Miền trung, Tây Nguyên khát!


Mặc dù ngay từ đầu mùa khô, các tỉnh ở khu vực miền trung và Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp chống hạn, nhưng tình hình không cải thiện được bao nhiêu, Hiện hàng nghìn hộ dân gặp khó vì thiếu nước sinh hoạt. Hàng chục nghìn héc-ta lúa, cà-phê… héo khô.

Người dân ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất.
Người dân ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm vào sản xuất.

Khô hạn ngày càng khốc liệt

Dưới cái nắng chang chang ở huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk), anh Giàng Mí Quang ở thôn 8, xã Cư K’bang đi thăm vườn điều héo khô mà bất lực. Gia đình anh Quang di cư vào Cư K’bang sinh sống gần 20 năm nay. Cả gia đình trông vào bốn héc-ta điều, nhưng do thiếu nước tưới nên cây cối còi cọc, năng suất thấp.

Trước tình cảnh mùa khô năm nay kéo dài, đời sống khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt, anh Quang và hàng xóm bàn nhau góp tiền khoan giếng tìm nước sinh hoạt. “Máy khoan sâu đến 100 m thì chạm tới tầng đáy nước ngầm. Có nước ngọt nhưng lại bị nhiễm phèn nên chúng tôi vẫn phải tiếp tục mua nước về ăn uống. Đã khó lại càng khó hơn”, anh Quang chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Ea Súp: Những năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình hạn hán ở Ea Súp ngày càng khốc liệt. Cứ vào mùa khô, nhiều sông, suối trên địa bàn huyện Ea Súp đều cạn trơ đáy, đặc biệt là tại các xã Ea Rốk, Cư K’bang Ia R’vê, Ya Lốp… Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng khu vực này không có hệ thống kênh mương thủy lợi hay ao hồ trữ nước.

Rời huyện biên giới Ea Súp, chúng tôi ngược lên huyện Ea Kar, địa phương bị ảnh hưởng bởi khô hạn khốc liệt nhất tỉnh Đắk Lắk với hàng nghìn héc-ta cây trồng thiếu nước tưới trầm trọng. Gia đình ông Trần Văn Hành ở thôn 8, xã Ea Păl làm 6,5 sào lúa. Khi lúa vừa vào giai đoạn làm đòng thì không đủ nước tưới. Để vớt vát phần nào công sức, tiền của bỏ ra, ông Hành phải bòn vét hết những giọt nước còn lại trong ao hồ để tập trung tưới cho hơn 1,5 sào, diện tích còn lại coi như mất trắng. Ông Hành thốt lên: “Chưa năm nào khô hạn khốc liệt như năm nay!”.

Ông Cao Quang Vinh, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) 714, xã Ea Păl cho biết: Vụ đông - xuân 2019 - 2020, HTX sản xuất được 383 ha lúa. Nguồn nước duy nhất tưới cho toàn bộ cánh đồng của HTX là sông Krông Pắk thì đã cạn kiệt nguồn nước hơn hai tháng nay. Để cứu lúa, HTX huy động máy bơm nhỏ xuống vét những vũng nước tù đọng từ lòng sông đưa về đồng ruộng. Không khó dự đoán, nhiều diện tích lúa của HTX vụ này năng suất giảm từ 50% đến 70%, chưa kể hàng chục héc-ta mất trắng.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương, lúc này việc chủ động rà soát nguồn nước để cân đối xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp chỉ thực hiện được với cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô và hoa màu, còn đối với diện tích cà-phê và hồ tiêu thì không thể điều chỉnh theo thời vụ. Điều đáng lưu ý, nhận thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến còn hạn chế. Đến nay, toàn tỉnh mới có khoảng 10.000 ha sử dụng công nghệ tưới tiên tiến. Đồng thời một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng nước lãng phí… Tất cả những điều này càng khiến cho việc khô hạn diễn biến nghiêm trọng hơn.

Tại tỉnh Gia Lai và Kon Tum, lưu lượng nước trên các dòng suối giảm nghiêm trọng, thậm chí nhiều con suối chỉ còn trơ lại cát, đá. Nhiều công trình nước sạch hằng ngày phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trước đây vốn tràn trề, nhưng nay không đủ để đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân. Ngay cả giếng khoan sâu đến 160 m mọi năm còn chút ít cho sinh hoạt, năm nay cũng kiệt quệ.

Sang đến Quảng Nam, tổng lượng nước tại 73 hồ chứa thủy lợi đều thiếu hụt khoảng 74 triệu m3. Riêng đối với các hồ chứa thủy điện, tổng lượng nước thiếu hụt so với dung tích hữu ích là 653 triệu m3, trong khi mực nước ở các huyện Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành… thấp hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có hồ thấp hơn 2-3 m.

Khẩn trương ứng phó với hạn hán

Mùa khô năm nay dự báo sẽ diễn ra khá nghiêm trọng ở khu vực miền trung và Tây Nguyên. Theo Bộ NN&PTNT, hiện dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, một số nơi tương đương các năm hạn hán nặng 2015 - 2016. Dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15 - 70%, một số sông thiếu hụt hơn 85%, các tháng còn lại của mùa khô, lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Để chống hạn trong mùa khô năm nay, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 22-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Theo đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các cấp, các ngành và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phủ màng ni-lông hạn chế bốc hơi, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước, tuyên truyền mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm... Về lâu dài, Trung ương và các địa phương cần đầu tư xây dựng mới các công trình hồ chứa, đập thủy lợi có dung tích chứa nước lớn trên địa bàn, đồng thời đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các hồ, đập, kênh thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng… để các công trình phát huy hiệu quả, phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn.

Dự báo trong những tháng còn lại, đặc biệt là từ tháng 5 đến tháng 8-2020, lượng dòng chảy trên các sông suối ở khu vực miền trung và Tây Nguyên vẫn rất nhỏ, phổ biến thiếu hụt từ 15 - 70% so trung bình nhiều năm và có thể gay gắt hơn mùa khô năm 2019. Vì vậy, nguy cơ tiếp tục xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước là rất lớn và có thể sẽ rất nghiêm trọng. Bộ NN&PTNT, Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương chuyển giao các công trình giếng khoan đã được tìm kiếm, thăm dò và kết cấu thành các giếng khoan khai thác để đầu tư, xây dựng các công trình cấp nước tập trung; tìm kiếm nguồn nước dưới đất, số liệu quan trắc, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước để thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn trước mắt cũng như lâu dài, đặc biệt là bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân những vùng đang xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.

Theo thống kê sơ bộ, tại các tỉnh ở Tây Nguyên hiện có hơn 7.600 ha cây trồng chịu hạn hán, thiếu nước, trong đó, nặng nhất là cây cà-phê ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum... Dự báo, đến cuối vụ là cao điểm hạn hán trong khu vực, diện tích bị ảnh hưởng có thể lên tới 25.000 - 27.000 ha.