xuất: Trong việc xác nhận người có công bị nhiễm chất độc hóa học, cần phải giới hạn nhóm bệnh trong giám định để tăng tính chặt chẽ. Ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LÐ,TB và XH Thanh Hóa kiến nghị: Tôi mong muốn việc xác minh bệnh tật, nên tập trung vào bệnh ung thư, vô sinh và sinh con khuyết tật, đó là những chứng cứ sinh động để giải quyết chế độ. Còn ông Ðào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Người có công và bà Ngô Thục Phượng, Trưởng phòng Người có công (Sở LÐ,TB và XH Vĩnh Phúc) đồng quan điểm: Ngành LÐ,TB và XH không xác lập hồ sơ, mà từ cấp xã, huyện, cao hơn là tỉnh đội, các quân khu xác lập. Việc xác lập cần phải được làm công khai, minh bạch và trước hết là công tâm, tránh biến không thành có. Ðó là điều tất yếu để một chính sách lớn đến được đúng đối tượng và hơn cả là mang đến sự minh bạch trong thực thi chính sách.

Ðồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh, kiến nghị:

Nên quy định khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho các đối tượng đang hưởng chế độ thương tật để làm căn cứ cho khám giám định lại thương tật; nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của các cấp trong lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ trong xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Năm 2015, tổng số hồ sơ thương binh được kiểm tra tại bốn tỉnh và hai quân khu là 11.757, qua kiểm tra phát hiện 1.947 hồ sơ sai sót hoặc nghi vấn sai sót (chiếm tỷ lệ 16,6%). Năm 2016, thanh tra lĩnh vực xác lập, xét duyệt hồ sơ thương binh do quân đội thực hiện tại Thái Nguyên và Kon Tum, qua kiểm tra 55.628 hồ sơ, phát hiện 11.891 hồ sơ sai sót hoặc cần xác minh bổ sung, trong đó đề nghị đình chỉ trợ cấp đối với 760 đối tượng. Ðối với hồ sơ hưởng trợ cấp người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, kiểm tra 11.787 hồ sơ, trong đó phát hiện 4.920 hồ sơ sai sót phải đình chỉ trợ cấp hoặc cần tiến hành xác minh bổ sung (chiếm tỷ lệ 41,7%).