Làng hoa rạng rỡ sắc xuân

Còn hơn một tuần nữa là đến Tết Canh Tý 2020, thị trường hoa, cây cảnh chưng Tết đã nhộn nhịp. Cùng nhiều loại hoa quý, độc, lạ, thì đào, quất cảnh truyền thống vẫn đang là lựa chọn của người chơi hoa khi mùa xuân đến.

Làng Nhật Tân ngày áp Tết nhộn nhịp người mua bán.
Làng Nhật Tân ngày áp Tết nhộn nhịp người mua bán.

Kỳ công tạo vẻ đẹp

Ngày giáp Tết, đến vườn đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), mới thấy hết sự công phu của người trồng đào. Bởi để đạt đến trình độ điều chỉnh được các gốc hoa nở vào thời điểm nào là bí quyết gia truyền của mỗi chủ vườn. Ông Đức Huy, nghệ nhân trồng đào lâu năm nơi đây chia sẻ: Để có cây đào có đủ bộ tứ quý, như hoa, nụ, lộc và quả - biểu tượng cho sự ấm no của mỗi gia đình, tán đào tròn, các nhánh đều, người trồng đào phải kỳ công chăm cây.

Ông Chung, chủ vườn đào Chung Văn, gắn bó với cây đào làng Nhật Tân từ thuở nhỏ, nhấn mạnh: Đào Nhật Tân đẹp là nhờ vào sự dày công chăm sóc của nghệ nhân trồng đào. Những người thợ phải tỉ mỉ uốn từng cành từ nhỏ đến lớn. Gốc đào to, nhỏ tùy thuộc vào tuổi đời của cây. Thông thường cây trên bảy năm sẽ được thợ chiết cành, ép uốn theo nhiều dáng thế phù hợp với sở thích của dân sành đào cũng như thị hiếu người chơi hoa dịp tết. Thế “Ngũ Phúc” với năm nhánh cây tỏa nhiều chồi non, xanh mơn mởn cùng nụ và hoa tượng trưng cho trời đất sum vầy. Dáng “Ngũ Long” là năm cành lớn, và nhiều nhánh tượng trưng hình ảnh rồng thiêng bay lên với mong muốn tấn tài tấn lộc trong năm mới. Để tạo ra cây đào lai gốc khỏe, hoa thắm, người trồng phải mất nhiều thời gian ghép mắt phôi đào bích vào gốc đào quả.

Bên sắc hồng của hoa đào Nhật Tân nổi tiếng, người sắm Tết cũng tìm đến sắc trắng tinh khôi, vẻ đẹp đài các của loài hoa nhất chi mai. Nhất chi mai còn gọi là mai trắng được mệnh danh là dòng hoa vương giả bởi chỉ xuất hiện trong dịp Tết cổ truyền ở những gia đình vương tôn quý tộc danh giá của đất kinh kỳ xưa. Ông Vĩnh Tiến, chủ một vườn nhất chi mai ở làng đào Nhật Tân cho biết: Mai trắng đòi hỏi sự chăm chút nhiều hơn các loại hoa Tết khác. Đặc biệt phải “canh” làm sao để hoa bung nở đẹp nhất vào đúng dịp Tết Nguyên đán, mới có ý nghĩa và “được” giá. Với loại hoa này việc chiết cành nhân giống cũng rất khó nên với những gốc mai quý phải mất đến cả chục năm mới lên dáng đẹp, cũng vì thế nên các chủ vườn ở Nhật Tân chỉ cho thuê chứ không bán. Giá thuê thấp nhất từ 5-7 triệu đồng/gốc. Dù giá thuê đắt đỏ nhưng ông chủ vườn này vui mừng nói rằng dịp Tết vẫn không đủ số gốc mai quý phục vụ người chơi.

