Lương, thưởng và năng suất lao động

Tết đến, Xuân về, người lao động sau cả một năm miệt mài không khỏi ngóng chờ lương, thưởng. Sẽ có người vui và không ít kẻ buồn với những con số. Tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống người lao động, đến giờ vẫn luôn là mục đích rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang nỗ lực hướng tới.

Năng suất lao động đi liền lương thưởng

Một trong số điểm mới của Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm là bảo vệ người lao động khi giới hạn số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Phải nói rằng, trước khi bấm nút thông qua dự luật, điều các đại biểu còn cấn cá vẫn là quanh số giờ làm thêm này. Làm thêm để tăng thu nhập hay bớt giờ làm thêm để có điều kiện chăm sóc gia đình?

Gốc gác của câu chuyện lương cao - thấp, đủ sống hay không thật ra còn nằm ở vấn đề năng suất lao động (NSLĐ). Tất nhiên là NSLĐ không chỉ liên quan đến tiền lương mà còn liên quan đến nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng chắc chắn là NSLĐ thấp thì không thể có lương cao. NSLĐ có thể được đo bằng giá trị hiện vật, tức bằng sản phẩm do một người lao động tạo ra trong khoảng thời gian nhất định, người công nhân làm ra bao nhiêu sản phẩm trong một ca, người nông dân thu hoạch bao nhiêu trong một vụ mùa, người ta gọi đó là năng suất kỹ thuật. Vì thế, NSLĐ kỹ thuật phụ thuộc vào trình độ công nghệ và thiết bị máy móc được ứng dụng, phụ thuộc vào chất lượng vật tư, trình độ lao động, phương pháp trả lương, chất lượng quản lý. Và yếu tố quyết định của NSLĐ kỹ thuật chính là trình độ công nghệ của thiết bị và khả năng của người lao động sử dụng thiết bị.

Đồng thời, NSLĐ còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường nữa, tức là còn phụ thuộc vào giá bán sản phẩm và chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động. Với những yếu tố như vậy người ta cũng gọi đó là NSLĐ kinh tế đo bằng giá trị gia tăng một lao động tạo ra và nó bằng năng suất kỹ thuật nhân với giá bán một sản phẩm trừ chi phí làm ra sản phẩm, không kể chi phí lao động.

Đó cũng là lý do tạo nên sự khác nhau ở từng DN, tạo nên sự khác nhau về lương, thưởng. Thế nên mới có chuyện lương, thưởng cho người lao động của một số doanh nghiệp (DN) sẽ cao hơn nhiều DN khác. Sự khác biệt nằm ở chỗ con số chỉ NSLĐ của người lao động của những DN này rất cao. Lấy Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) làm thí dụ, từ năm 2017 đã đạt tổng doanh thu 250.800 tỷ đồng, tăng trưởng 9,4% so năm 2016; tổng lợi nhuận đạt gần 44.000 tỷ đồng, tăng 12%. Riêng mảng viễn thông của Viettel tăng trưởng 6,4% (gấp gần hai lần trung bình của thế giới); còn đầu tư nước ngoài tăng trưởng 24,4%, gấp sáu lần trung bình thế giới. Tính ra, Viettel đạt 3,09 tỷ đồng/người, tăng 20% so với năm 2016. Con số này tiếp tục gia tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cũng như Viettel, Biendong POC luôn tìm cách đưa công nghệ mới, nhất là việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tế sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất lao động. Vì thế, tổng doanh thu cả năm 2018 của DN này đạt 130% kế hoạch, tính ra năng suất lao động đạt xấp xỉ 60 tỷ đồng/người/năm. Đây là con số ấn tượng so với NSLĐ chung của toàn bộ khu vực DN năm 2017 tính theo giá hiện hành chỉ đạt 298,7 triệu đồng/lao động.

Chuyện về ba chữ “cao”

Người lao động muốn lương cao đương nhiên là phải tăng NSLĐ. Nhưng bằng cách nào? Câu trả lời nằm ở phép cộng “công nghệ cao + kỹ năng cao = lương cao”.

Lâu nay chúng ta vẫn nói trong lĩnh vực công nghiệp, các DN Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao giá trị cạnh tranh và năng suất. Nhưng tiếc rằng, trong bốn khâu của chuỗi giá trị là gia công, lắp ráp; công nghiệp hỗ trợ; nghiên cứu phát triển; và phân phối, chúng ta chủ yếu chỉ tham gia ở khâu lắp ráp, gia công với công nghệ thấp mà thôi. Đây là khâu có giá trị thấp nhất và thường xảy ra ở các ngành sử dụng nhiều lao động nên NSLĐ sẽ không cao.

Mặt khác, phần lớn DN Việt Nam đang ở quy mô vừa và nhỏ nên rất khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khó có quỹ lương chi trả cho lao động có kỹ năng... Chưa kể năng lực quản trị, trình độ quản lý của DN Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đó là những yếu tố thuộc NSLĐ kỹ thuật có tác động đến việc tăng NSLĐ.

Với khâu gia công, do công nghệ thấp cộng với kỹ năng, trình độ lao động thấp, nên muốn tăng năng suất, chỉ có cách buộc lao động phải làm việc tăng giờ để tăng sản phẩm làm ra. DN thay vì cải thiện máy móc, thiết bị sản xuất nhằm tăng năng suất thì chọn giải pháp tăng giờ làm. Việc này khiến nhiều công nhân đã phải nghỉ việc sớm vì không chịu nổi cường độ lao động. Tăng NSLĐ như vậy vừa không bền vững, vừa có thể gây ra những hậu quả lâu dài về xã hội.

Lương, thưởng ngày Tết ai cũng muốn cao nhưng việc tăng NSLĐ ở khu vực DN lại phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược kinh doanh phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao của DN. Do đó, DN phải đầu tư nâng cao năng lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị. Ngoài ra, DN còn phải biết cách sử dụng sức lao động hiệu quả, đồng thời thúc đẩy phát triển những giải pháp sản xuất và kinh doanh dựa trên số hóa, tích hợp công nghệ tiên tiến để đơn giản hóa quy trình sản xuất, rút ngắn thời gian, loại bỏ lãng phí trong quá trình sản xuất nhưng vẫn bảo đảm khả năng quản lý, chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của DN.

Còn người lao động không chỉ gia tăng thu nhập bằng đúng một cách làm thêm giờ, thậm chí xé rào làm thêm giờ mà còn cần phải tăng cường trau dồi kiến thức, tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày một cao về công nghệ, cũng như nắm bắt các kỹ năng làm việc…, nhằm giảm thời gian hao phí để sản xuất ra sản phẩm. Đó là cách góp phần nâng cao năng suất một cách hiệu quả và bền vững nhất.