An toàn trường học

Mất bò mới lo làm chuồng!

An toàn trường học (ATTH) là yêu cầu tối quan trọng đối với học sinh và các bậc phụ huynh cũng như các nhà trường. Tuy nhiên quan tâm đến đâu, có những chỉ đạo và biện pháp gì để bảo đảm ATTH cho các em học sinh, thường chỉ đến khi xảy ra những sự việc đau lòng thì ngành giáo dục và các cơ quan chức năng mới có những văn bản yêu cầu thực hiện, hoặc chấn chỉnh hoạt động.

Cần chú trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tai nạn, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh và cả giáo viên.
Cần chú trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tai nạn, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh và cả giáo viên.

Ngay sau sự cố nghiêm trọng ở Trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến một học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) ngày 7-8 đã có công văn yêu cầu Sở GD&ÐT thành phố Hà Nội tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn các trường học trên địa bàn, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần đối với giáo viên và học sinh. Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ÐT) cho biết: Trước đó, ngày 5-8-2019, Bộ GD&ÐT cũng đã có Công văn số 3343/BGDÐT-GDCTHSSV gửi các sở GD&ÐT về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đầu năm học 2019-2020. Cụ thể, Bộ GD&ÐT yêu cầu các sở GD&ÐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn có hợp đồng xe ô-tô đưa, đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông…

Hiện nay, ở các trường từ công đến tư, hoạt động nuôi - dạy đang trở nên phổ biến, nhà trường chịu trách nhiệm không chỉ dạy mà còn trông nom học sinh thay bố mẹ trong giờ hành chính, đặc biệt là cấp tiểu học, hầu hết học sinh ở các thành phố lớn đều học bán trú. Chính vì thế vấn đề ATTH có ý nghĩa hết sức quan trọng. Yêu cầu đầu tiên của các bậc phụ huynh khi gửi con em đến học tập ở các nhà trường là an toàn, chứ không chỉ là điều kiện phát triển tốt về thể lực và trí lực. Ðến thời điểm này, mô hình “trường học an toàn” đã khá phổ biến trên cả nước, nhưng tiếc rằng trong quá trình triển khai ở nhiều nhà trường, những chi tiết nhỏ thường lại không được chú trọng dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ như: ngã, đuối nước, điện giật, đánh nhau...

Nguy cơ hàng đầu là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở các trường học có bếp ăn bán trú. Theo yêu cầu, bếp ăn phải nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo từng lứa tuổi. Nguồn nước sử dụng hằng ngày hợp vệ sinh. Nhân viên nhà bếp được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhưng tại sao vẫn có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra?! Còn như dịch vụ đưa đón học sinh diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương, không chỉ ở thành phố mà tại các tỉnh, địa phương khu vực nông thôn, miền núi với những cảnh xe công nông chở học sinh đi học. Vẫn biết đưa đón học sinh tập trung cũng có những cái tiện lợi nên nhiều phụ huynh cũng đều ủng hộ cách thức này vì điều kiện đường xa, không sắp xếp được thời gian đưa đón con em. Tuy nhiên, hoạt động này hiện vẫn mang tính chất tự phát mà chưa có những quy định chi tiết, cụ thể để bảo đảm an toàn cho trẻ.

Sự cố nghiêm trọng ở Trường Gateway một lần nữa là hồi chuông cảnh báo các nhà trường về vấn đề ATTH, nhiều hoạt động trong nhà trường cho dù nhỏ nhất cũng không thể đơn giản được. Có những chi tiết như lưới chắn côn trùng cho cửa sổ nhà bếp để tránh côn trùng bay vào, sàn nhà ướt dẫn đến trơn trượt, rào chắn an toàn bể nước, ao hồ, giáo viên không liên lạc ngay với gia đình khi học sinh, nhất là học sinh nhỏ, vắng mặt… thực tế chưa được chú ý. Những hệ lụy của việc lơ là, cho rằng chỉ là những việc đơn giản, lại luôn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng bất cứ lúc nào, nếu các nhà trường không có những chỉ đạo, giám sát khắt khe việc thực hiện đầy đủ các quy trình.

Không ít sự cố, tai nạn xảy ra tại trường học cũng cho thấy, chúng ta cần chú trọng, quan tâm hơn nữa đến công tác dạy kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tai nạn, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh, thậm chí cả giáo viên và phụ huynh để mỗi người hãy biết tự bảo vệ chính mình, bảo vệ người chung quanh. Ngành giáo dục và các cơ quan liên quan cũng cần sớm rà soát và có những quy định, chỉ đạo cụ thể, bài bản, thường xuyên kiểm tra, giám sát mức độ ATTH của các cơ sở giáo dục, ngay từ lúc cấp phép hoạt động.

Và, sau tất cả những quy định, quy chế, hướng dẫn..., là trách nhiệm của chính mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi phụ huynh, mỗi người với tinh thần trách nhiệm cao nhất và tình cảm dành cho học sinh thân yêu, để nhà trường không chỉ là nơi truyền thụ tri thức, phát triển năng lực mà còn là môi trường an toàn cho trẻ em.