Lắt lay chờ… đề án tổng thể!

Tính chung cả nước, hiện có 154 cơ sở có đào tạo giáo viên (GV). Mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất một cơ sở đào tạo… Những bất cập trong cơ chế quản lý đang khiến cho hầu hết cơ sở đào tạo cao đẳng sư phạm (CÐSP) này lâm vào tình trạng tê liệt, chờ đợi được định đoạt tồn tại hay không?

Lắt lay chờ… đề án tổng thể!

Lúng túng bởi sửa luật

Luật Giáo dục được sửa đổi, bổ sung năm 2019 đã quy định chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo là “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với GV mầm non” và “Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”. Ðiều này đồng nghĩa với việc, sẽ “xóa sổ” hệ trung cấp sư phạm, và các trường CÐSP chỉ còn có thể đào tạo GV mầm non nếu không có những cơ chế đổi mới kịp thời. Dù phải đến ngày 1-7 năm sau, luật mới bắt đầu có hiệu lực, nhưng trên thực tế, ngay khi Quốc hội ấn nút thông qua, luật đã lập tức ảnh hưởng đến số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành CÐSP năm học 2019-2020. Số thí sinh ít ỏi, thậm chí có ngành chỉ có một vài thí sinh. Bất đắc dĩ, vì không thể bảo đảm điều kiện đào tạo mà nhà trường phải nâng điểm chuẩn cao ngất ngưởng chỉ với mục đích “đánh trượt” nốt số thí sinh còn lại.

Thực tế cũng cho thấy, năm 2018, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) đã thực hiện khảo sát, thống kê về nhu cầu sử dụng GV trong 5 năm (2018-2022) của tất cả tỉnh, thành phố theo từng cấp học và môn học. Theo đó, cả nước cần tuyển 59 nghìn GV, vừa tuyển mới vừa để thay thế những người về hưu. Tuy nhiên theo một khảo sát khác cũng của Bộ GD&ÐT và các trường sư phạm, thì số sinh viên (SV) sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm là khoảng 40 nghìn người; trong đó có khoảng 50% số SV sư phạm dù thất nghiệp hoặc phải tạm thời làm việc khác vẫn đau đáu mong muốn được trao cơ hội làm việc trong môi trường sư phạm. Như thế vẫn luẩn quẩn điệp khúc “vừa thừa, vừa thiếu” nguồn nhân lực GV!

Trước những bất cập này, Bộ GD&ÐT đang chủ trương rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm trên cơ sở các quy chuẩn về điều kiện bảo đảm chất lượng. Tại các địa phương, một số trường CÐSP đã được sáp nhập để tinh gọn và nâng cao hiệu quả đầu tư công trong bối cảnh nhu cầu GV đang bão hòa. Song còn nhiều cơ sở đào tạo vẫn đang “lay lắt” chờ cơ chế, đề án đổi mới.

Cần phân cấp rõ trong quản lý

Trước nguy cơ “khai tử” các trường CÐSP, trong khi không phải “sứ mệnh” của các trường này đã hết, PGS,TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ÐH,CÐ) Việt Nam, thẳng thắn cho biết: “Nếu cứ áp quy chuẩn của Bộ cho tất cả các trường, sẽ có trường đạt chuẩn trường không. Vậy tôi hiểu ý của Bộ là, những trường nào không đạt chuẩn, muốn đi đâu thì đi, không sống được thì chết!?”.

Rõ ràng có nhiều lãnh đạo các trường cũng suy nghĩ như vậy nên có chung tâm lý hoang mang và lúng túng trong định hướng phát triển, không biết sẽ định vị ở đâu trong giai đoạn tới? Trước bế tắc tuyển sinh, trong không ít cuộc họp, hội thảo, đã có hiệu trưởng trường CÐSP tỉnh phát biểu mà rưng rưng. Có hiệu trưởng còn chia sẻ: “Ngành giáo dục chưa chính thức có đề án sáp nhập hoặc phương án cụ thể nào, vậy mà trường tôi bỗng dưng đã có người đến đo ngang đo dọc”.

Trước thực trạng này, ông Nhĩ nêu quan điểm: “Ngành giáo dục không thể gạt các trường này ra khỏi hệ thống mà phải tìm cách đổi mới quản lý cho phù hợp để họ tiếp tục tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo GV”.

Tại hội thảo gần đây do Hiệp hội các trường ÐH, CÐ Việt Nam tổ chức, từ thực tế địa phương, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà giáo dục bày tỏ đồng tình, chia sẻ một số kiến nghị nhằm ổn định, tạo điều kiện cho các trường CÐSP tiếp tục thực hiện chức năng nhiệm vụ (không để gián đoạn, tránh lãng phí) trong khi chờ Bộ GD&ÐT có một đề án tổng thể.

TS Hồ Cảnh Hạnh, Hiệu trưởng Trường CÐSP Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất, cần sớm có những quy định bằng văn bản điều hành hoặc văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương (mà trực tiếp là các Sở GD&ÐT) giao nhiệm vụ cho trường CÐSP trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, GV và nhân viên ngành giáo dục phục vụ tại địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ; sớm có thông tư sửa đổi Ðiều lệ trường Cao đẳng (thay thế Thông tư 01/2015/TT-BGDÐT). Trong những năm trước mắt, giao nhiệm vụ cho trường CÐSP tổ chức tập huấn, bồi dưỡng GV thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục. Cùng với đó, các trường CÐSP được tiếp cận, tham gia đóng góp vào đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các trường sư phạm và thành lập một số trường trọng điểm vì đây chính là đối tượng thực hiện đề án.

Những khó khăn của các trường CÐSP không chỉ đến từ thực tế khó khăn tuyển sinh, điều kiện cơ sở vật chất, mà ngay từ những bất cập trong cơ chế quản lý nhà nước. Trong tương lai gần chưa cho thấy rõ ràng về cơ quan chủ quản các trường CÐSP, liệu sẽ trực thuộc Bộ GD&ÐT hay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính vì thế, lúc này, việc xác định rõ phân cấp quản lý nhà nước về đào tạo GV, việc hình thành các trường sư phạm trọng điểm, dự báo cung - cầu trong đào tạo GV… là hết sức quan trọng.

Theo các chuyên gia, mạng lưới đào tạo GV phải được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ, về tài chính và nhân sự. Quản lý nhà nước về đào tạo GV chỉ hiệu quả nhất khi thống nhất vào một đầu mối. Bộ GD&ÐT nên là cơ quan chủ quản duy nhất khối trường sư phạm. Tiếp đó, cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển các cơ sở đào tạo GV. Xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn trường CÐSP; quy định về xếp hạng, kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo GV làm căn cứ phân loại, hợp nhất, sáp nhập, giải thể các trường CÐSP hoạt động kém hiệu quả. Cùng với đó phải xác định một số trường trọng điểm.

Cả nước hiện có 15 trường đại học sư phạm; 48 trường đại học đa ngành có đào tạo GV; 30 trường cao đẳng sư phạm; 19 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo GV, hai trường trung cấp sư phạm và 40 trường trung cấp đa ngành có đào tạo GV mầm non.