Mô hình thích ứng cho nhà ở vùng lũ

Hàng nghìn hộ dân bị mất nhà cửa do thiên tai từ đầu năm đến nay và hiện còn hàng trăm nghìn ngôi nhà nằm trong diện sẵn sàng di dời, đang đặt ra vấn đề cấp thiết bảo đảm nhà ở an toàn cho người dân, nhất là khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang đến gần.

Những căn nhà vượt lũ đã giúp bảo toàn tính mạng nhiều người dân trong các đợt lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lương Hùng
Những căn nhà vượt lũ đã giúp bảo toàn tính mạng nhiều người dân trong các đợt lũ vừa qua tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Lương Hùng

Mức hỗ trợ còn thấp

Theo Quyết định 48/2014/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền trung, hơn 5 năm qua, nhiều hộ dân đã được hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng để xây nhà chống lũ. Sự hỗ trợ này phần nào giúp các hộ dân vượt lên khó khăn.

Như chia sẻ của ông Ðặng Ðại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), hiện toàn huyện có hơn 1.500 nhà vượt lũ theo Quyết định 48 và Chương trình GCF. Số nhà này đã đem lại hiệu quả lớn cho người dân trong đợt lũ vừa qua khi trở thành nơi tránh lũ cho không chỉ gia đình mà còn cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, những mô hình nhà tránh lũ này vẫn còn hạn chế là chỉ phục vụ được cho một số ít người. Ông Tình cho rằng, phải xây dựng những ngôi nhà tránh lũ cộng đồng có sức chứa lớn và đặt ở các khu dân cư trọng yếu để bảo đảm tính kịp thời, khi nước lên là người dân chủ động chạy đến nhà tránh lũ.

Thống kê của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, hiện có tới 223.008 nhà không an toàn trước bão và 152.820 nhà không an toàn trước lũ. Ðây là một con số rất đáng lưu tâm, liên quan tính mạng và tài sản của người dân. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng NN&PTNT bày tỏ quan điểm, hiện có rất nhiều cơ chế để hỗ trợ người dân. Với Quyết định 48, từ năm 2014, mỗi hộ gia đình ở 14 tỉnh miền trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận được hỗ trợ từ 12 - 16 triệu đồng/hộ để xây nhà chống bão, lũ, đồng thời được vay tối đa 15 triệu đồng/hộ trong 10 năm. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn thấp, nên Bộ NN&PTNT đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ lên 40 triệu đồng/hộ. "Trong thống kê của chúng tôi, hiện nay một nhà để bảo đảm chống bão lũ thì tối thiểu là 2 triệu đồng/m2. Như vậy, với gia đình có bốn người thì chúng ta phải xây nhà từ 30 - 35 m2, tính ra tối thiểu là từ 60 - 70 triệu đồng. Ðây là vấn đề mà Nhà nước, nhân dân, cộng đồng và xã hội cùng phải tham gia", ông Hiệp nhấn mạnh.

Mở rộng đối tượng cho vay xây nhà

Bộ Xây dựng cho biết, chỉ tính riêng tại miền trung hiện có bốn loại nhà ở chống chọi với lũ: nhà chòi tránh lũ, nhà phao nổi, nhà sàn chống lũ, nhà có gác xép lửng. Tuy vậy, các ý kiến chuyên gia khẳng định, có hai loại nhà chống chọi với bão, lũ phổ biến hiện nay là nhà nổi và nhà ở cố định có gia cố thêm gian chống lũ.

Ở góc độ quản lý nhà nước, các ý kiến chuyên gia đề xuất, cần phải xây dựng được chính sách mới thay thế các chính sách cũ không còn phù hợp. Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để có cơ sở nhân rộng mô hình nhà ở phòng, tránh bão, lũ, đồng thời tiếp tục hỗ trợ các hộ nghèo bảo đảm an toàn về nhà ở, Cục đã kiến nghị cho phép nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 48 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2015-2020. Ðồng thời, mở rộng phạm vi thực hiện trên địa bàn 28 tỉnh ven biển, tăng mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương lên mức 40 triệu đồng/hộ, nâng mức cho vay ưu đãi lên tối đa 25 triệu đồng/hộ. Ðồng bộ chương trình hỗ trợ nhà ở chống lũ với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số và các chương trình hỗ trợ nhà ở khác.

Vấn đề đặt ra với nhà chống lũ là phải bảo đảm xây lại tốt hơn, an toàn hơn, nhưng phải rẻ hơn để phù hợp với phần lớn người dân. Theo đó, cần có mô hình nhà ở thích ứng điều kiện cụ thể của từng địa phương và điều kiện kinh tế của hộ gia đình cũng như phù hợp với văn hóa. Ðồng thời lưu ý thiết kế nhà chống lũ phải phù hợp điều kiện sản xuất, không chỉ an toàn về người mà bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho cả người và tài sản, thậm chí cho cả vật nuôi trước, trong và sau thiên tai. Bên cạnh đó, cần kết hợp chương trình xây dựng nhà chống lũ theo mô hình "3 trong 1" với chủ trương mới đây nhất của Bộ Quốc phòng yêu cầu mỗi địa phương có lực lượng dân quân tự vệ thì phải xây dựng trụ sở hoạt động. "Ðó sẽ là ngôi nhà vượt lũ có sức chứa khoảng 300 người, vừa kết hợp làm nhà sinh hoạt cộng đồng, vừa là trụ sở của lực lượng dân quân địa phương khi không có lũ", ông Ðặng Ðại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đề nghị.

Ðể khắc phục khó khăn trước mắt, cần tập trung hướng dẫn người dân khôi phục lại nhà cửa bảo đảm an toàn trước dịp Tết Nguyên đán, để vui xuân đón Tết, ổn định cuộc sống. Về lâu dài, để phát triển bền vững và an toàn trước thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các cơ quan chức năng cần phải đưa các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng, tránh thiên tai thành nội dung thường trực khi xây dựng các kế hoạch, văn bản pháp quy, để tránh việc chồng chéo hay lãng phí nguồn lực.

Theo báo cáo của các địa phương, các cơn bão, lũ từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11-2020 đã gây thiệt hại kinh tế ước tính hơn 30.000 tỷ đồng. Để giúp người dân vượt qua khó khăn, tính đến hết tháng 10-2020, Chính phủ và các địa phương đã thực hiện hỗ trợ được khoảng 19.350 hộ trong tổng số 21.600 hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở phòng, tránh bão, lụt.