Đa dạng lựa chọn

Cũng như ở làng đào Nhật Tân, những vườn quất Tứ Liên (quận Tây Hồ) nằm trên bãi sông Hồng, những ngày này nhộn nhịp người đến mua. Quất Tứ Liên từ lâu nổi tiếng với vẻ đẹp riêng, trở thành thương hiệu của người Hà Nội. Trong những năm gần đây, người trồng quất cảnh nơi này đã có nhiều thay đổi trong việc tạo các dòng sản phẩm, trồng thêm quất thế, quất bonsai…

Khách hàng có thể chọn sản phẩm quất bonsai với dáng thế ông Di lặc hay dáng chữ Phúc Lộc Thọ. Các nghệ nhân làng quất cho biết, để có những dáng thế này người trồng phải chăm sóc cây rất kỹ lưỡng, kỳ công hơn từ việc uốn cành tạo dáng đến dinh dưỡng cho cây, đòi hỏi người trồng phải thật sự đam mê.

Cách Tứ Liên dăm ki-lô-mét, những vườn đào, quất của người Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) cũng đang đua sắc. Năm nay, trên thị trường dịp cận Tết Nguyên đán xuất hiện dòng sản phẩm mới, là loại quất “thăng tiến” - lai ghép giữa cây cần thăng và quất truyền thống. Theo ông Trương Ngọc Xuân, chủ vườn quất ở Bắc Từ Liêm, cây quất được coi là biểu tượng của may mắn, tài lộc. Còn cây cần thăng là một loại cây gỗ lớn, có sức sống mãnh liệt, đặt trong nhà có ý nghĩa mong muốn giúp cho gia chủ thăng tiến. Do vậy, ông đã kết hợp hai loại cây này để tạo ra một sản phẩm bonsai mới lạ, mang nhiều ý nghĩa cho ngày Tết.

Ông Xuân cho hay, mỗi năm chỉ cung cấp ra thị trường khoảng 100 gốc quất “thăng tiến”. Số cây năm nay đều đã được khách hàng đặt tiền mua trước. Tùy dáng thế và tuổi của cây mà có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ ba triệu đồng đến 15 triệu đồng/ cây. Để tạo nên một chậu quất “thăng tiến”, phải chọn cây cần thăng và cành quất có tuổi tương đương nhau để ghép. Quan trọng nhất là dáng, thế của cây cần thăng, phải chọn được một cây có thân lớn, dáng uốn độc, lạ. Trung bình mỗi chậu quất ghép mất thời gian khoảng ba năm. Bí quyết tạo ra một bonsai quất “thăng tiến” đẹp còn là sau khi ghép, người thợ phải chăm sóc, tỉa lá, tỉa cành thường xuyên để giữ thế của cây. Đặc biệt, chậu quất hình con chuột có giá từ 1-3 triệu đồng/cây ở vườn nhà ông Xuân năm nay được nhiều người ưa chuộng tìm mua.

Với sự sáng tạo của các nhà vườn, cây quất, cây đào Tết ngày càng có thêm nhiều dáng thế, đáp ứng đòi hỏi cao và đa dạng của người chơi hoa Tết. Cùng với những cành đào, chậu quất truyền thống, Tết này nhiều người Việt Nam cũng được thưởng ngoạn những loài hoa lan đẹp của người trồng hoa trong nước, như lan hồ điệp, địa lan trần mộng, địa lan hoàng vũ… mang đến những sắc màu xuân tươi thắm, rạng rỡ cho mỗi mái nhà.

PGS, TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Rau Quả cho biết: “Giờ đây chúng ta đã lai tạo giống hoa trong nước có độ thích ứng cao với điều kiện khí hậu Việt Nam. Cũng không thể không nhắc đến một trong những đột phá lớn về mặt công nghệ vừa được hoàn thiện trong thời gian gần đây, đó là ứng dụng công nghệ 4.0 trong các mô hình nuôi trồng hoa, từ đó giúp tự động hóa gần như mọi quy trình, cắt giảm nhân công, tối ưu nguồn tài nguyên sử dụng và đặc biệt là nâng cao phẩm chất của cây thành phẩm”.