Lo ngại làn sóng lây nhiễm mới

Dịch Covid-19 đang có nguy cơ tăng mạnh trở lại tại nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, nhiều trường hợp được phát hiện nhiễm SARS-CoV-2 khi nhập cảnh ở quốc gia khác, gây lo ngại về nguy cơ nguồn bệnh đang lây nhiễm âm thầm trong cộng đồng, đòi hỏi giải pháp hiệu quả tránh tạo nên làn sóng lây nhiễm mới.

Hành khách thực hiện khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: DƯƠNG GIANG (TTXVN)
Hành khách thực hiện khai báo y tế trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: DƯƠNG GIANG (TTXVN)

Xét nghiệm nhanh âm tính vẫn có thể là người nhiễm bệnh

Ngày 27-10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, một chuyên gia quốc tịch Hàn Quốc sau khi xuất cảnh từ TP Hồ Chí Minh nhập cảnh Nhật Bản ngày 24-10 tại sân bay Narita, được xác định dương tính với SARS-CoV-2 từ mẫu nước bọt bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên. Theo HCDC, trước đó người này nhập cảnh Việt Nam và đã hoàn thành cách ly theo quy định vào ngày 16-8 tại Hà Nội, sau chuyển đến làm việc và cư trú tại TP Hồ Chí Minh. Người này không thực hiện xét nghiệm PCR chẩn đoán SARS-CoV-2 trước khi xuất cảnh khỏi Việt Nam để bay sang Nhật Bản. Thực hiện điều tra, truy dấu vết không ghi nhận người này tiếp xúc với trường hợp nào xác định nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh đã xác định được 38 người có tiếp xúc gần với trường hợp này và đã được cách ly. Đến ngày 27-10 qua lấy mẫu xét nghiệm PCR đã có 29 mẫu âm tính. Để tăng cường kiểm soát, giám sát nguy cơ, TP Hồ Chí Minh đã cho điều tra và lấy mẫu rộng với những trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần trường hợp này. 

Trước đó, cũng đã có nhiều trường hợp khi xuất cảnh khỏi Việt Nam không xác định có bệnh, nhưng lại cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi test nhanh tại sân bay nước ngoài. Điều này đặt ra mối lo ngại phải chăng dịch bệnh Covid-19 đang len lỏi trong cộng đồng, nên khi không được kiểm tra y tế nghiêm ngặt trong nước, các ca bệnh được phát hiện khi nhập cảnh tại nước ngoài? Tuy nhiên, theo phân tích của ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hà Nội thì trước đây đã xảy ra trường hợp 9/10 công dân Việt Nam cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 khi test nhanh tại sân bay Nhật Bản, nhưng xét nghiệm PCR đều cho kết quả âm tính. Ông Việt cho biết, loại test nhanh phía Nhật Bản sử dụng để xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay là xét nghiệm kháng nguyên, khác với loại test nhanh tìm kháng thể mà Hà Nội và một số thành phố ở Việt Nam đã sử dụng. Loại test nhanh của Nhật Bản chỉ cho giá trị dương tính khi có sự hiện diện của các thành phần cấu tạo virus trong cơ thể.

Ý kiến chuyên gia khác cho rằng, có những trường hợp xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính không thể khẳng định 100% người đó không bị nhiễm SARS-CoV-2 và không lây cho người khác. Theo vị chuyên gia, nguyên lý hoạt động của bộ kit xét nghiệm nhanh được sử dụng là tìm kiếm sự hiện diện của kháng thể mà hệ miễn dịch sản sinh, khi bị nhiễm SARS-CoV-2. Song, có một thực tế là người bị nhiễm SARS-CoV-2 không phải ai cũng sinh kháng thể. Đồng thời, kháng thể cũng không phải được tạo ra ngay sau khi bị virus xâm nhập.

Còn theo bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Người bị nhiễm SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể thì xét nghiệm nhanh chắc chắn cho kết quả âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác. Và loại xét nghiệm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo dùng để chẩn đoán một người có đang bị nhiễm bệnh hay không là các xét nghiệm trực tiếp, với bản chất là tìm kiếm sự hiện diện của các thành phần cấu tạo virus trong cơ thể. Thí dụ, hiện nay được sử dụng phổ biến ở Việt Nam là kỹ thuật PCR (tìm kiếm các đoạn gen của virus trong mẫu bệnh phẩm). “Như vậy, người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm nhanh âm tính thì vẫn có thể là người nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế” - BS Đồng Phú Khiêm khuyến cáo.

Dự phòng các tình huống dịch 

Thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, đến 6 giờ ngày 27-10, nước ta bước sang ngày thứ 55 không ghi nhận ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng. Đáng mừng, tại Thủ đô Hà Nội, từ ngày 17-8 đến 27-10, không ghi nhận thêm ca mắc mới trong cộng đồng. Ở TP Hồ Chí Minh đã 87 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng. Cả nước còn 14.777 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe. Số ca mắc mới tại Việt Nam thời gian qua đều là những ca nhập cảnh, đã được cách ly ngay từ khi vào Việt Nam. 

Theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Y tế, mặc dù cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên, nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập luôn thường trực, đặc biệt khi tăng số lượng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam và chuyên gia về nước (trong đó có các chuyến bay thương mại, quốc tế). Ngoài ra, thời gian tới là mùa đông - xuân, điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số các bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan. Trước tình hình này, ngành y tế yêu cầu các địa phương phải quản lý, giám sát chặt các chuyên gia, công nhân tay nghề cao đang cách ly tại khu ký túc xá. Hằng ngày, phải cử cán bộ y tế theo dõi sức khỏe, nếu có vấn đề gì lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đưa đi cách ly ngay. Các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát tại cộng đồng, cửa khẩu, phát hiện sớm, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, khoanh vùng, không để bùng phát lan rộng. Đặc biệt duy trì, dự phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, tuy việc làm xét nghiệm nhanh tìm kháng thể chỉ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm SARS-CoV-2, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp. Nhưng trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân các ca mắc Covid-19 mới, đặc biệt là ổ dịch không bộc lộ triệu chứng ở Trung Quốc trong thời gian qua, thì việc duy trì làm xét nghiệm nhanh, trên diện rộng là cần thiết để truy vết nguồn lây nếu có trong cộng đồng dân cư.