“Lá phổi xanh” và những nguy cơ tiềm ẩn

Vụ cây phượng ngã đổ xuống sân Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) ngày 26-5, khiến 18 học sinh bị thương, trong đó một em tử vong, đang gióng lên cảnh báo về nguy cơ tai họa tiềm ẩn từ hệ thống cây xanh, cổ thụ, đòi hỏi cần có những giải pháp kiểm soát bảo đảm an toàn hiệu quả hơn.

Hiện trường cây phượng bật gốc đổ xuống khiến 18 học sinh Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP Hồ Chí Minh gặp nạn.
Hiện trường cây phượng bật gốc đổ xuống khiến 18 học sinh Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP Hồ Chí Minh gặp nạn.

Nguy cơ lớn trong mùa mưa bão

Hằng năm, trước mùa mưa bão, tại các đô thị nước ta đều có chỉ đạo của các cấp chức năng về việc xử lý cắt tỉa, hạ cây xanh có nguy cơ gãy đổ. Ông Lê Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Công ty quản lý phần lớn cây xanh ở đường phố và công viên. Trước mùa mưa, đơn vị luôn có phương án kiểm tra toàn bộ cây xanh, nếu phát hiện cây nào nguy cơ ngã đổ sẽ báo cáo phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố xử lý ngay”. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, hiện tượng cây xanh gãy đổ vẫn xảy ra, hiểm họa từ cây xanh vẫn còn là nguy cơ lớn với người dân.

Hiện nay, phần lớn hệ thống cây xanh tại TP Hồ Chí Minh, cũng như tại Thủ đô Hà Nội, đã phát triển qua nhiều thời kỳ, với nhiều cây bóng mát, cây cổ thụ hàng trăm tuổi. Theo TS Trần Anh Tuấn, Viện Kiến trúc, Cảnh quan và Môi trường, Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, việc thi công hạ tầng đô thị hiện nay khá bất cập, ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống cây xanh đô thị. Cụ thể, tại các tuyến đường triển khai cải tạo, làm lại vỉa hè, khi thi công, các cây lâu năm có phần rễ trồi lên phía trên mặt đường thường bị cắt bỏ rễ, gây ảnh hưởng đến khả năng bám đất của cây. Nhiều tuyến phố, khuôn viên, việc chọn một số cây trồng không phù hợp, cây có rễ chùm thay vì rễ cọc, thường khó chống chịu được gió bão. Đáng nói, nhiều trường hợp cây bị xâm hại, chặt rễ, hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế không phát triển được... rất dễ nghiêng đổ khi mưa bão. Điều này sẽ là nguy cơ đe dọa sự an toàn cho người tham gia giao thông, nơi tập trung đông người, như khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện, khu chung cư, công viên…

Chuyên gia Lê Thanh Hải, Hội Khí tượng thủy văn nhận định, khu vực đô thị nhiều bê-tông nên việc hấp thụ bức xạ mặt trời càng mạnh hơn. Đối lưu khí quyển cũng tăng, nên nơi có nhiều nhà cao tầng thường xảy ra hiện tượng hút gió, khiến sức gió tăng lên khoảng 2-3 cấp, gây nguy hiểm hơn cho hệ thống cây xanh đô thị.

Hoàn thiện quy hoạch cây xanh đô thị

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong năm 2020 có khả năng xuất hiện khoảng 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông, trong đó khoảng 5-6 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam những tháng cao điểm mùa bão. Đặc biệt, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan, như dông lốc, mưa lớn tập trung với cường độ mạnh… Ở khu vực đô thị, hiện tượng đảo nhiệt khiến những trận lốc xoáy trở nên khó dự đoán.

Để ngăn chặn nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, theo các chuyên gia, cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, bên cạnh biện pháp tình thế cắt ngọn, tỉa cành, thay thế cây rỗng, mục… Các ban, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra và gia cố cọc chống, cắt sửa những cây nặng tán. Cần rà soát các cây xanh ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sự an toàn người dân như các tuyến phố, công viên, khu chung cư, khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện…

Về lâu dài, nhằm giảm tối đa tình trạng cây ngã đổ do gió bão, ngành Giao thông vận tải, Xây dựng cần phối hợp với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh của các thành phố có nghiên cứu, đánh giá hằng năm để chọn lọc chủng loại cây trồng phù hợp trên đường phố, có khả năng chống chịu cao với gió bão. Khuyến khích trồng cây phù hợp tại công sở, trường học, cây phù hợp với khí hậu, thời tiết tại Việt Nam và có đặc tính là rễ bám sâu dưới lòng đất. Các thành phố cũng cần hoàn thiện việc quy hoạch cây xanh đô thị theo hướng đồng bộ, bảo đảm phát triển an toàn, bền vững.

Cùng với các giải pháp đó, cần chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh, nhất là ở các đô thị. Bởi, cây xanh có vai trò rất lớn đối với môi trường sống và cảnh quan, góp phần giảm sự phát tác của các yếu tố biến đổi khí hậu gây hại cho đời sống con người.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Phùng Xuân Nhạ vừa đề nghị Sở GD và ĐT TP Hồ Chí Minh, các sở GD và ĐT trên toàn quốc chỉ đạo ngay các trường học liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn, tiến hành kiểm tra, kiểm kê và cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên. Các trường học thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về môi trường giáo dục an toàn, các chỉ đạo về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh, sinh viên.