Nâng mức kịch bản cao trong ứng phó dịch

Từ ngày 15-3, Bộ Y tế đã cách ly, xét nghiệm tất cả người về từ vùng dịch nước ngoài, nhằm phát hiện kịp thời những trường hợp lây nhiễm Covid-19 - đây được xem là giai đoạn vàng chống lây nhiễm trong cộng đồng. Mới nhất, Việt Nam cũng đã tạm dừng cấp visa vào Việt Nam với tất cả các nước trên thế giới trong vòng 30 ngày, kể từ 0 giờ ngày 18-3, nhằm nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid -19.

Lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) tăng cường kiểm tra, cách ly người về từ các vùng dịch Covid-19. Ảnh: ĐỘC LẬP
Lực lượng chức năng tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) tăng cường kiểm tra, cách ly người về từ các vùng dịch Covid-19. Ảnh: ĐỘC LẬP

Ứng phó các diễn biến phức tạp

Tính tới trưa 18-3, Việt Nam đã ghi nhận 68 trường hợp mắc Covid-19, riêng từ ngày 6-3 đến nay có thêm 52 ca mắc mới. Đáng chú ý, đã có những chuyến bay mới từ châu Âu về Việt Nam có người dương tính với SARS-CoV-2, và có bệnh nhân về từ Ma-lai-xi-a.

Một trong những biện pháp hiệu quả ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng hiện nay là xét nghiệm nhanh tại sân bay, phân luồng đưa người đi cách ly. Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 16-3, các khu cách ly của Hà Nội đã tiếp nhận hơn 1.400 người về từ vùng dịch (chưa tính những người đã hết thời gian cách ly và trở về gia đình). “Những người này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm hai lần và theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội, kể cả các trường hợp âm tính vẫn cách ly tập trung đủ 14 ngày”, ông Hạnh nói. Những ngày tới, do hành khách quá cảnh qua nhiều nước nên khó dự đoán số lượng người Việt sẽ về nước hằng ngày. Ông Hạnh cho biết, việc này cũng gây khó khăn cho công tác điều động cán bộ xét nghiệm, nhưng Hà Nội đã có sự chuẩn bị, sắp tới sẽ có thêm 10.000 test xét nghiệm được tài trợ, bảo đảm đủ để xét nghiệm 100% số người từ vùng dịch.

Cũng những ngày qua, có hàng nghìn Việt kiều hồi hương do dịch Covid-19. Liên quan đến việc giải tỏa hành khách tại sân bay, đại diện Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, các thủ tục trong giai đoạn này nhiều và phức tạp hơn rất nhiều so với thường lệ, do có thêm các khâu khai báo y tế đối với 100% số khách nhập cảnh, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tập trung với khách đến từ vùng dịch. Các lực lượng liên quan đã tăng cường nhân sự để triển khai trong thời gian nhanh nhất có thể, song không tránh khỏi những thời điểm đông khách do khung giờ tập trung nhiều chuyến bay.

Tại TP Hồ Chí Minh, cùng với việc kêu gọi người dân giám sát, sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương mang lại hiệu quả khá cao trong việc truy tìm hành khách, người tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19. Điển hình, theo kết quả thông báo truy tìm hành khách trên chuyến bay QR974 của Qatar Aiways từ Doha về Tân Sơn Nhất vừa qua có bệnh nhân thứ 34 nhiễm Covid-19, đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) xác định, trên chuyến bay này có 31 hành khách, trong đó 29 hành khách được đưa đi cách ly, hai hành khách còn lại không có địa chỉ tại thành phố. Theo một cán bộ của HCDC, để công tác tìm kiếm hành khách đạt được hiệu quả như trên, các thông tin số lượng hành khách đi trên chuyến bay, tên tuổi... được chuyển cho sở, ngành, UBND quận, huyện, các đơn vị phối hợp xác minh.

