Mướt mồ hôi...chạy lở

Mấy tháng nay, trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra sạt lở đất dọc theo các sông lớn, vàm sông. Những cụm đất, những khối nhà kiên cố bị đổ ụp xuống dòng nước xoáy bất thường, làm đảo lộn nhịp sống của nhiều hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Bờ ngồi lặng, buồn xo nhìn ra dòng sông Hậu.
Ông Nguyễn Văn Bờ ngồi lặng, buồn xo nhìn ra dòng sông Hậu.

Nhanh và nguy hiểm

Nổi cộm nhất là vụ sạt lở Quốc lộ (QL) 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú rạng sáng 1-8 để lại nhiều nỗi lo vì đây là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa, nông sản đi các tỉnh, thành phố cũng như sang Cam-pu-chia. Chỉ mấy ngày sau khi xuất hiện các hiện tượng bất thường, đoạn quốc lộ dài hơn 85 m đã bị sông Hậu nuốt mất...

Ðây là lần thứ hai QL91 gánh chịu tai họa thủy thần.Tháng 3-2010, cách vị trí hiện nay hơn 100m, đoạn QL91 dài hơn 150m đổ ập xuống lòng sông Hậu,để lại hậu quả nặng nề. Khi đó, địa phương đã phải khẩn cấp di dời 27 hộ dân có nhà trong khu vực nguy hiểm, giao thông khu vực này bị tê liệt hoàn toàn, ngành giao thông phải liên tục phân luồng cho các xe lớn chạy các tuyến tránh tỉnh lộ. Nhiều doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng không nhỏ từ vụ sạt lở này, vì phải chạy đường vòng xa thêm hàng chục km làm trễ giờ giao hàng, chi phí xăng dầu, vận chuyển cũng tăng lên…

Lần sạt lở thứ hai này, tỉnh An Giang đã có kinh nghiệm nên ứng phó nhanh hơn. Ngay khi nhận định không cứu được đoạn QL 91, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo khẩn cấp, trong tối 30-7 phải cho xe các loại lưu thông vào tuyến đường tránh ngay dù tuyến đường này chưa hoàn thành, kiên quyết di dời hai căn nhà dân và hai quán nước trong khu vực nguy hiểm nghiêm cấm người dân hiếu kỳ ra bờ sông xem sạt lở.

Cuộc sống bị đảo lộn

Vụ sạt lở làm đảo lộn hoàn toàn đời sống cư dân ở đây. Con sông Hậu chảy qua khu vực này là vị trí thắt nút cổ chai, từ bên này sông nhìn qua bên kia đã thấy bờ huyện Phú Tân. Sau vụ sạt lở, khoảng cách lòng sông rộng hẳn, chênh vênh.Từ một khu vực đông vui, xe chạy qua lại tấp nập, nay khu vực sạt lở đã bị chia cắt hoàn toàn, lực lượng công an, dân quân túc trực 24/24 giờ, cho dựng rào chắn bên ngoài phạm vi khu sạt lở để hạn chế người dân hiếu kỳ tìm cách vào xem… sạt lở.

QL 91 để lại ngổn ngang bao chuyện phải lo. Ðó là ngay đoạn sụp bên lòng sông Hậu đã xuất hiện các hố sâu, hố xoáy. Người dân trong khu vực trước hay ra đây nhảy sông tắm, ven bờ sông nơi họ tắm, nước sông Hậu chỉ cao tới ngực. Sau vụ sạt lở, kết quả đo đạc vị trí sạt lở ngay bờ sông mới chưa đầy 1m hôm nào nay sâu hơn… 20m!

Bà Trần Thị Thảo - có căn nhà ven sông ngay đoạn bị sạt, đang lọ mọ chuyển đồ vào nhà người quen kể, khi thấy vết rạn nứt xuất hiện, bà hy vọng đất đừng sụp. Nhưng sau vụ lở đoạn quốc lộ, bà biết là không còn hy vọng nên nhanh chóng nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ di dời nhà, đồ đạc. Chị Trương Thị Kim Lài, ngồi cạnh chia sẻ, vừa thấy vết rạn nứt là chị và người nhà không dám ngủ đêm như mọi khi ở căn nhà ven sông mà tức tốc di dời tài sản ngay.

