Không lơ là, chủ quan trước bệnh bạch hầu

Ngày 8-7-2020, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 862/CÐ-TTg yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu. Xuất hiện ở bốn tỉnh Tây Nguyên, căn bệnh bạch hầu hiện có nhiều điểm khác biệt so các năm trước như số ca mắc gấp ba lần, bệnh xuất hiện ở nhiều nơi hơn, bệnh nhân mọi lứa tuổi không chỉ trẻ em. Ðặc biệt, tỷ lệ tử vong do căn bệnh này hiện khá cao.

Khám sàng lọc bệnh bạch hầu ở nơi xuất hiện dịch tại Xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngô Duyên
Khám sàng lọc bệnh bạch hầu ở nơi xuất hiện dịch tại Xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngô Duyên

Cảnh báo về đối tượng yếu thế nhất

Trường hợp bệnh nhân H’Buôn Jê, nữ, sinh năm 1968, người MNông ở xã Bông Krang, huyện Lăk, Ðắk Lắk được xác định dương tính với bạch hầu ngày 7-7, là ca đầu tiên của tỉnh này. Bác sĩ (BS) Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Ðắk Lắk cho biết, chính quyền địa phương đã khoanh vùng cách ly 400 người dân trong buôn Diêo - nơi bệnh nhân sinh sống. 13 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, là chồng và con cháu, đã được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

“Nơi xuất hiện ca bệnh nằm ở vùng lõm trong tiêm chủng vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập tổ công tác lưu động phòng, chống dịch, khi cần có thể triển khai đến các địa bàn có nguy cơ cao để thực hiện “4 cùng”, hướng dẫn nhân viên y tế và người dân chống dịch theo cách cầm tay chỉ việc”, BS Nay Phi La cho biết.

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm 2020 tới ngày 7-7, khu vực Tây Nguyên ghi nhận 63 ca bạch hầu, tăng thêm 10 ca so với một ngày trước đó, tập trung tại bốn tỉnh: Ðắk Nông (25 ca), Kon Tum (22 ca), Gia Lai (15 ca) và Ðắk Lắk (1 ca). Phần lớn trường hợp mắc bệnh trước đó không được tiêm vắc-xin phòng bạch hầu đủ mũi, đúng lịch. Về ba trường hợp tử vong gần đây, Bộ Y tế cho hay, các bệnh nhân đều ở vùng sâu, là ca xuất hiện lần đầu tại địa phương sau 16 năm, và được phát hiện muộn nên bị biến chứng do bạch hầu.

Lý giải về nguyên nhân xuất hiện các ổ dịch căn bệnh này, theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân, thực tế trong thời gian qua tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin phòng bạch hầu (dưới dạng phối hợp DPT-VGB-Hib) chưa cao, nhất là tại những địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, khiến cho các chủng vi khuẩn bạch hầu có độc tố lưu hành trong cộng đồng.

Ngoài ra, với nhóm người lớn và trẻ lớn, nếu đã tiêm vắc-xin bạch hầu khi còn nhỏ tuổi thì miễn dịch phòng bệnh nếu có cũng giảm dần theo thời gian. Do vậy, có những trường hợp vẫn có thể mắc bệnh bạch hầu, mặc dù đã tiêm đủ ba mũi trước một tuổi. “Những trường hợp không tiêm vắc-xin, hoặc tiêm chủng chưa đủ số mũi phòng bệnh cơ bản sẽ không có, hoặc không đủ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu, trở thành đối tượng yếu thế nhất trong cộng đồng khi có dịch xảy ra”, chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh.

Cấp bách tiêm chủng trên diện rộng

Một nội dung quan trọng được nêu trong Công điện số 862/CÐ-TTg đó là xác định rõ địa bàn, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh; tổ chức tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho các nhóm đối tượng, nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên…

Tại Việt Nam, vắc-xin bạch hầu được triển khai từ năm 1985, tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng (sơ sinh đến dưới 60 tháng tuổi), như vậy nhóm người lớn tuổi hơn chưa được tiêm chủng vắc-xin bạch hầu. Chính vì vậy, giới chuyên gia nhận định không chỉ Tây Nguyên mà tại các địa phương  khác đều có nguy cơ xuất hiện bạch hầu.

Không lơ là, chủ quan trước bệnh bạch hầu -0
 

Do đó, trước mắt, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắc-xin cho trẻ em tại các tỉnh Tây Nguyên và hai tỉnh có nguy cơ cao là Quảng Nam, Quảng Ngãi để ngăn chặn bệnh. Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, từ ngày 10-7, Bộ Y tế sẽ tổ chức phát động Chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng phòng, chống bệnh, trong đó có bạch hầu, để huy động sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh.Trước đây, Bộ Y tế dự định triển khai chiến dịch này vào quý I -2020 cho toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên. Trong đó, trẻ 2-4 tháng tuổi tiêm vắc-xin 5 trong 1, trẻ 18-22 tháng tuổi, trẻ 5-7 tuổi tiêm vắc-xin 3 trong 1 do Việt Nam sản xuất, người lớn sẽ tiêm vắc-xin Td (ngừa bạch hầu - uốn ván giảm liều, với liều bằng một phần năm của trẻ em). Trong năm nay, dự án Tiêm chủng mở rộng sẽ tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu (Td) phòng bệnh bạch hầu cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh, thành phố, dự kiến số lượng là hơn một triệu trẻ em. “Ðây là việc cấp bách. Phải tiêm diện rộng mới giải quyết được bài toán bạch hầu”, ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Hội Y học dự phòng Việt Nam đều khuyến cáo lịch tiêm nhắc vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván trong những độ tuổi như 4-7 tuổi, 9-12 tuổi và mỗi 10 năm một lần sau liều tiêm cuối cùng. Trong trường hợp không nhớ đã được chích ngừa vắc-xin phòng bạch hầu hay chưa thì vẫn có thể tiêm vắc-xin. Về điểm này, ThS Nguyễn Hiền Minh, Phó Giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC lưu ý, thực trạng người lớn ít tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, đã tạo nên khoảng trống để mầm bệnh xâm nhập lại. ThS Minh đề xuất, cần rà soát lại chương trình tiêm chủng của người dân. Bên cạnh việc cơ quan y tế thực hiện các chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ nhỏ dưới bảy tuổi miễn phí, cần khuyến cáo người dân đưa trẻ và cả người lớn đi tiêm vắc-xin phòng bệnh, vì vắc-xin có hiệu quả giảm theo thời gian nên ngay cả đã tiêm rồi cũng có thể không còn miễn dịch sau nhiều năm.

Một điều quan trọng nữa, ngành y tế, chính quyền địa phương cần khẩn cấp tổ chức tập huấn cán bộ y tế ở địa bàn có dịch, lập các tổ công tác điều trị “nằm vùng”, rà soát lại phác đồ điều trị, chuẩn bị đầy đủ thuốc men phòng, chống dịch. Hãy bắt tay chống dịch với tinh thần không lơ là, chủ quan, bởi những năm gần đây, ở nhiều địa phương, cơ sở y tế, bệnh bạch hầu dường như “bị lãng quên”.

Bạch hầu là bệnh lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh. Bệnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh (có thể gây viêm cơ tim, suy tim, ngừng tim, suy thận, suy gan… do độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây  ra).