Phía quân đội, theo Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng, các đơn vị trong quân đội đang tiếp tục thực hiện tốt việc đón nhận, cách ly công dân trở về, bảo đảm đầy đủ trang bị bảo hộ y tế cho đội ngũ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch, bảo đảm không lây nhiễm chéo. Xác định đây là “thời điểm vàng” để Việt Nam tiến hành các bước quan trọng trong chống dịch Covid-19, các đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ cần vào cuộc quyết liệt hơn để dập dịch.

Những thay đổi cần thiết

Việt Nam đang có những thay đổi trong cách đối phó căn bệnh nguy hiểm Covid-19. Cùng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành Y tế đã có những thay đổi trong biện pháp chống dịch để phù hợp tình hình mới. Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới cần triển khai các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ và triệt để hơn, với năm vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay. Cụ thể, Việt Nam kiên trì chiến lược đã đề ra nhưng có những thay đổi cho phù hợp hơn. Trong đó, quan trọng nhất là quyết tâm, kiên trì ngăn ca xâm nhập, sẵn sàng huy động bác sĩ, điều dưỡng viên về hưu tham gia chống dịch Covid-19.

Lãnh đạo ngành y tế cho biết, chúng ta tiếp tục thực hiện cách ly triệt để như đã làm tốt từ đầu vụ dịch. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cách ly triệt để các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc trực tiếp để ngăn chặn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng. Điểm mới trong cách ly tại Việt Nam thời gian tới là khoanh vùng nhỏ hơn, chặt chẽ hơn nhằm bảo đảm vấn đề đời sống cho người dân, vừa đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch.

Cách thức điều trị mà Việt Nam đang áp dụng khác với một số nước. Sắp tới, kể cả bệnh nhân dương tính, có triệu chứng lâm sàng, biểu hiện rất nhẹ cũng có thể điều trị ở tuyến xã nhằm tránh việc tập trung tạo áp lực lớn, phân tán bệnh nhân xuống các tuyến, ưu tiên các ca nặng điều trị ở tuyến trên. Phác đồ cũng luôn thay đổi phù hợp với tiến bộ trong nghiên cứu của thế giới và kinh nghiệm các nước. Vấn đề cần quan tâm nữa là phát hiện sớm, với các khách đã nhập cảnh vào Việt Nam trong 14 ngày qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã yêu cầu các địa phương phối hợp, liên hệ các khách này để thực hiện khai báo y tế điện tử và lấy mẫu xét nghiệm. Làm càng nhanh, việc khoanh vùng, dập dịch càng hiệu quả.

Quan trọng nữa là áp dụng khoa học công nghệ, đây là một trong những thay đổi chiến lược của công cuộc phòng, chống dịch Covid-19. Sắp tới chúng ta tiếp tục tận dụng triệt để công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc các hành khách, quản lý các trường hợp tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh. Ban Chỉ đạo đã yêu cầu tất cả các sở du lịch, cơ sở lưu trú phải có QR code để thuận tiện cho các hành khách khai báo y tế. Ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam sử dụng để khai báo y tế hỗ trợ 12 ngôn ngữ, hiện đã có hơn 100 nghìn hồ sơ. Việc tích hợp khai báo sức khỏe du lịch trên ứng dụng này sẽ hỗ trợ cơ quan chức năng phát hiện nguồn lây bệnh và kiểm soát được hoạt động du lịch trong thời điểm dịch đang diễn biến phức tạp.

Cùng với sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng, địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể nắm bắt cơ hội từ thời điểm vàng để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng.

Thủ tướng kêu gọi tinh thần “tương thân tương ái” trong phòng, chống dịch Covid-19

Ngày 17-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng kêu gọi: “Mỗi người dân, các giới, các đơn vị, đặc biệt là giới doanh nhân tùy theo khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức góp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng, không phân biệt tuổi tác, địa vị, giai tầng, kể cả bà con ở nước ngoài xa xôi… Tất cả hãy nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Bao đời nay, đó luôn là giá trị nền tảng của dân tộc Việt Nam và đem lại sức mạnh để chúng ta vượt mọi khó khăn thử thách, đi đến thắng lợi cuối cùng”.