Ký ức Sơn Điền

Từ lâu rồi, tôi đã biết đến Sơn Điền (Di Linh, Lâm Đồng) khi lật giở những trang sử oanh liệt một thời giữ nước. Tôi cũng ấn tượng Sơn Điền bởi có dịp thưởng lãm bộ đàn đá tiền sử mà người xứ núi thường gọi là “đá kêu” mang tên địa danh nổi tiếng ấy tại Bảo tàng Lâm Đồng. Trên kệ trưng bày, người ta ghi nhớ người có công phát hiện bộ đàn đá vô giá ấy là ông K’Branh ở buôn Đăng Ya…

Trước nhà bia tưởng niệm xã Sơn Điền.
Trước nhà bia tưởng niệm xã Sơn Điền.

Thời lửa đạn

Tôi về Sơn Điền thì ông “đá kêu” K’Branh đã lên với đất Yàng. Tiếc vì lỡ một cơ hội được nghe kể câu chuyện lý thú tìm ra đàn đá, một đại diện văn hóa vật thể quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa bản địa Tây Nguyên. Đến nhà cậu em K’Brót, cháu nội của bà Ka Nhir, người phụ nữ từng được nhận huân chương kháng chiến, em cũng đi rẫy chưa về. Lang thang giữa buôn Bo Cao, trung tâm xã trong cái nắng gay gắt, bước chân tôi dừng lại ngôi nhà nhỏ bên đường. Người đàn ông chủ nhà đang tỉ mẩn đan chiếc gùi trên tay tên là K’Mùng, người có tên trong danh sách 140 người tham gia cách mạng của chiến khu Sơn Điền năm xưa. Nay tuổi gần bảy mươi, ông K’Mùng tham gia du kích từ năm 1960 và gia nhập Quân giải phóng từ năm 1971. Người cựu chiến binh Khu 6 có nụ cười hiền lành này cũng từng băng rừng qua giúp nước bạn Cam-pu-chia tiêu diệt kẻ thù chung. Bố của ông, cựu cán bộ Việt Minh K’Láo từng bị giặc bắt giam ở quận Di Linh và người anh K’Lem cũng anh dũng hy sinh ở chiến trường Đinh Trang Thượng trong chiến dịch Mậu Thân…

Ký ức Sơn Điền ảnh 1

Xã Anh hùng Sơn Điền hôm nay.

Chuyện với người đàn ông Cơ Ho mau chóng trở nên cởi mở khi khơi đúng mạch ký ức về một thời lửa đạn. Vẫn không ngừng tay đan gùi, ông K’Mùng chắp nối trí nhớ của mình dẫn chúng tôi lùi về những năm tháng cũ. Những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời ông gắn liền với quãng thời gian mà người Cơ Ho cùng với các dân tộc anh em đã tạo dựng một biểu tượng oanh liệt của lòng yêu nước trên miền cao nguyên. “Ngày xưa, người Cơ Ho ở Sơn Điền này nghèo khổ lắm nhưng rất kiên cường. Cách mạng về chỉ cách cho dân làng đánh Pháp, đuổi Mỹ - ngụy”, ông K’Mùng nói. Thấy nhà K’Mùng có khách, những người hàng xóm ghé qua góp chuyện, đó là ông K’Oăng, ông K’Nhẻo, bà Ka Yếu, bà Ka Măng. Hóa ra, những người đàn ông, đàn bà chân chất đang trò chuyện cùng tôi từng là du kích hay dân công tải đạn.

Tôi hiểu người sinh ra ở rừng có đời sống hồn nhiên như cây cối, đá nước. Khi kẻ thù đến chiếm đất, giết dân, họ vót sắc mũi tên xung trận. Bình yên, họ trở về với nương rẫy, với căn nhà bên suối, say men rượu cần nồng nàn, những vòng xoang trong nhịp chiêng droòng trong những đêm trường ấm cùng bếp lửa. Lá bép, đọt mây, cây măng, cánh mối vẫn đẹp trong mỗi bữa cơm thường. Hết chiến tranh, người về đồng bằng, về phố, người gửi hồn phiêu linh với mưa núi, gió ngàn. Còn những người con Cơ Ho nơi này, cuộc sống của họ gắn bó máu thịt với núi rừng, buôn làng và ký ức mãi tươi nguyên những hình ảnh lưu tâm, những nỗi nhớ xưa cũ…

Mảnh đất anh hùng

Đứng trước sân nhà cựu chiến binh K’Mùng, những người dân Sơn Điền chỉ cho tôi kia là dốc B40, nọ là đồi Mỹ, dưới đó là khe Máu… Những cái tên gợi lên nhiều ý nghĩa. Tôi tìm ký ức Sơn Điền xưa giữa không gian yên bình trưa nay với những sợi khói ấm áp tỏa trên những mái nhà tựa vào nhau bên triền thung lũng, rẫy cà-phê xanh và ruộng lúa vào mùa chắc hạt. Tiếng máy ủi sửa đường, tiếng nước xối từ công trình thủy lợi và ríu ran con trẻ từ trường về nhà. Khó ngờ rằng, trên miền quê đầy sức sống hôm nay chỉ mới hơn bốn mươi năm trước là vùng chiến địa ác liệt. Ông K’Wẩn, Phó Bí thư Đảng ủy và ông K’Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Điền dẫn chúng tôi lên khu đồi nhỏ có nhà bia tưởng niệm. Tấm bia đá tri ân 16 liệt sĩ, những cái tên K’Biền, K’Khối, K’Biều, K’Măng Yệu…những người con Cơ Ho Sơn Điền sáng mãi anh linh giữa núi rừng vì độc lập, tự do.

