Ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 thứ tư

Tình trạng nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới Tây Nam và một số địa phương có đường biên, đường biển được dự báo tiềm ẩn nguy cơ làm xuất hiện làn sóng dịch Covid-19 thứ tư. Đáng chú ý, các ca mắc Covid-19 mới đi lọt tới nhiều tỉnh, thành phố, đòi hỏi các địa phương quyết liệt triển khai các giải pháp và kịch bản ứng phó.
 

Các đối tượng xuất cảnh trái phép bị lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng An Thới - Phú Quốc phát hiện ngày 14-3-2021. Ảnh: An Di
Các đối tượng xuất cảnh trái phép bị lực lượng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng An Thới - Phú Quốc phát hiện ngày 14-3-2021. Ảnh: An Di

Nỗi lo người nhập cảnh trái phép
 
 Đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đang được coi là “điểm đen” người nhập cảnh trái phép tại biên giới phía tây nam. Chỉ tính từ đầu năm 2021 tới cuối tháng ba, lực lượng chức năng ở Phú Quốc đã phát hiện ít nhất sáu vụ với 39 người nhập cảnh trái phép. Lý do hầu hết các vụ nhập cảnh, xuất cảnh trái phép bằng đường biển “chọn” Phú Quốc làm điểm xuất phát, hoặc trung gian để đi tiếp tới các địa phương khác là do hòn đảo này rất gần với nước bạn. Đảo có đường bờ biển bao quanh dài hơn 130km, chỗ nào tàu thuyền cũng có thể tấp vào được nên việc để lọt người nhập cảnh trái phép là khó tránh khỏi. Đó là chưa kể, gần đây các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép còn bố trí giấu người dưới hầm tàu nên việc kiểm tra hàng nghìn chiếc tàu cập bến mỗi ngày trở thành nhiệm vụ hết sức nặng nề với lực lượng chức năng. Bởi vậy, dù cơ quan chức năng đã tăng cường hết lực lượng, số lượng tàu tuần tra hiện có, song việc kiểm soát vùng biển rộng hơn 1.500 km2 vẫn là nhiệm vụ khó khăn. Theo một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp tại một số địa phương của nước láng giềng, đã khiến cho tình hình xuất nhập cảnh trái phép bằng đường bộ và đường biển cũng phức tạp hơn, khiến Phú Quốc đối diện nhiều rủi ro, nguy cơ dịch xuất hiện.
 
 Khó khăn trong kiểm soát người nhập cảnh trái phép cũng xảy ra ở nhiều địa phương. Tại Tây Ninh, theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến ngày 26-3-2021, đã phát hiện, bắt giữ 576 đối tượng nhập cảnh trái phép, 87 người nhập cảnh trái phép qua cửa khẩu quốc tế. Điều lo ngại là có hiện tượng người nhập cảnh trái phép sợ bị phát hiện nên thường tìm đến các phòng khám ngoài công lập để khám, chữa bệnh, trở thành kẽ hở để dịch có thể len lỏi trong cộng đồng. “Khi đi kiểm tra, nếu cơ sở y tế tư nhân nào không chấp hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm túc sẽ rút giấy phép hoạt động. Đối với các cửa hàng bán thuốc có trách nhiệm phải ghi chép báo cáo với các trung tâm y tế khi người mua có các triệu chứng như sốt”, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, trong chuyến công tác tới Tây Ninh mới đây, đề nghị.
 
 Sẵn sàng kịch bản ứng phó
 
 Các chuyên gia dự báo, tình hình dịch Covid-19 ở các nước trong khu vực đang diễn biến phức tạp, nguy cơ Việt Nam có thể xuất hiện đợt dịch Covid-19 mới. Theo Bộ Y tế, từ đầu cuộc chiến chống dịch, Việt Nam đã thiết lập 1.600 điểm chốt với hơn 10.000 cán bộ biên phòng kết hợp với lực lượng chính quyền địa phương để quản lý việc xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, chúng ta có đường biên giới trải dài, rộng nên việc quản lý xuất nhập cảnh đường biển hết sức khó khăn, đặc biệt là việc nhập cảnh trái phép diễn biến rất phức tạp. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm thực hiện các biện pháp theo đề nghị của Bộ Ngoại giao là hợp tác với nước bạn, hỗ trợ bà con người Việt Nam cố gắng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhập cảnh bằng con đường hợp pháp, trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý thật nghiêm.
 
 Trước nguy cơ lây lan dịch từ bên ngoài biên giới, các chuyên gia đặc biệt lưu ý, cơ quan chức năng phải bảo đảm công tác khai báo y tế đối với các trường hợp qua lại cửa khẩu biên giới. 100% số trường hợp nhập cảnh phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định (cách ly đủ 14 ngày và xét nghiệm đúng hai lần, khi có kết quả xét nghiệm âm tính thì tiếp tục theo dõi tại nhà 14 ngày tiếp theo). Đối với hàng hóa xuất cảnh, dù bất kỳ bằng hình thức nào như đổi container hay đổi lái xe đều phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 như: đồ bảo hộ, khử khuẩn, phân luồng… Trong thời gian tới khi giao thương trở lại, khu vực cửa khẩu phải tiếp tục thực hiện công tác vừa phòng, chống dịch vừa phải phát triển kinh tế.
 
 Cùng đó, lực lượng biên phòng nòng cốt phối hợp với công an, chính quyền địa phương kiểm soát chặt đường mòn, lối mở và những nơi người dân dễ dàng nhập cảnh trái phép. Theo PGS, TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP Hồ Chí Minh, các tỉnh biên giới tây nam cần siết chặt quản lý tại khu vực biên giới, mở thêm các khu cách ly tại khách sạn để tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia đến làm việc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Đối với các đối tượng nhập cảnh trái phép, lời khai đến đâu phải cho rà soát đến đó.
 
 “Cuộc chiến” chống Covid-19 vẫn còn hết sức gian nan. Nhiều nước đã đưa ra những án phạt nặng với những người không tuân thủ quy định phòng, chống dịch, gây hậu quả truyền bệnh cho cộng đồng. Vì vậy, chúng ta cần kiên quyết xử lý nghiêm người nhập cảnh trái phép cũng như những cá nhân tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép để làm gương, đi cùng các hoạt động đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không có ý định nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Đồng thời, cần xây dựng kịch bản để ứng phó với tình huống bùng phát dịch tại các địa phương, tránh lúng túng, bị động làm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội và phát triển kinh tế.