Mối nguy từ các khu công nghiệp

Một số ca mắc Covid-19 mới được công bố là công nhân đang làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp (KCN)… vốn là những địa điểm tập trung đông người, đang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh, hình thành các ổ dịch lớn nếu các cấp chức năng trên địa bàn không có biện pháp giám sát và ứng phó kịp thời.

Công ty TNHH Great Kingdom (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai) kiểm tra thân nhiệt công nhân trước khi vào nơi làm việc. Ảnh: Lê Lâm
Công ty TNHH Great Kingdom (Khu công nghiệp Biên Hòa 1, Đồng Nai) kiểm tra thân nhiệt công nhân trước khi vào nơi làm việc. Ảnh: Lê Lâm

Nguy cơ lây chéo tại nhà máy, công xưởng

Ca mắc Covid-19 thứ 262 là nam, 26 tuổi, trú tại xóm Chợ, thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội), nhân viên làm việc tại bộ phận kiểm tra chất lượng thuộc Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (Bắc Ninh). Giới chuyên gia nhận định, ca bệnh này tạo nên tình huống hết sức phức tạp về phòng, chống dịch. Điều đáng lo ngại là quãng thời gian từ khi bệnh nhân 262 có triệu chứng đến khi phát hiện bệnh rất dài, trong thời gian này bệnh nhân vẫn đi làm chung trên xe đưa đón công nhân, mỗi chuyến xe có khoảng 20 công nhân, tức là một ngày bệnh nhân tiếp xúc với khoảng 40 (lượt) người, trong suốt một tuần.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh đã rà soát người có tiếp xúc để cách ly tập trung và tại nhà. Phía nhà máy đã tạm dừng phân xưởng nơi bệnh nhân 262 làm việc, đóng cửa khu nhà ăn nơi bệnh nhân đã sử dụng. Điều may mắn, theo một chuyên gia của Bộ Y tế, bệnh nhân 262 lây từ nguồn lây Hạ Lôi, bộ phận làm việc của bệnh nhân là bộ phận riêng (kiểm tra chất lượng) và ăn khu vực riêng, vì thế nguy cơ lây lan trong các ca làm việc đông người và ăn chung nhà ăn rộng của nhà máy đã giảm đi phần nào.

Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh có 1.070 doanh nghiệp (DN), với hơn 300 nghìn người lao động đang làm việc tại các KCN. Sau khi có thông tin nhân viên nhà máy trên địa bàn dương tính với SARS-CoV-2, các đơn vị của tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã và đang tiến hành kiểm tra, rà soát, tăng cường chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, giảm tối đa nguy cơ lây chéo trong cộng đồng và các DN tại các KCN.

Tương tự, tại Bắc Giang, với hơn 100 nghìn công nhân tại các KCN, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang cho biết, đã chỉ đạo thành lập các tổ giám sát, phòng dịch tại các DN trong KCN. Tính tới ngày 14-4, qua rà soát, các lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang đã xác định trên địa bàn có 276 trường hợp có liên quan, tiếp xúc với “điểm nóng” Hạ Lôi, trong đó có 53 người có tiếp xúc, liên quan đến bệnh nhân số 243; 223 người khác được xác định là F1, F2 có liên quan đến bệnh nhân số 262. Theo đó, đã có 79 người được cách ly, theo dõi y tế tập trung, còn lại đang được cách ly, theo dõi y tế tại nhà.

Cần đánh giá mức độ rủi ro

Tại nhiều tỉnh, thành phố, nơi có nhiều khu công nghệ cao và các KCN như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai... thời gian qua đã kiểm tra phương án của các DN trong điều kiện vẫn phải sản xuất vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Tại TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) vừa phối hợp các trung tâm y tế rà soát 960 xí nghiệp, nhà máy theo Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19. Kết quả đánh giá sơ bộ mức rủi ro lây nhiễm cho thấy, có 3% rất ít rủi ro, 33% thấp, 60,8% trung bình, 3% cao và 0,2% rất cao. Với khoảng 62 nghìn người đang làm việc, theo bộ tiêu chí nêu trên, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) có chỉ số rủi ro lây nhiễm rất cao, là 91%. Đây là lý do UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của công ty này từ 0 giờ ngày 14-4 đến hết ngày 15-4 để bảo đảm sức khỏe cộng đồng cũng như hoạt động của chính công ty trước nguy cơ dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Huỳnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc HCDC cho biết, giải pháp cho các DN có rủi ro cao là phải sắp xếp lại nhà ăn cho công nhân; không được xếp bàn ngồi ăn đối diện mà phải xếp bàn để ngồi ăn cùng hướng, mỗi người một phần riêng biệt, thậm chí có vách ngăn càng tốt nhằm giảm rủi ro; phải có bồn rửa tay cho công nhân chứ không chỉ có nước sát khuẩn... Việc dùng máy đo nhiệt độ cầm tay để đo hàng nghìn người là không xuể, nên DN phải trang bị máy đo thân nhiệt, tổ chức phân luồng công nhân theo đợt...

Theo một lãnh đạo Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), một số DN thời gian qua đã thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và khuyến cáo của Bộ Y tế về giãn cách xã hội. Tuy nhiên, khó nhất hiện nay là một số DN có dây chuyền sản xuất không đủ khoảng cách hai mét như khuyến cáo của Bộ Y tế. “Một số DN khó khăn nhưng vẫn tuân thủ tốt, song bên cạnh đó vẫn còn có những DN khá chủ quan. Họ cho rằng đã yêu cầu công nhân đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn... nhưng lại chưa thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng chính là mối nguy, bệnh dịch có thể lây nhiễm nhanh nhất ra cộng đồng. Chỉ cần một lao động bị nhiễm Covid-19, cả dây chuyền, thậm chí cả DN phải ngừng sản xuất”, vị lãnh đạo cho hay và đề xuất trước đây xe đưa đón công nhân 40 người thì nay cần phải giảm xuống 20 người. DN bố trí thời gian làm việc lệch giờ để xe có thể quay về đưa đón lượt khác.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, giải pháp xây dựng bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để có thể phân loại và áp dụng các kịch bản ứng phó, như cách làm của TP Hồ Chí Minh là cách làm các địa phương cần tham khảo. Theo đó với ngành có nguy cơ lây nhiễm cao (thí dụ hơn 80%) thì kiên quyết ngừng hoạt động. Nguy cơ lây nhiễm thấp hơn thì tùy từng cấp độ mà được tiếp tục sản xuất, kinh doanh, nhưng phải áp dụng những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro phù hợp theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Bộ Y tế cần chuẩn bị các phương án cho các cấp độ rủi ro để hướng dẫn các địa phương và DN thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý kiến nghị kéo dài thời gian cách ly xã hội ở một số địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 về phân loại các địa phương thành ba nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp. Trong đó nhóm nguy cơ cao gồm 12 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, cách ly xã hội đến ngày 22-4 và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng lây nhiễm chưa được kiểm soát.