Trước nhà bia tưởng niệm, chúng tôi cùng trở về ngày tháng cũ, những tháng ngày đã dựng nên chân dung một Sơn Điền đã được công nhận đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1994. Lịch sử cách mạng tỉnh Lâm Đồng ghi lại, từ năm 1942, đồng bào xã Sơn Điền đã đứng lên chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai khi chúng âm mưu bắt xâu, bắt lính. Họ đã góp sức cùng cán bộ cách mạng xây dựng căn cứ kháng chiến Mang Yệu - Chi Lan. Từ năm 1947, xã đã có một đội du kích đến 40 tay súng. Dưới sự dẫn dắt của tổ chức, đội du kích lưng trần đã làm nhiệm vụ trừ gian, diệt ác, bảo vệ căn cứ. Du kích Sơn Điền đã phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh tập kích đồn Gia Bát vào đêm 7-4-1954, tiêu diệt 111 tên địch trong đó có hai sĩ quan Pháp; phối hợp chặn đánh đoàn xe quân sự của địch trên dốc Nao Sẻ. Cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, du kích Sơn Điền cũng nổi tiếng khi tự tổ chức trận phục kích ở buôn B’Rang, diệt 47 tên địch đi càn. Thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Sơn Điền là một trong những chiếc nôi của phong trào cách mạng. Những cán bộ của Khu 6 như Tám Cảnh, Ma Hương… đã bám đất, bám dân, phát triển căn cứ. Năm 1957, Sơn Điền đã có một chi bộ năm đảng viên; một chi đoàn thanh niên giải phóng 30 đoàn viên; hai trung đội du kích tập trung gồm 60 người và hai trung đội du kích thôn buôn có 120 tay súng. Nhân dân Sơn Điền cũng góp 71 người con vào quân giải phóng…

Thời chiến tranh gian khó, đồng bào chắt chiu từng hạt bắp, sẻ chia từng bó rau với cán bộ cách mạng. Dù bom cày đạn xới, người dân vẫn hăng say sản xuất để nuôi bộ đội, du kích đánh giặc. Hòa bình về, những người dân Cơ Ho chỉ quen chọc lỗ tra hạt, sống bám vào rừng, du canh du cư đã theo lời Đảng, định canh, định cư, lập vườn hộ, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm để ổn định đời sống. Hồi kháng chiến, các cán bộ cách mạng hứa rằng, hòa bình sẽ trở lại xây dựng đường sá, cấp điện, trường học và trạm y tế… cho dân. Đúng như lời hứa, những thứ ấy bây giờ đều có cả rồi. “Nhìn cảnh đổi thay mà thấy cái bụng rất vui” - ánh mắt nữ cựu dân công Ka Măng sáng lên khi nói với tôi. Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn của các chương trình, sự nỗ lực của tỉnh, của huyện, bộ mặt xã Anh hùng Sơn Điền không ngừng khởi sắc. Cùng với mầu xanh của những vườn cà-phê, của ruộng lúa và cánh rừng đã được giao khoán quản lý bảo vệ là những công trình kết cấu hạ tầng xây dựng khá bề thế, kiên cố. Trung tâm xã sáng mầu ngói mới bởi cụm công trình: trụ sở ủy ban, bưu điện văn hóa, trạm truyền thanh, và nhà văn hóa. Hệ thống trường học và trạm y tế khang trang. Công trình thủy lợi bảo đảm tưới tiêu cho diện tích canh tác toàn xã. Sử dụng từ mười mấy năm trước, con đường lớn từ quốc lộ 28 nối với Sơn Điền dài hơn mười cây số là mơ ước bao đời của người dân vùng sâu cách biệt này.

Trò chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Điền K’Wẩn luôn nói đến quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị và bảo đảm lưu thông nông sản. “Vào thực tế mới biết là quá nhiều khó khăn, có cái khó từ khách quan mang lại, nhưng khó nhất chính là tạo nên những đột phá trong tư duy của đồng bào vốn quen lối làm ăn kiểu cũ”, ông K’Wẩn nói. Một thành công rõ nét, Sơn Điền chính là địa phương dân tộc thiểu số Cơ Ho đầu tiên trong toàn tỉnh canh tác thành công cây lúa nước. Hiện tại, xã đã có hơn 100 ha lúa nước canh tác từ một đến hai vụ hoàn toàn bằng các giống mới. Đồng bào cũng có gần 400 ha cà-phê đang cho thu hoạch và hơn 60 ha trồng bắp thương phẩm. Trâu, bò, heo và dê đã có hàng nghìn con. Hơn 200 hộ dân nhận 6.000 ha rừng trên địa bàn để quản lý bảo vệ. Phó Chủ tịch UBND xã K’Xuân cho biết: “Dân chưa giàu, người nghèo vẫn còn nhưng thật sự không còn hộ đói nữa, có nhiều hộ thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm”.

Rời Sơn Điền, từ triền núi Rơ Nha, tôi nhìn ngược về miền đất anh hùng trong kháng chiến nay đang bừng lên sắc mới. Trong tiếng gió như nghe đâu đó hơi thở thật sâu, thật lắng, thật tràn đầy của đại ngàn thăm thẳm. Những người con núi rừng Tây Nguyên bao đời vẫn thế, can trường, bền bỉ bám bàn chân trần lên vách đá chênh vênh, sườn núi trập trùng, rừng sâu hiểm nguy để viết nên giai điệu những bản hùng ca.