Lễ hội cũng cần phải chuyên nghiệp

Sau những lời quảng cáo có cánh là những nỗi thất vọng. “Lễ hội hoa hồng Bun-ga-ri (Bulgaria) và bạn bè” (từ ngày 3-3 tới ngày 8-3) tại Hà Nội diễn ra với không chỉ số lượng hoa ít, chất lượng hoa kém, mà còn cả sự thiếu chuyên nghiệp trong khâu tổ chức - “căn bệnh mãn tính” của các sự kiện văn hóa ở Việt Nam nói chung.

Đến với lễ hội hoa hồng Bun-ga-ri & Bạn bè, nhiều du khách tham quan cảm thấy hụt hẫng ngay khi gặp cổng chào được gắn bằng hoa giả. Ảnh: DƯƠNG PHƯƠNG
Đến với lễ hội hoa hồng Bun-ga-ri & Bạn bè, nhiều du khách tham quan cảm thấy hụt hẫng ngay khi gặp cổng chào được gắn bằng hoa giả. Ảnh: DƯƠNG PHƯƠNG

Những chuyện lộn xộn ở các lễ hội hoa vẫn thường diễn ra, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước đây, Hà Nội cũng đã từng có những lễ hội hoa Mai Anh đào, lễ hội hoa Tử Đằng... mở ra trong trông đợi và khép lại với nhiều điều tiếng. Lần này, bên cạnh chuyện quá nhiều hoa giả - hoa héo, cũng vẫn là những “vết đen” quen thuộc: chuyện chen lấn xô đẩy, chuyện phe vé hoành hành ngay ở trung tâm Thủ đô Hà Nội… Song, nếu lùi xa hơn và nhìn rộng hơn, đã có vấn đề ngay từ khâu tổ chức sự kiện “Lễ hội hoa hồng Bun-ga-ri và bạn bè”.

Được biết: Lễ hội do Đại sứ quán Bun-ga-ri tại Việt Nam và Hội Hữu nghị Việt Nam - Bun-ga-ri phối hợp tổ chức, nhưng lại ủy quyền cho Công ty cổ phần Chăm sóc sức khỏe Việt Nam - VIETMEDICARE thực hiện. Tìm hiểu trên không gian mạng về công ty này thì thấy công ty kinh doanh dược phẩm và chăm sóc người già, không hề dính dáng gì đến lĩnh vực tổ chức sự kiện, tổ chức lễ hội. Phải chăng, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tổ chức lễ hội thất bại ngay từ đầu?

Đúng ra, việc tổ chức những lễ hội lớn như vậy đòi hỏi có sự tham gia của đơn vị hoặc công ty chuyên làm sự kiện - lễ hội chuyên nghiệp, chứ không phải là một công ty trái ngành, trái nghề như kể trên. Từng công đoạn, từng khâu chuẩn bị phải được phân công - phân nhiệm rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng nhằm tạo nên hiệu ứng thẩm mỹ cho người xem, tạo được sự hứng khởi lan truyền - những điều kiện căn bản để làm nên một sự kiện văn hóa (và hơn thế, còn mang ý nghĩa đối ngoại) thành công.

Một thí dụ để đối chiếu: Diễn ra cùng thời điểm với “Lễ hội hoa hồng Bun-ga-ri và bạn bè” ngay ở khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, đêm trình tấu của Dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn (Anh) đã diễn ra và khép lại cực kỳ tròn vẹn, với bầu không khí thấm đẫm tinh thần văn hóa, từ cả các nghệ sĩ đến đông đảo khán thính giả. Rõ ràng, kỹ năng tổ chức là yếu tố then chốt, mang tính quyết định.

Chuyện qua thì đã qua, nhưng chuyện cần bàn thì vẫn phải bàn.

Thứ nhất, cơ quan chủ quản - Hội Hữu nghị Việt Nam - Bun-ga-ri - cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho việc lựa chọn kỹ lưỡng đơn vị thực hiện tổ chức lễ hội cho những lần tổ chức sau.

Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cấp phép là Sở Văn hóa-Thể thao cũng cần nâng cao trách nhiệm, kiểm tra kỹ hồ sơ xin cấp phép, đánh giá công ty được giao thực hiện bảo đảm đủ năng lực. Khi cấp phép rồi, vẫn cần cử cán bộ chuyên ngành kiểm tra - giám sát quá trình thực hiện, theo đúng kịch bản và chương trình lễ hội, không để hiện tượng “treo đầu dê, bán thịt chó”, hoặc “quảng cáo một đằng làm một nẻo” như lần này (quảng cáo quá mức về 300 loại hoa hồng phương Tây nhưng phần nhiều lại toàn hoa giả, có chỗ trưng hoa thật thì nhiều giỏ hoa quá bình thường, hoa bé , còi cọc, héo úa…).

Thứ ba, Ban tổ chức cần có thái độ kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm ngay thái độ coi thường khán giả. Nhiều người mua vé bị chặn lại không cho vào tham dự lễ khai mạc vì để bảo đảm trật tự, tránh quá tải khi khai mạc, nhưng Ban tổ chức không thông tin, thông báo rõ ràng cho khán giả biết, nhiều người đã đến từ 9 giờ sáng (giờ khai mạc lễ hội) nhưng phải đến 13 giờ mới được vào…

Không thể tổ chức một sự kiện văn hóa nếu thiếu tính chuyên nghiệp. Càng không thể tổ chức một sự kiện văn hóa thành công, nếu những nhà tổ chức thiếu tinh thần văn hóa.