Lại lùi, và lại hiểu nhầm

Đang khi không ít ý kiến bày tỏ sự hụt hẫng vì Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể lại lùi thời điểm áp dụng, thì dư luận càng thêm bức xúc bởi một công văn của Bộ GD-ĐT mới được phát đi, và rồi lại được chính Bộ này thừa nhận “do sơ suất trong diễn đạt văn bản, khiến dư luận hiểu nhầm”.

Đó là Công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH ban hành ngày 3-10 về việc hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) hiện hành, theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Thứ nhất là nói về tính thời điểm, công văn được phát đi khi hầu hết các cơ sở giáo dục trên cả nước đã bước vào năm học mới từ hơn một tháng nay, cho thấy sự thiếu chủ động của Bộ chủ quản. Thêm nữa, lấy mục đích là nhằm khuyến khích nhà trường, các giáo viên linh hoạt sáng tạo trong thực hiện chương trình hiện hành, song thật khó hiểu khi chính văn bản này lại có thêm quy định: “Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa”. Dẫu cho đây có là sự cố do diễn đạt như giải thích đi nữa, cũng thật khó lòng chấp nhận bởi dư luận đã nhiều phen phải xôn xao vì những động thái gây “hiểu nhầm” của Bộ rồi.

Lúc này, giáo viên, người dân và nhất là các phụ huynh đều đang rất quan tâm đến đề xuất vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận của Bộ GD-ĐT về việc lùi thời gian một năm, đến năm học 2019-2020 sẽ thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Đành rằng nếu chưa yên tâm, chưa sẵn sàng thực hiện thì việc lùi thời gian triển khai là cần thiết. Nhưng, dư luận xã hội không khỏi băn khoăn, nghi ngại, bởi từ khâu soạn thảo đến lấy ý kiến cho dự thảo chương trình này đã gặp không ít trục trặc, không ít lần trì hoãn so với kế hoạch.

Lý do lùi thời điểm được những người có trách nhiệm trong việc xây dựng chương trình đưa ra, là bởi nhiều địa phương kiến nghị cần có thêm thời gian tập huấn giáo viên, cải thiện cơ sở vật chất, đáp ứng tốt hơn chương trình. Đó đều là những kiến nghị từng được đặt ra và chưa được xem xét thấu đáo, khảo sát kỹ lưỡng!

Về lộ trình áp dụng chương trình mới theo kiến nghị mới nhất của Bộ cũng có nhiều điều chỉnh: Thay vì triển khai cho cả ba lớp đầu cấp từ năm học 2018-2019, thì từ năm học 2019-2020 chỉ học sinh lớp 1 được học chương trình mới. Năm thứ hai sẽ thêm lớp 2 và lớp 6; năm thứ ba là lớp 3, 7, 10; cuối cùng là ba lớp cuối cấp 5, 9, 12. Vị Tổng chủ biên chương trình cũng cho biết, chương trình môn học đã hoàn thành dự thảo lần hai và chuẩn bị lấy ý kiến chuyên gia, giáo viên. Thời gian tới, sau khi bản dự thảo được sửa đổi và Ban chỉ đạo thông qua sẽ cần thêm 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi. Khi chốt chương trình môn học, chương trình sách giáo khoa sẽ tiến hành. Với một khối lượng công việc khổng lồ như thế sẽ khó bảo đảm tiến độ và đạt hiệu quả khi chỉ còn chưa đầy hai năm thực thi. Và liệu rằng, đến một ngày, Bộ sẽ lại phải tuyên bố lùi thời điểm thực thi như nhiều lần đã từng?

Việc xây dựng lộ trình, tính toán thời điểm áp dụng một chính sách hay chủ trương mới trong mọi lĩnh vực đều vô cùng quan trọng. Hơn nữa đây lại là vấn đề liên quan đến cuộc sống của mỗi gia đình, ảnh hưởng tương lai của không chỉ một thế hệ. Mong sao lộ trình lùi sẽ không mãi là điệp khúc.