Tăng lương tính đóng bảo hiểm xã hội

Nên hay không?

Theo quy định, từ năm 2018, tất cả các khoản phụ cấp cố định của người lao động sẽ được cộng vào lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Với cách tính mới này, tiền đóng BHXH của người lao động và doanh nghiệp (DN) sẽ tăng mạnh. Điều này cũng phát sinh nghịch lý, DN nào chấp hành nghiêm quy định sẽ thua thiệt!

Nếu từ năm sau, khi toàn bộ phụ cấp cố định tính vào lương tính đóng BHXH sẽ khiến chi phí nộp BHXH của cả DN và người lao động tăng mạnh... Ảnh: NHƯ Ý
Nếu từ năm sau, khi toàn bộ phụ cấp cố định tính vào lương tính đóng BHXH sẽ khiến chi phí nộp BHXH của cả DN và người lao động tăng mạnh... Ảnh: NHƯ Ý

Nhiều phụ cấp tính vào lương

Theo Thông tư 59/2015 ngày 29-12-2015, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc: Từ 1-1-2018, lương tính đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động. Các khoản này được quy định tại Điểm a Khoản 3 của Điều 4, Thông tư 47/2015. Theo đó, các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương, như: Phụ cấp bán hàng, lái xe, phụ cấp đặc thù… Trừ một số khoản phụ cấp không cố định, chi trả không thường xuyên, mang tính phúc lợi sẽ không cộng vào lương tính đóng BHXH, như: Phụ cấp đi lại, điện thoại, nhà ở, nuôi con nhỏ; tiền tăng ca, làm thêm; thưởng lễ, Tết, chuyên cần… Trước đó, từ ngày 1-1-2016, một số khoản phụ cấp cố định đã được cộng vào lương tính đóng BHXH, như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; trách nhiệm; nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; thâm niên; khu vực; phụ cấp lao động, thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự.

Chị Nguyễn Hồng Phương, công nhân lắp ráp ô-tô ở Vĩnh Phúc cho biết, hiện công ty có khá nhiều khoản phụ cấp, hỗ trợ, như: Phụ cấp đi lại; lương tăng ca; tiền ăn ca; hỗ trợ nhà ở, nuôi con nhỏ; phụ cấp ngoại ngữ; phụ cấp lái xe, chạy thử xe; phụ cấp sơn; phụ cấp bán hàng… Từ năm 2016, lương tháng của chị đã bị trừ thêm vài chục nghìn đồng do một số khoản phụ cấp đã cộng vào lương tính đóng BHXH. Chị Phương lo lắng hơn khi biết từ năm 2018, tất cả phụ cấp sẽ cộng vào lương tính đóng BHXH, tiền lương sẽ còn giảm thêm do tiền đóng BHXH tăng. “Không biết khoản tăng lương tối thiểu có giúp cải thiện được thu nhập không, hay chỉ đủ đóng phần tăng thêm của BHXH”- chị Phương bất an.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty may Hưng Yên cho biết, từ năm sau, khi toàn bộ phụ cấp cố định tính vào lương tính đóng BHXH sẽ khiến chi phí nộp BHXH của cả DN và người lao động đều tăng mạnh. Ông Dương tính toán, thu nhập của một lao động khoảng 8 triệu đồng/tháng, với quy định hiện hành, lương tính đóng BHXH chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2018, cộng thêm các khoản phụ cấp, lương tính BHXH sẽ lên hơn 6 triệu đồng/tháng (một số khoản không công vào lương như tiền tăng ca, thưởng, tiền ăn, các khoản mang tính an sinh…). Ông Dương nhẩm tính, với cách tính lương mới, phí đóng BHXH, công đoàn phí của DN cho người lao động cũng tăng khoảng 20% so với hiện nay. Như DN ông có 2.000 lao động, tiền đóng BHXH và công đoàn phí hết ba tỷ đồng/tháng, nhưng với cách tính lương mới khoản tiền này sẽ tăng lên 3,6 tỷ đồng/tháng (tăng 600 triệu đồng).

Về phía người lao động, theo ông Dương chia sẻ, số tiền lương thực nhận sẽ giảm, khi cơ sở lương tính đóng BHXH tăng, phần đóng góp của người lao động cũng tăng theo. Với việc cơ sở lương tính đóng BHXH tăng khoảng 30%, thì cộng tất cả các khoản phụ cấp cố định, tiền BHXH của người lao động cũng tăng lên khoảng 100 nghìn đồng/tháng.