Bà Phạm Thị Mỹ, 69 tuổi, mẹ ruột chị Lài than, mới thấy nứt đất bà vẫn chưa tin sạt lở nên nấn ná chưa di dời nhà. Sau đó, chính quyền địa phương và con gái bà khuyên nếu ở lại có thể ảnh hưởng tính mạng. Rạng sáng 1-8, đang ngủ tạm trong nhà người quen cách khu sạt lở vài trăm mét bà chợt giật mình, cảm giác cái giường đang nằm rung lắc nhẹ rồi sau đó vang lên tiếng ùm ùm thì biết ngoài kia sạt lở, những tiếng động do đất đổ xuống sông gây ra.

Ông Nguyễn Văn Bờ có nhà cách sông Hậu hơn 40 m. Sau vụ sạt lở, căn nhà ông nằm cách vùng nguy hiểm hơn 20 m cần phải di dời. Bây giờ, ông ngồi đó, ngó ra sông Hậu, buồn xo. Con sông Hậu ngày thường lùa gió sông mát rượi nên trưa hè nào ông cũng nằm ngủ trước hiên nhà. Con sông bao lần ông ra tắm, đùa nghịch nhưng không ngờ gần cuối đời sông lại đẩy ông đi. Nơi đây ông sinh ra, lớn lên, sống trong căn nhà ấm cúng do bàn tay mình xây cất, nay phải dọn đi chạy lở, lòng ông xốn xang buồn...

Sạt lở dự báo còn tiếp diễn

Theo báo cáo của UBND huyện Châu Phú, trong khu vực sạt lở có 26 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và huyện đã di dời 15 hộ, tiếp tục di dời 11 hộ dân. Ngoài ra, còn 68 hộ sống trong vành đai đe dọa sạt lở bờ sông Hậu.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, khu vực sạt lở đã hình thành cung trượt nên dự báo diễn biến rất phức tạp, khả năng sẽ sạt lở tiếp là rất cao, do đó phải triển khai ngay các biện pháp an toàn để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng.Kinh phí để lấp các hố xoáy ước hơn 25 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Thư đã chỉ đạo các ngành chức năng khảo sát lại địa hình đáy sông, xác định hành lang an toàn, lắp đặt biển báo, xác định vị trí chốt chặn; UBND huyện Châu Phú phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ di dời, huyện tổng hợp gửi danh sách cho Sở NN&PTNT. Về tái định cư, hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/hộ nếu hộ có đất, tự lo nền tái định cư; không quá 20 triệu đồng/hộ nếu thực hiện bố trí nền tái định cư. Về lâu dài, huyện Châu Phú sẽ xây dựng một khu dân cư để bố trí tái định cư. Do sạt lở nên đường đi lại qua đoạn này bị chia cắt, ông Thư đã yêu cầu huyện, ngành giao thông lập đường dân sinh bảo đảm cho việc đi lại của người dân trong khu vực.

Ngày 1-8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra văn bản thông tin về tình hình sạt lở QL91, theo đó, Bộ xác định đây là vị trí tuyến QL91 chạy sát sông Hậu, dòng sông cong và thu hẹp cục bộ, nên có xu hướng dòng chảy thúc vào nền đường, gây nguy hiểm, Bộ GTVT đã phối hợp UBND tỉnh An Giang xử lý khắc phục lấp lại vị trí bị xoáy lở và nắn chỉnh cục bộ đoạn tuyến. QL91 nằm ngay trên tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long nên cần phải xử lý khẩn cấp để ổn định đường bờ và mái ta-luy, hạn chế sự phát triển của sạt lở, bảo vệ khu dân cư nằm phía sau tuyến quốc lộ, bảo đảm vấn đề an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.