Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hư hỏng:

Lỗ hổng trong quản lý dự án giao thông

Câu hỏi về trách nhiệm của các bên liên quan lại được đặt ra chung quanh việc tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (ĐN-QN) bị sự cố chỉ một năm sau khi được đưa vào vận hành, thu phí. Trước đó, những cảnh báo về chất lượng công trình đã không được xem xét cẩn trọng. Dư luận đòi hỏi, cần làm rõ và xử lý nghiêm minh những tồn tại, sai phạm của dự án giao thông có quy mô lớn này.

Bộ GTVT phải phát đi văn bản đến lần thứ 2 thì VEC mới yêu cầu các nhà thầu bóc toàn bộ phần mặt đường hư hỏng để thảm lại. Ảnh: Hoàng Quân
Bộ GTVT phải phát đi văn bản đến lần thứ 2 thì VEC mới yêu cầu các nhà thầu bóc toàn bộ phần mặt đường hư hỏng để thảm lại. Ảnh: Hoàng Quân

Loanh quanh “né” trách nhiệm

Sau khi được đưa vào sử dụng độ một năm, đầu tháng 10 này, các lái xe đã phản ánh mặt đường cao tốc ĐN-QN (đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ) bị hư hỏng, bong tróc, tạo thành các ổ gà, gây nguy hiểm cho phương tiện lưu thông ở tốc độ 120 km/h. Dù vậy, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc ĐN-QN (thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc Việt Nam - VEC) lập luận rằng, đó là bởi các nguyên nhân, khách quan là do mưa nhiều và chủ quan do xe tải nặng lưu thông với lưu lượng lớn nên mặt đường bị... hư, hỏng!

Tuy nhiên, không chấp nhận lý giải này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc này. Về phía bộ chủ quản, trước đòi hỏi của dư luận, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản chỉ đạo VEC dừng thu phí từ ngày 12-10 để khắc phục hư hỏng, kiểm điểm xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức liên quan. Tuy nhiên, các nhà thầu chỉ sửa chữa kiểu đối phó, và một lần nữa Bộ GTVT lại phát đi văn bản phê bình lãnh đạo VEC, yêu cầu khắc phục triệt để. Chỉ đến lúc này, cao tốc ĐN-QN mới được bóc toàn bộ phần mặt đường hư hỏng để thảm lại. Đồng thời, Bộ GTVT cũng quyết định thanh tra đột xuất toàn bộ dự án cao tốc này.

Ngay tại kết quả của thanh tra Bộ GTVT (thực hiện năm 2017) cũng chỉ rõ nhiều vấn đề khác như, các nhà thầu thực hiện dự án chưa đúng quy định. Điển hình như, phần lớn các gói thầu (PK1, PK2, PK3B, PK5…) đã xuất hiện các vết nứt ở lớp đá gia cố xi-măng và nứt trên lớp bê-tông nhựa. Một số gói thầu có hiện tượng chưa bảo đảm yêu cầu về chiều dày, chia lớp đá cấp phối gia cố nhựa không rõ ràng; một số cầu trên tuyến có hiện tượng nứt vỡ tại ụ chống xô, khe co giãn, lan-can... Nhà thầu sử dụng vật liệu không bảo đảm, không rõ nguồn gốc, vật liệu từ mỏ chưa được chấp thuận...

Mới đây, ngày 21-10, sau khi VEC sửa chữa xong hư hỏng mặt đường, đoàn liên ngành các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã đi kiểm tra rà soát thực tế toàn bộ việc khắc phục hư hỏng và toàn tuyến cao tốc ĐN-QN. Sơ bộ Đoàn thống nhất đánh giá: Việc khắc phục hư hỏng mặt đường phù hợp thiết kế ban đầu. Giải pháp sửa chữa được thực hiện cơ bản đúng theo kế hoạch. Đối với năm vị trí “ổ gà” nhỏ lẻ, cục bộ, đoàn kiểm tra đề nghị VEC tiếp tục theo dõi và thông báo sửa chữa triệt để trong thời điểm thích hợp...

Theo chủ đầu tư, do phải tạm dừng thu phí để sửa đường, VEC đã chịu thất thu khoảng 500 - 800 triệu đồng/ngày, do đó VEC đưa ra đề nghị được thu phí trở lại. Điều này khiến dư luận đặt tiếp câu hỏi: Việc VEC vẫn cố xin thu phí vào thời điểm này, phải chăng là quá vội vàng như việc vội vàng sớm khánh thành dự án này để dẫn đến hư hỏng!?