Thua thiệt lại dồn cho người lao động?

Điều làm ông Nguyễn Xuân Dương cảm thấy bất công nhất chính là những DN thực hiện nghiêm luật pháp, đóng thuế đầy đủ, trả lương cao vì người lao động lại luôn thua thiệt, đối mặt nhiều khó khăn. Theo ông Dương, những DN sản xuất hàng xuất khẩu luôn phải chấp hành nghiêm quy định, do đối tác nước ngoài luôn yêu cầu điều khoản về tuân thủ luật pháp nước sở tại. Trong khi đó, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài chỉ trả lương bằng lương tối thiểu, nhân với hệ số để ra lương tính đóng BHXH, còn người lao động sống dựa vào phần tăng ca, làm thêm giờ. Điều này giúp các DN vốn nước ngoài giảm các chi phí bảo hiểm, công đoàn. Ông Dương cũng không loại trừ sẽ có nhiều DN tìm cách lách, chuyển các khoản phụ cấp thường xuyên sang tăng các khoản phúc lợi, tăng công làm thêm giờ, tăng thưởng… để không bị cộng vào lương tính đóng BHXH. “Với việc tăng cơ sở lương đóng BHXH, chúng tôi đang kiến nghị giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN”- ông Dương đề xuất.

Cùng quan điểm, ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty CP May Nam Hà (Nam Định) cho biết, năm 2016, chi phí đóng BHXH cho người lao động của công ty ông đã tăng gấp bốn lần so với năm 2011. Cùng với việc lương tối thiểu vùng tăng 6,5% và thêm các khoản phụ cấp cộng vào lương tính đóng BHXH từ năm 2018, ông Dũng ước tính chi phí cho lao động sẽ tăng thêm hơn 10%.

Với việc thay đổi chính sách BHXH như trên, ông Dũng cũng không loại trừ khả năng sẽ có DN tìm cách lách! Ông dẫn chứng, thay vì đưa phụ cấp vào hợp đồng lao động sẽ đổi sang thỏa ước lao động tập thể; thay vì phụ cấp thâm niên sẽ đổi sang phụ cấp chuyên cần bình xét hằng tháng, giảm phụ cấp cố định để tăng lương làm thêm giờ, tăng ca, hỗ trợ nhà ở… “Giờ chi phí nhân công tăng khiến lợi nhuận của DN giảm, nên buộc phải cắt giảm chi phí, thậm chí giảm đầu tư”- ông Dũng cho biết. Ông Dũng cũng mong tỷ lệ đóng BHXH, công đoàn của DN sẽ sớm được điều chỉnh giảm, giãn tốc độ tăng lương để DN tồn tại và phát triển, từ đó mới nuôi sống được lao động, tạo thêm việc làm.

Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia) cho biết, lâu nay DN luôn có hai sổ lương. Một sổ lương DN kê khai đóng BHXH rất thấp, tương đương lương tối thiểu. Một sổ lương khác DN thực trả cho người lao động cao hơn rất nhiều, với nhiều loại phụ cấp, hỗ trợ khác nhau. “Từ năm 2018, lương tính đóng BHXH sẽ cộng thêm các khoản phụ cấp, DN sẽ không thể dựa vào lương tối thiểu nữa. Thậm chí, chúng ta phải tiến tới liên thông cơ quan thuế và BHXH, thu BHXH theo tiền lương DN kê khai thuế, sẽ không còn chuyện hai sổ lương nữa”- ông Chính nói.

Trong khi đó theo nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Phạm Minh Huân, phụ cấp và các khoản tăng thêm ngoài lương có hai loại. Theo đó, một nhóm phụ cấp được chi trả cố định, thường xuyên hằng tháng theo lương, những khoản này sẽ phải tính vào lương để đóng BHXH. Các phụ cấp không tính vào lương đóng BHXH là các khoản không cố định hằng tháng, không chi trả thường xuyên, như tiền tăng ca, làm thêm giờ, tiền thưởng, các khoản phúc lợi (như tiền tăng ca, ăn trưa, thưởng sáng kiến, thưởng lễ, Tết, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, nuôi con nhỏ…). Khi cơ sở lương đóng BHXH tăng lên, theo ông Huân, có thể tính tới việc giảm tỷ lệ đóng BHXH cho DN và người lao động.

Khi tiến tới liên thông cơ quan thuế và BHXH, thu BHXH theo tiền lương DN kê khai thuế, sẽ không còn chuyện tồn tại hai sổ lương ở DN nữa.