Lùi thời điểm áp dụng sách giáo khoa mới?

Thời gian để bắt đầu năm học mới 2020-2021 đã rất gần, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đã dấy lên không ít băn khoăn về tiến độ áp dụng, lựa chọn sách giáo khoa (SGK) mới, theo kế hoạch sẽ được triển khai bắt đầu từ cấp tiểu học…

Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác lựa chọn SGK mới của Trường tiểu học Thanh Bình (tỉnh Hải Dương).
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác lựa chọn SGK mới của Trường tiểu học Thanh Bình (tỉnh Hải Dương).

Tìm cách “sống chung với dịch”

Học sinh phải nghỉ học liên miên, các thầy giáo, cô giáo thì căng thẳng với hàng mớ công việc “phi truyền thống” như gọi điện thoại, gửi email, chat facebook… hướng dẫn học sinh học từ xa kiêm giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh. Học kỳ II của năm học 2019-2020 còn bao việc ngổn ngang, thế nhưng vô số việc chuẩn bị cho năm học mới 2020-2021 với nhiều đổi mới, nhất là áp dụng SGK mới vẫn phải được tính tới.

Không giấu được vẻ mệt mỏi bởi kỳ nghỉ Tết “bất đắc dĩ” đã kéo dài gần hết tháng 3-2020, cô Nguyễn Thị Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hiệp Cường (Kim Động, Hưng Yên) cho biết, nhà trường vẫn đang chờ hướng dẫn của địa phương để lựa chọn SGK mới. Chia sẻ thêm về những bộ sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thẩm định, cô Huế cho rằng, mỗi bộ sách đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng và cũng không dễ để lựa chọn. “Điều chúng tôi lo nhất lúc này, là thời gian học sinh nghỉ dài, tới đây phải học bù thế nào. Bình thường tháng 6, 7 hằng năm giáo viên (GV) sẽ được tập huấn. Tình hình này có thể đến lúc đó vẫn phải dạy chương trình năm học cũ, nhiều khả năng GV sẽ phải tập huấn vào cả những ngày cuối tuần”, cô Huế băn khoăn.

Thay vì “chờ đợi”, nhiều cơ sở giáo dục có sự chủ động, tranh thủ ngay thời gian nghỉ phòng dịch để nghiên cứu lựa chọn SGK mới. Tính đến thời điểm này, Trường tiểu học Kiệt Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ) đã tổ chức được ba buổi để các GV tiếp cận với SGK mới. Thầy Nguyễn Huy Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, với các đầu sách, hiện nhà trường đã cho GV tập trung thảo luận và cũng đã có định hướng lựa chọn. Việc lựa chọn SGK của trường không theo bộ mà ưu tiên lựa chọn theo môn để phù hợp hơn với đặc điểm vùng miền. “Trong tuần này, chúng tôi sẽ căn cứ vào hướng dẫn của Bộ để thành lập hội đồng, còn định hướng lựa chọn những SGK nào thì đã có chuẩn bị. Hiện các GV cũng chưa có nhiều ý kiến liên quan nội dung SGK mới”, thầy Hoàng thông tin.

Cùng tâm trạng chờ đợi các chỉ đạo chính thức của tỉnh Bắc Giang về lựa chọn SGK mới, cũng như chưa hết âu lo bởi dịch bệnh, song các thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đã chủ động, tranh thủ nghiên cứu bộ SGK mới (lớp 1). “Khâu quan trọng nhất là đọc sách, chúng tôi đã giao cho toàn thể GV, thực hiện theo từng tổ chuyên môn. GV đọc xong sẽ có nhận xét từng cuốn, điểm mạnh, điểm yếu thế nào rồi tập hợp lại lập thành biên bản lưu, sau đó nộp lại cho Phòng GD&ĐT để chuyển lên Sở. Tôi nghĩ, điều quan trọng lúc này là phải khắc phục khó khăn, có biện pháp hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh”, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Khôi tâm tư.

Vẫn triển khai theo kế hoạch

Nhiều chuyên gia giáo dục cũng phân tích, tuy tình hình khó khăn, song lúc này nếu các trường, các địa phương không tranh thủ thời gian nghỉ dạy chống dịch để tập trung tập huấn chương trình, SGK thì khi vào hè sẽ không còn thời gian, lúc đó với khung thời gian ít ỏi, GV khó có thể bảo đảm chất lượng dạy và học. Trả lời câu hỏi, liệu có khả năng lùi thêm thời điểm áp dụng SGK mới, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, khẳng định “điều này khó xảy ra”. “Vấn đề tập huấn GV đã được triển khai từ trước và trong bối cảnh hiện nay, có thể tiến hành qua mạng nên không phải lo lắng về tiến độ cũng như chất lượng của việc dạy và học theo SGK mới”, GS Thuyết phân tích thêm.

Trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trước khả năng thời gian ứng phó với dịch Covid-19 có thể kéo dài, Bộ đã điều chỉnh khung thời gian năm học để tạo điều kiện cho học sinh, địa phương căn cứ vào đó thực hiện. “Khi kết thúc năm học muộn thì thời điểm khai giảng năm học mới sẽ có điều chỉnh. Hiện nay, các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình cho năm học tới đã hoàn tất”, ông Tài cho biết thêm, điều này thể hiện ở việc SGK đã được thẩm định xong, các văn bản hướng dẫn lựa chọn sách đã được công bố, các nhà trường đang triển khai thực hiện.

Cũng theo lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học, qua những lần đi kiểm tra, các thầy giáo, cô giáo, địa phương, các nhà xuất bản cũng đã có phương án và sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp trong điều kiện phải ứng phó khi dịch bệnh kéo dài. Công tác tập huấn cho các GV thực tế đã được triển khai từ năm 2019 ở modul 1 (tìm hiểu về chương trình môn học và chương trình tổng thể - cấp Trung ương). Các địa phương hiện nay cũng đã có những GV, cán bộ cốt cán đã được tập huấn ở cấp Trung ương; việc triển khai ở cấp địa phương sẽ có tham mưu cho UBND tỉnh để phối hợp với các đơn vị chức năng cung cấp đường truyền theo mô hình: năm ngày giáo viên tự học qua online, ba ngày tập trung để thảo luận.

Thời điểm này, các nhà xuất bản cũng đã công bố các bản điện tử của SGK mới lên mạng, chuyển sách tới các nhà trường để GV tổ chức sinh hoạt chuyên môn, các mô hình tập huấn trực tuyến cũng đã được triển khai… Cùng với nỗ lực của Chính phủ, có thể thấy, ngành giáo dục đang triển khai những giải pháp tích cực ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm đòi hỏi sự chủ động từ các địa phương, từ nhà trường. Chỉ có như thế, mới mong tiến độ áp dụng chương trình và SGK mới được bảo đảm sau nhiều lần điều chỉnh và trì hoãn.