Đến thời điểm bài báo lên khuôn, thì vẫn chưa có quyết định cho phép thu phí trở lại từ Bộ GTVT. Tuy nhiên, việc cho phép hay không chắc chắn sẽ phải căn cứ vào việc làm rõ những vấn đề mà kết luận thanh tra đặt ra cũng như làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các nhà thầu. Đặc biệt, ngày 24-10, dư luận tiếp tục phát hiện, lo lắng hơn khi nhiều hầm chui, cầu ở Km41+235; 42+723; 68+418... trên tuyến cao tốc bị thấm dột, đọng nước.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng Công trình Xây dựng (Bộ Xây dựng) nhận định, đối với một dự án có quy mô rất lớn như cao tốc ĐN-QN, phải làm rõ nguyên nhân của tình trạng hư hỏng trên, từ đó xử lý nghiêm, làm gương cho các dự án khác. “Mọi yếu tố thời tiết, địa chất đều được khảo sát, tính toán kỹ trong thiết kế, thi công cũng có yêu cầu khắt khe về điều kiện. Do đó, nếu lỗi do thiếu dự báo thì thuộc về thiết kế, thi công không bảo đảm điều kiện thuộc về nhà thầu thi công. Bởi khi thiết kế, thi công sai tư vấn giám sát, chủ đầu tư không phát hiện để ngăn chặn kịp thời thì lỗi thuộc về khâu giám sát. Dù do lỗi của ai, chủ đầu tư vẫn phải chịu trách nhiệm chính”, ông Chủng nhấn mạnh.

Để xảy ra sự xuống cấp trong thời gian ngắn, cũng cần đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Bộ chủ quản và đặc biệt Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng. “Chỉ khi có ý kiến đánh giá của hai chủ thể này thì dự án mới được đưa vào khai thác, do đó hai chủ thể này không thể không có trách nhiệm trong đó?! Khi xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan trong những sai phạm tại dự án cao tốc ĐN-QN cần công khai, xử lý, đó là bài học kinh nghiệm cho các dự án khác”, ông Chủng cho biết thêm. Cũng chỉ ra vấn đề nguyên nhân là chất lượng thi công kém, TS Nguyễn Hữu Đức, Chuyên gia của JICA (Nhật Bản) yêu cầu cần làm rõ thêm sự thiếu trách nhiệm của tư vấn giám sát, và của chính chủ đầu tư. Ông Đức cũng cho rằng, cần phải làm rõ có hay không sự “ép tiến độ” khiến chất lượng không bảo đảm như phản ánh của người dân. Cũng như cần làm rõ chất lượng và năng lực của các nhà thầu thi công công trình. Nhất là các nhà thầu phụ như trường hợp gói thầu A5, nhà thầu Công ty Posco Engineering & Construction (Posco E&C) trúng thầu trị giá hơn 1.394 tỷ đồng nhưng chia thành các gói nhỏ và chuyển giao bán lại cho các nhà thầu phụ trong nước thực hiện.

Sau sự việc xảy ra tại dự án cao tốc ĐN-QN, Chính phủ và Bộ GTVT cần có cuộc kiểm tra, đánh giá một cách tổng thể tất cả các dự án xây dựng đường cao tốc theo hình thức BOT hiện nay, từ đó có giải pháp toàn diện nhằm giải quyết triệt để những bất cập trong quá trình thực hiện của mô hình này. Cũng như cần phải xử lý, kỷ luật thật nghiêm những cá nhân, tập thể, chủ đầu tư để xảy ra sai phạm tại dự án cao tốc ĐN-QN, để từ đó làm gương cho những người đang công tác trong các dự án khác.

Dự án đường cao tốc ĐN-QN dài hơn 139,2 km, tổng vốn đầu tư hơn 1,64 tỷ USD (khoảng 34.516 tỷ đồng). Trong đó, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ đưa vào khai thác và thu phí từ tháng 8-2017 (đoạn xuất hiện hư hỏng); đoạn Tam Kỳ - Quảng Ngãi đưa vào khai thác ngày 2-9-2018. Lưu lượng xe bình quân khoảng 3.500 lượt xe/ngày đêm. Mức thu phí bình quân 1.500 đồng/km/xe tiêu chuẩn.