Long đong làng nghề

Các làng nghề cả nước đã và đang tạo ra hàng trăm dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ và hàng hóa đa dạng khác nhau, kết tinh trí tuệ và bàn tay tài hoa Việt nghìn năm văn hiến. Song trước nhiều nguyên nhân khác nhau khiến không ít làng nghề bị mai một, nhiều làng nghề hoạt động cầm chừng. Xốc lại việc phát triển kinh tế, quản lý, xây dựng thương hiệu, gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn là việc các cấp, các ngành cần rốt ráo quan tâm.

Nghệ nhân Ưu tú Vũ Xuân Năm hiện là người duy nhất còn sử dụng phương pháp đốt lò truyền thống ở làng Cậy (Hải Dương).
Nghệ nhân Ưu tú Vũ Xuân Năm hiện là người duy nhất còn sử dụng phương pháp đốt lò truyền thống ở làng Cậy (Hải Dương).

Kỳ 1: Khi làng… không còn nghề

Vì sao làng nghề mai một, thoi thóp? Câu hỏi ấy nhiều năm qua đã được các cơ quan chức năng và chính người dân ở nhiều làng nghề trả lời. Song, sâu xa hơn, điều khiến nhiều nghề và làng nghề suy kiệt còn bởi tốc độ đô thị hóa quá nhanh, không gian làng bị thu hẹp, nghề truyền thống bị co cụm. Nhiều ngôi làng quen đó, nhưng sao mà xa lạ…!

Mai một giữa dòng chảy hàng hiện đại

Lay lắt, thiếu sức sống, làng tranh Ðông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) có tuổi đời 400 năm, từ 17 dòng họ giờ chỉ còn hai gia đình giữ nghề là nghệ nhân Nguyễn Ðăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (đã mất vào năm 2017, giờ chỉ còn các con làm nghề). Có người thốt lên, giờ phải gọi Ðông Hồ là làng vàng mã, bởi trước cuộc sống hiện đại, người dân buộc phải "rẽ ngang" để tồn tại. Quyết tâm không để làng tranh Ðông Hồ mai một, năm 2012 UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030". Từ đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Ninh đã tổ chức khá nhiều sự kiện, giới thiệu sản phẩm, song vẫn chưa thu hút được nhiều người tham dự, và đến nay hoạt động của làng nghề vẫn chẳng tươi sáng hơn. Thêm một động thái nữa, Bộ VHTTDL vừa đồng ý với đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Ðông Hồ trình UNESCO vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.

Ðến thăm làng Cậy thuộc xã Long Xuyên (Bình Giang, Hải Dương), chúng tôi không khỏi bị choáng ngợp bởi những ngôi nhà cao tầng mọc san sát và các cửa hiệu hàng tiêu dùng hiện đại. Hỏi người làng và tự hỏi mình, tôi nhận lại những cái lắc đầu ngán ngẩm, khi giờ đây sản phẩm truyền thống của làng mà từng rất có tiếng chỉ còn 1% so với trước kia. Làng có hai người được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, thì chỉ còn nghệ nhân Vũ Xuân Năm đốt lò gốm cổ. Ông Năm buồn bã trải lòng: "Làng nghề bị cạnh tranh, tôi chỉ còn biết cố gắng giữ nghề của cha ông".

Cũng chịu sức ép từ cuộc sống hiện đại, nay đến thăm làng guốc mộc Bình Nhâm, thuộc xã Bình Nhâm (Thuận An, Bình Dương) từng nổi tiếng với nghề làm guốc mộc, chẳng còn thấy cảnh hào hứng sản xuất, tấp nập bán mua. Guốc dép công nghiệp đã thay phần lớn guốc mộc. Xưa kia cả làng với hàng trăm hộ giờ chỉ còn vài hộ cố giữ nghề. Người làng chuyển đi làm công nhân trong các khu công nghiệp và buôn bán kiếm tiền sinh sống. Không ít lão niên ngậm ngùi thốt lên: Dấu ấn văn hóa bao năm đã phôi pha theo dòng chảy cuộc sống.

Ði sâu vào các làng cũ, làng cổ thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội), thấy nhiều làng nghề đã mai một, hoặc gần như không còn nghề như: nghề rèn xã Liên Bạt, nghề giang đan xã Trường Thịnh, nghề dệt xã Hòa Xá; mây tre đan, chẻ tăm hương thôn Trần Ðăng…

Gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân, có thể cảm nhận sự tiếc nuối hằn in trên từng nếp nghĩ. Có người vẫn nhắc hoặc để lại một góc nhà lưu giữ công cụ làm nghề. Có nghệ nhân mệt mỏi đã thuận theo lẽ đời trong nhớ nhớ quên quên. Còn theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hàng trăm nghề từng phát triển thịnh vượng, đến nay đã bị mai một, thuộc các nghề như dệt lụa, làm kén tơ tằm, mây tre đan, đẽo cày, guốc mộc, sơn khảm, tranh truyền thống… Nguyên nhân là do sản phẩm không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, thiếu tính ứng dụng; do bị cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp và giữa các làng nghề với nhau. Một vấn đề khác do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết giữa các làng nghề, các nghệ nhân; việc quảng bá thương hiệu còn yếu, thiếu tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Thiếu "tiếng nói" của thương hiệu

