Ngăn chặn triệt để hành vi “đầu độc” người tiêu dùng!

Chưa bao giờ, tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký trở thành vấn đề nguy cấp như hiện nay. Làm gì để xử lý tận gốc những hành vi hám lợi, “đầu độc” người tiêu dùng?

Nếu người dân thiếu trách nhiệm kiểm soát đầu vào sẽ khó nâng cao chất lượng thực phẩm.
Nếu người dân thiếu trách nhiệm kiểm soát đầu vào sẽ khó nâng cao chất lượng thực phẩm.

Sự thờ ơ tạo đất sống cho thực phẩm bẩn

Tại sao những câu chuyện người sản xuất “đầu độc” người tiêu dùng liên tiếp xảy ra? Mặc dù chế tài xử lý hình sự các hành vi vi phạm quy định về ATTP, gây nguy hại cho cộng đồng đã có thay đổi lớn cùng với việc Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành từ 1-1-2018.

Một chuyên gia nhận định, số tiền xử phạt các vụ việc phần nào nói lên mức độ của những vụ vi phạm nhiều như thế nào, song cũng bởi nhiều vụ việc nghiêm trọng chưa bị xử lý hình sự nên chưa đủ sức răn đe, làm chùn bước các đối tượng vi phạm. Thêm vào đó, sự vào cuộc chậm trễ như chậm phát hiện các vụ vi phạm, không thanh, kiểm tra thường xuyên, sát sao các cơ sở sản xuất là nguyên nhân khiến cho các vụ thực phẩm bẩn vẫn tiếp diễn. PGS, TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội thẳng thắn nêu quan điểm: “Tất cả những hành vi vi phạm về ATTP đã có quy định trong Nghị định của Chính phủ, không có gì khó khăn để xử phạt với những cơ sở sản xuất thực phẩm có hành vi gian dối, đưa hóa chất độc hại vào thực phẩm làm hại hàng triệu người tiêu dùng”.

Thực phẩm bẩn vẫn tồn tại còn bởi chính sự thờ ơ của những người chung quanh. Ở đây, đầu tiên là những công nhân làm việc ở các cơ sở sản xuất, những người bán mua nguyên liệu, phân phối. Và rộng ra nữa là người thân, người dân ở chung quanh đã không lên tiếng cảnh báo, tố giác khi biết, hoặc phát hiện cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn, tạo nên đất sống cho những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn.

Phải bắt đầu từ trách nhiệm mỗi con người

Làm thế nào để có thực phẩm sạch, tận diệt tận gốc những hành vi hám lợi dẫn đến đầu độc người tiêu dùng bằng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn? Với những vụ việc vi phạm nghiêm trọng, theo nhiều ý kiến, phải xử lý thật nghiêm. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngoài xử phạt hành chính thì từ năm 2017 đến nay, chúng ta đã sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự theo hướng xử phạt nặng các hành vi vi phạm về ATTP. Và nếu căn cứ Bộ luật Hình sự sửa đổi thì có thể phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng và có thể phạt tù từ 1 đến 5 năm. Có như vậy mới đủ răn đe đối tượng vì lợi ích mà đã và đang có hành vi đầu độc người tiêu dùng qua việc đưa vào lưu thông các sản phẩm gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người đang có xu hướng gia tăng.

Việc người sản xuất tối đa hóa lợi ích sẽ dẫn đến lạm dụng hóa chất gây hại tới sức khỏe. Ông Nguyễn Văn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp hữu cơ bày tỏ quan điểm: Có nhiều con số đáng nghi ngại về việc nhập hóa chất. Tại nước ta, việc quản lý hóa chất đang có nhiều vấn đề, từ đó người sản xuất sẽ lạm dụng việc sử dụng hóa chất. Tôi cho rằng, nếu quản lý chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, sản xuất thì nhà sản xuất sẽ giảm bớt việc sử dụng hóa chất bừa bãi, không ý thức. “Về câu chuyện thương hiệu, nếu người dân không có trách nhiệm kiểm soát nguồn đầu vào sẽ không có trách nhiệm về chất lượng thực phẩm. Tôi mong muốn câu chuyện chống thực phẩm bẩn phải bắt đầu từ trách nhiệm mỗi con người.

Doanh nghiệp có thể làm giả thực phẩm bẩn thành thực phẩm sạch vì họ không gắn thương hiệu với chính họ. Điều này cũng có nghĩa với việc họ có thể làm giả, làm nhái thương hiệu của người khác… Khi nói đến ATTP chúng ta mới đang quan tâm tới khâu cuối cùng đó là khâu tiêu dùng. Nếu chúng ta không giải quyết tốt khâu đầu tiên - khâu sản xuất thì chưa giải quyết hết được gốc vấn đề của ATTP”, ông Cường nhấn mạnh.

Về phía người tiêu dùng, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng cần được bảo vệ hai quyền. Trước hết là quyền thông tin. Hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh, sản xuất còn hạn chế. Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Điều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiện phát triển. Tiếp đến là quyền an toàn. Hiện nay, rất nhiều thực phẩm của chúng ta vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc thực phẩm.

Cùng đó, kiểm soát tốt thực phẩm, cần điều chỉnh, bổ sung Luật An toàn thực phẩm theo hướng xác định lại tội danh, tăng hình phạt. Sản xuất, nuôi trồng, tàng trữ, mua bán thực phẩm bẩn phải truy tố tội danh “Cố ý giết nhiều người”, khung hình phạt ở mức cao nhất, kê biên tài sản của bị can để bồi thường cho người thiệt hại. Mỗi địa phương cần chủ động vào cuộc, xác định nguồn gốc thực phẩm đang lưu hành tại địa phương mình, không có nguồn gốc rõ ràng, quá trình sản xuất - nuôi trồng - chăm sóc - chế biến không đúng quy định, nhất thiết cấm bán tại địa phương.

Theo báo cáo của Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, trong năm 2017, kiểm tra 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (19,8%), đã xử phạt hành chính 35.759 cơ sở với số tiền lên đến 61 tỷ đồng.