Ô nhiễm bụi từ hoạt động xây dựng

Lúng túng, bị động trong xử lý

Các công trình xây dựng là một trong những “thủ phạm” gây nên tình trạng bụi PM10 và PM2.5 đo được trong không khí mấy năm qua tại các đô thị lớn luôn vượt ngưỡng cho phép, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống của người dân. Điều tra trên địa bàn Hà Nội cho thấy, lực lượng chức năng còn lúng túng trong xử lý các công trình xây dựng gây ô nhiễm bụi.

Bụi xây dựng liên tục hành người dân ở phố Trường Chinh.
Bụi xây dựng liên tục hành người dân ở phố Trường Chinh.

Đâu đâu cũng là đại công trường

Mấy năm qua, đường Trường Chinh lúc nào cũng trong tình trạng “cao điểm xây dựng”, chưa cần mở đường xong đã ngồn ngộn các công trình lớn bé được thi công. Bà Đỗ Thị Hoa, người dân phường Khương Mai (quận Thanh Xuân), sống ở mặt đường, thốt lên: “Về kinh tế, ra mặt đường khiến cho gia đình tôi cải thiện thu nhập nhờ cho thuê tầng một của căn nhà. Thế nhưng, chất lượng sống lại đi xuống!”. Vừa nói, bà vừa rờ tay lên nóc tủ, quệt một đường rồi chìa ra trước mắt tôi. Vệt bụi cuốn hình dây bám vào đầu ngón tay. Bà lo ngại nói: “Đây cháu xem, cả ngày cứ hít thở bụi thì còn khỏe được nữa không?”.

Từ đường Trường Chinh rẽ sang phố Định Công chật hẹp, nhiều chỗ thắt cổ chai, mật độ các công trình xây dựng không giảm đi. Cũng không hiếm cảnh các công trình xây dựng không được che chắn khiến cát vãi đầy như công trình nhà dân đối diện nhà 150 phố Định Công. Trao đổi về thực trạng này với ông Nguyễn Cường Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai), chúng tôi nhận được lời thừa nhận: “Chính quyền đang rất khó khăn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng. Địa bàn có hai chung cư cao tầng đang xây, gần 100 giấy phép xây dựng dân sinh, quận cũng đang đầu tư nâng cốt, đổ bê-tông ở 28 ngõ, ngách. Trong khi đó công trình tuyến đường 2,5 m (xen giữa đường vành đai 2 và 3) vẫn còn bề bộn”, ông Hùng cho biết.

Nhiều ngày đầu tháng 10, chúng tôi tiếp tục khảo sát tại các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Tam Trinh, Lĩnh Nam, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn (Hà Đông), đường 70… đều gặp cảnh giữa ban ngày, ban mặt mà không khí bụi quánh mù mịt, tầm nhìn hạn chế. Những xe tải chở đất, đá, phế thải chạy rầm rầm suốt ngày đêm. Xa hơn là các phường Đại Mỗ, Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), xã Tam Hiệp, Tứ Hiệp, Quỳnh Đô (huyện Thanh Trì)… nơi nào cũng có hàng chục công trình đang ngổn ngang.

Chồng chéo hay đùn đẩy trách nhiệm?

Việc bảo đảm các quy định về môi trường trong thi công, phá dỡ đã được quy định trong Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường. Thí dụ trước khi phá dỡ công trình, chủ đầu tư phải lập phương án, giải pháp phá dỡ bảo đảm an toàn; phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng không khí theo quy chuẩn... Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng cho biết, tại các công trường xây dựng lớn, xe trước khi ra đường phố phải có biện pháp rửa bánh xe, nhưng nhiều đơn vị không tuân thủ. Năm 2018, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành Thông tư số 02/2018/TT-BXD quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng. Từ tháng 8-2018, Hà Nội cũng thành lập các Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã. Vậy vì sao tình trạng bụi từ các công trình xây dựng vẫn chưa được kiểm soát và xử lý hiệu quả?

Ông Trần Duy Hải, Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cho rằng, cấp phường không đủ sức “ứng phó” với hoạt động xây dựng gây ô nhiễm. Muốn có động thái tích cực sẽ phải cần đến sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các cấp thẩm quyền cao hơn. Đồng quan điểm ấy, ông Cao Văn Quyết, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) cũng cho rằng, cái khó là nhiều công trình thuộc cấp thành phố quản lý, như Dự án mở rộng đường Tam Trinh là thí dụ. “Ngoài việc thực thi nhiệm vụ, chúng tôi cũng chỉ biết cố gắng tuyên truyền để người dân trong quá trình xây dựng hoặc phá dỡ công trình cũ phải che chắn cẩn thận thôi”, ông Quyết trần tình.

Để tìm hiểu trách nhiệm của cấp thẩm quyền cao hơn, chúng tôi liên hệ với UBND quận Hoàng Mai. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cung cấp thông tin liên quan đến việc xử lý vi phạm trong vấn đề bảo vệ môi trường, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong quản lý hoạt động xây dựng gây ô nhiễm. Tuy nhiên, cho đến khi bài báo lên khuôn thì Phòng TN-MT lại “đùn đẩy” cho Thanh tra quận.

Khi liên hệ làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm, chúng tôi gặp lại cách hành xử trên. Phòng Quản lý đô thị và Phòng TN-MT Nam Từ Liêm “đá đi đá lại” quả bóng trách nhiệm sang nhau. Phải chăng, vì không có đầu mối quản lý rõ ràng nên việc quản lý xây dựng đang chồng chéo, lỏng lẻo, tạo kẽ hở để ngay tại phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), xảy ra vụ việc dự án Bệnh viện (BV) Đa khoa tư nhân An Sinh, thi công khi thiếu giấy phép xây dựng, gây ô nhiễm bụi trong khu vực? Để rồi phải đến ngày 5-8, UBND quận Nam Từ Liêm mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa tư nhân An Sinh - Phúc Trường Minh, số tiền 40 triệu đồng. Một mức phạt chưa đủ sức răn đe. Nhưng điểm mặt, chỉ tên để phạt được thế này còn tốt hơn việc nhiều nơi, chính quyền địa phương “chỉ có thể nhắc nhở”.

Các số liệu quan trắc môi trường cho thấy, vài trận mưa cuối tháng 9, đầu tháng 10 đã giúp giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm bụi ở Hà Nội. Thế nhưng, việc bảo vệ môi trường không thể chỉ trông chờ vào những trận mưa!?

Theo đánh giá về chất lượng không khí của Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT, tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là tại các đô thị lớn sẽ tiếp tục gia tăng nếu không kịp thời triển khai các giải pháp quyết liệt mang tính đột phá. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các lực lượng quản lý của Hà Nội để làm sáng tỏ hơn vấn đề này và thông tin đến bạn đọc trong các số báo sau.