Trong nhiều chuyến tìm hiểu thực tế ở nhiều làng nghề, chúng tôi nhận thấy có nghệ nhân cả đời làm nghề, truyền nghề, giàu kinh nghiệm và độ tinh khéo nhưng lại không có khả năng sáng tạo mẫu mã mới, thậm chí bảo thủ, không chịu tiếp thu cái mới. Ngược lại, các bạn trẻ được học thêm ở trong các nhà trường, năng động, nhạy cảm với thị trường, nhưng lại thiếu kỹ thuật, kỹ xảo nghề, thiếu sự chuẩn mực về giá trị truyền thống, thích chạy theo tân kỳ, bắt chước… và là một hạn chế lớn cho sự phát triển sản phẩm làng nghề. Ngay địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội) - nơi được đánh giá là "thủ phủ làng nghề" của cả nước, với hàng chục làng nghề nhưng cũng thiếu tiếng vang do thiếu thương hiệu mạnh.

Thương hiệu, theo nghệ nhân Chu Tiến Công (làng tò he Xuân La, Phú Xuyên) là thứ không chỉ các nghệ nhân muốn là được, và chỉ có thương hiệu, sản phẩm mới có "tiếng nói" trên thị trường. Còn ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín phân tích: "Do trình độ quản lý thấp, không có thông tin thị trường, công nghệ lạc hậu dẫn đến chuyện sản phẩm không được ưa dùng, nghề bị mai một".

Rõ ràng, sức cạnh tranh liên quan đến chuyện sống còn của mỗi làng. Khi thị trường của các làng nghề bị thu hẹp dần, đồng nghĩa với việc họ sẽ không bán được sản phẩm, không có thu nhập. Phân tích sâu vấn đề này, TS Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Di sản văn hóa (Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam), nhìn nhận: Mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ ở nước ta thiếu tính thích dụng của xã hội. Mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ chia làm hai loại: Một là mẫu mang tính cổ điển, lệ thuộc vào tính truyền thống, cầu kỳ, không đổi mới, dẫn tới dễ bị sao chép. Hai là mẫu mang tính cách tân, nhưng chưa có sự đa dạng về chủng loại.

Ðể giá trị không bị mất thêm

Làng nghề tồn tại và phát triển, theo nhiều chuyên gia văn hóa, cũng sẽ trải qua sự nghiệt ngã của "vật đổi sao dời", nhưng cần phải mau chóng tính toán đến những biện pháp hữu hiệu để các giá trị không bị mất thêm. Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều sản phẩm làng nghề đã bị trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Ðặt câu hỏi làm gì để hàng giả không làm "nhàu" hàng nội? Ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc (Hà Ðông, Hà Nội) trả lời: "Chúng tôi đã tích cực chống gian lận thương mại, tuyên truyền để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ giá trị của sản phẩm truyền thống được bồi đắp nhiều chục năm". Tuy nhiên, ông Thủy cũng tỏ ra lo lắng, làng nghề lụa Vạn Phúc cần được nhiều cơ quan có các biện pháp phối hợp, không để người dân bán lẫn hàng giả, hàng nhái, khiến tiếng tăm của làng lụa suy giảm.

Trăn trở ấy được lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cảm thông, đồng thời sẽ kiến nghị các biện pháp giúp mở rộng không gian làng nghề, tổ chức cho làng nghề Vạn Phúc tham gia các liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống, các chương trình Festival tơ lụa, tiếp tục hỗ trợ về máy móc, khu trưng bày sản phẩm…

Một điểm mà các làng nghề cần khai thác chính là tiềm năng du lịch. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu phát triển được du lịch sẽ kích thích sự phát triển của sản phẩm làng nghề, tham dự vào sự phát triển của Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Bởi khi bán được sản phẩm, đồng nghĩa với việc nâng cao tiêu chí thu nhập bình quân, và tỷ lệ lao động có việc làm. Một trong những địa phương có điểm nổi trội ở Hà Nội, đã xây dựng được thương hiệu làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng đúc tượng Sơn Ðồng (Hoài Ðức). Bà Trịnh Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nên có sự gắn kết giữa các lực lượng tham gia để cùng tạo cộng hưởng cho sự phát triển chung.

Ðể làng nghề vẫn sống được bằng nghề còn rất nhiều việc phải làm. Sự im ắng, buồn tẻ của những ngôi làng bị mai một đòi hỏi cấp bách một chiến lược dài hạn. Trước mắt cần có sản phẩm tinh xảo, nhỏ gọn, mang đậm văn hóa Việt để thu hút khách mua làm kỷ niệm. Cùng với đó cần có sự liên kết của chính quyền, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nghệ nhân, bắt tay vào xây dựng khu vui chơi, giải trí thuận tiện, thu hút khách mua sắm.

(Còn nữa)

Làng nghề Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một trong những làng nghề có sự phát triển mạnh mẽ, chủ yếu sản xuất và kinh doanh hàng dệt may, đồ gỗ. Tỷ trọng hoạt động kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm 99% trong cơ cấu kinh tế toàn xã, với thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm. Người dân có điều kiện đóng góp vào quá trình xây dựng NTM.