Không phải là Tết nào, mà đón Tết như thế nào?

Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới còn giữ tục lệ đón Tết theo lịch mặt trăng (âm lịch). Chính vì thế, không phải không có lý do khiến cho cuộc tranh luận quanh đề nghị bỏ Tết âm lịch, chỉ ăn Tết dương lịch cứ đến hẹn lại nóng vào mỗi dịp cuối năm.

Hoa đào Nhật Tân khoe sắc rực rỡ những ngày áp Tết. Ảnh: LAO ĐỘNG
Hoa đào Nhật Tân khoe sắc rực rỡ những ngày áp Tết. Ảnh: LAO ĐỘNG

Lịch nghỉ Tết năm 2017 vừa được Chính phủ thông báo, theo đó, dịp Tết âm lịch, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, sự nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội sẽ được nghỉ bảy ngày liên tục, từ 26-1 đến ngày 1-2 (tức từ ngày 29 tới mùng 5 Tết). Tính ra trong năm 2017, người lao động được nghỉ lễ, Tết tổng cộng 18 ngày. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam là nước có số ngày nghỉ ở mức trung bình. Chẳng hạn như, lao động tại Nhật Bản được nghỉ 18,5 ngày lễ, Tết trong năm, dù nước này đã chuyển sang ăn Tết theo dương lịch kể từ năm 1873.

Quanh những tranh luận về giữ hay bỏ Tết âm lịch, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, nói Tết cổ truyền làm tăng giá tiêu dùng, đình đốn sản xuất không hẳn là chính xác. Ông Cung phân tích, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2016 - tháng giáp Tết Nguyên đán Bính Thân - không đổi so với tháng liền trước (12-2016). Tiếp đó, CPI tháng 2, tháng có Tết, chỉ tăng nhẹ 0,42% so với tháng trước. Trước đó, năm 2015, dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Mùi kéo dài, CPI tháng Tết (tháng 2) thậm chí còn giảm 0,05% so với tháng trước. Tháng trước Tết (tháng 1), CPI âm (giảm 0,2%), so với tháng trước - mức tăng thấp nhất trong các tháng 1 từ khi Việt Nam bắt đầu tính CPI từ năm 1998 trở lại đây.

“Tôi nghĩ việc nghỉ đón năm mới lệch ngày không ảnh hưởng quá lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Còn với mỗi doanh nghiệp, cá nhân, trong điều kiện in-tơ-nét đã phát triển như hiện nay, hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp công việc sao cho thuận tiện nhất”,-TS Nguyễn Đình Cung nói và dẫn chứng việc hoàn toàn có thể đăng ký kinh doanh, tiến hành giao dịch cũng như làm rất nhiều việc từ bên ngoài văn phòng một cách hiệu quả nhờ kết nối mạng. Với những công việc thuộc loại không thể làm trong văn phòng, như chăm sóc cây lúa, thì đây lại chính là thời gian cho đất nghỉ ngơi và chuẩn bị cho vụ xuân - hè…

Quả thật, sự “lệch pha” về thời gian nghỉ cũng không phải là cá biệt như tại Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po, người dân ăn mừng năm mới tới bốn lần (tùy theo lịch Hindu, lịch Hồi Giáo, lịch Thái Âm Thái Dương và lịch Thái Dương). Tại Thái-lan, Cam-pu-chia, Lào người dân ăn Tết theo Phật lịch, từ ngày 13 đến ngày 15-4 (dương lịch), tùy năm. Tại đảo Ba-li ở In-đô-nê-xi-a ngoài Tết dương lịch ra người dân còn ăn Tết theo lịch tôn giáo của địa phương. Tại Ấn Độ, Tết diễn ra vào ngày 14-4 (dương lịch)…

Đó là chưa kể một khía cạnh xã hội cũng rất đáng quan tâm khác: hiện nay có rất nhiều người lập nghiệp ở xa cần về thăm quê, đoàn tụ gia đình. Thời gian đi tàu xe đã hơn ba ngày cho cả đi lẫn về. Không phải ngẫu nhiên mà dịp Tết âm lịch thường được gọi là “cuộc đại di cư ngắn hạn” và vé tàu, xe Tết từ năm này sang năm khác vẫn là câu chuyện làm cho nhiều người mệt mỏi.

Vấn đề, có lẽ, chỉ còn là tinh thần, thái độ của người lao động trước, trong và sau dịp này. Trước Tết, là biếu xén, lễ lạt tạ ơn. Trong Tết thường phát sinh tệ nạn nhậu nhẹt, cờ bạc. Rồi chây ỳ, uể oải khi đến cơ quan sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Nhiều khu công nghiệp khốn đốn vì tình trạng lao động bỏ việc sau mỗi kỳ nghỉ Tết.

Nhưng điều đó có phải lỗi tại Tết không? Tại sao Xin-ga-po vẫn nghỉ Tết Nguyên đán mà năng suất lao động của người dân Đảo quốc Sư tử vẫn gấp khoảng 20 lần người lao động Việt Nam?

Còn nhớ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ cuối cùng của năm dương lịch 2016: “Tết này, các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, Phó Thủ tướng nữa. Kinh nghiệm ở địa phương cho thấy, Tết nhất là lo ngay ngáy quà Tết biếu Trung ương. Không tới thì băn khoăn, tới thì xếp hàng khổ cực. Làm được vấn đề này thì nhẹ nhàng cho tất cả các đồng chí”.

Thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ muốn nhắn gửi thật sự đã rất rõ: đã đến lúc phải thay đổi thói quen đón Tết lâu nay, cụ thể là bỏ đi những tốn kém, hình thức, tiêu cực. Làm được như vậy thì nghỉ Tết dương hay âm không còn là vấn đề đáng bàn cãi nữa.