Hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10)

Không để người dân ở ngoài cuộc!

Liên tiếp các vụ cháy nổ nghiêm trọng xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố gây tổn hại lớn không chỉ về vật chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ðã có những cái chết thương tâm xảy ra, có những nạn nhân đánh mất sức lao động… Ðừng để hỏa hoạn trở thành mối họa rơi vào ai người ấy chịu. Mỗi người hãy hành động để bảo vệ mình và có trách nhiệm hơn với cộng đồng.

Hiện trường vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Ảnh: Hoàng Ngân
Hiện trường vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông. Ảnh: Hoàng Ngân

Sống chung với hiểm họa

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn Hà Nội đã xảy nhiều vụ cháy lớn mà mức độ nghiêm trọng của nó sẽ còn phải được nhắc đến nhiều lần. Ðiển hình là vụ cháy tại khu nhà xưởng trên phố Ðại Linh, phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), khiến tám người chết; vụ cháy Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Ðông trên phố Hạ Ðình (quận Thanh Xuân), ước tính thiệt hại hơn 150 tỷ đồng. Gần hơn là vụ cháy tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, cháy nhà ở khu tập thể Kim Liên; cháy nhà trên phố Ðặng Dung.

Nguyên nhân để xảy ra cháy là do ý thức, trách nhiệm cũng như kiến thức phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của người dân chưa cao; còn vi phạm quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh như sang, nạp gas trái phép, tàng trữ chất cháy, nổ, tổ chức kinh doanh sai quy định... Hơn thế, thực hiện Nghị quyết số 05/2017/NQ-HÐND (ngày 4-7-2017) quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện có hơn 1.100 cơ sở không bảo đảm yêu cầu. Trong đó có 347 cơ sở trường học; 372 nhà chung cư, nhà tập thể; gần 30 bệnh viện; 198 xưởng sản xuất, nhà kho. Riêng địa bàn quận Thanh Xuân có tới 143 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC. Trong khi đó, Ban Pháp chế HÐND thành phố Hà Nội cho biết, phần lớn các đơn vị đang gặp lúng túng trong khảo sát, xây dựng phương án khắc phục những thiếu sót đã diễn ra.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), cho biết: Hiện nay rất nhiều cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC như không có hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động; nguồn nước phục vụ chữa cháy thiếu; lực lượng chữa cháy tại chỗ hoạt động kém hiệu quả, khi xảy ra cháy lúng túng, để cháy lan, cháy lớn mới báo cho lực lượng Cảnh sát PCCC, dẫn đến khó khăn cho công tác chữa cháy; trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị, cơ sở đối với công tác PCCC chưa cao.

Ðồng quan điểm ấy, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, chia sẻ: Một phần công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC chưa được chú trọng. Trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCCC các đối tượng được quy định rõ tại Luật PCCC. Tuy nhiên, nhiều người lại khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Ở một số khu dân cư có phối hợp với Công an phường để tuyên truyền qua các buổi họp tổ dân phố, nhưng số lượng tham gia không đầy đủ, hiệu quả không cao.

Nhiều chuyên gia còn khuyến nghị, có tình trạng quy định chồng chéo làm khó cho quá trình thực thi. Theo Nghị định 79 của Chính phủ ban hành năm 2014, những đối tượng, cơ sở thuộc mục 1, mục 2 của nghị định này cho phép lực lượng PCCC kiểm tra bốn lần/năm. Tuy nhiên, đến năm 2017, Chính phủ ra Chỉ thị 20 chỉ cho phép cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra không quá một lần/năm đối với doanh nghiệp. Sự vênh nhau này khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra PCCC, xử lý đơn vị sai phạm gặp khó khăn.

Thêm nữa, theo như đại diện Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy, hiện nay việc sáp nhập các đơn vị Cảnh sát PCCC hướng tới tinh gọn đang gây khó khăn cho công tác này, như việc phân cấp nhiệm vụ đang gây chồng chéo, quá tải. Thí dụ một chiến sĩ trước đây quản lý khoảng 100 cơ sở thì nay phải quản lý vài trăm cơ sở. Ðại diện Trường đại học Phòng cháy, chữa cháy cũng cho biết, vào tháng 11 tới sẽ kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số quy định trong Luật PCCC như cụ thể hóa quy định về việc phối hợp giữa các đơn vị từ cấp phường, xã, quận, huyện và các lực lượng tại chỗ; xây dựng chế tài về việc xử phạt khi không thực hiện cam kết trong xây dựng phải nghiêm; tạo cơ chế để công tác đào tạo theo kịp nhu cầu thực tế…

Ðồng bộ các giải pháp

“Bà Hỏa” đi cùng nỗi hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ ở đâu, thời điểm nào. Nói về nguy cơ cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng trong khu vực đô thị, nhiều kiến trúc sư (KTS) ở Hà Nội nhìn nhận, đó là cái giá đắt phải trả cho sự bất cập trong công tác quy hoạch đô thị. Dồn nén những khu chung cư cao tầng trong lõi đô thị đẩy mật độ dân số tăng cao, hạ tầng không đáp ứng, đường sá thường xảy ra tắc.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam đưa ra một phân tích làm rõ thêm nguyên nhân của việc khó khăn trong chữa cháy khu vực đô thị cũ. Ðó là do phố quá nhỏ, phương tiện chữa cháy di chuyển khó khăn. Ông Tùng đưa ra khuyến nghị, nên có thêm quy định đối với các công trình xây dựng như, công trình phải có nhiều cửa. Các tầng đều phải có lối mở ra ngoài, không nên chỉ có một lối ra - vào duy nhất như phần lớn nhà ống hiện nay. Nhà ở riêng lẻ, nếu sử dụng khung sắt để chống trộm đột nhập, cũng cần để một khoảng đóng mở được. Cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng các chung cư cao tầng, cần quy định rõ về việc đầu tư mở đường có chiều ngang đủ rộng để xe cứu hỏa có thể di chuyển thuận tiện khi xảy ra hỏa hoạn.

Tuy nhiên, muốn giải quyết được một cách căn cơ việc PCCC, sẽ cần đến những giải pháp đồng bộ, trong đó cần phải đưa được người dân vào chủ thể của việc PCCC. Thay vì chỉ dồn trách nhiệm lên cơ quan chức năng, ngay chính người dân, các cơ quan, đơn vị cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong PCCC, hợp tác và đồng hành cùng lực lượng chức năng trong việc đẩy lùi sự hoành hành của “bà Hỏa”.

Theo khảo sát của chúng tôi, ngay tại các chung cư cao tầng, khu tập thể, kho bãi của các doanh nghiệp, vẫn còn tình trạng để hàng hóa, vật tư chặn lối thoát nạn. Hệ thống PCCC tại chỗ ở nhiều nơi không được chú trọng nên kém hiệu quả, thậm chí có nơi còn tê liệt, không thể hoạt động được. Là người trực tiếp tham gia nhiều vụ cứu hỏa, Ðại úy Nguyễn Văn Ðại, Phó đội trưởng PCCC (Công an quận Hoàn Kiếm), kiến nghị: Các cơ sở kinh doanh, nhà xưởng cần bố trí, sắp xếp hàng hóa, vật tư, vật liệu sao cho bảo đảm an toàn PCCC và bảo đảm nếu có cháy xảy ra cũng không bị cháy lan nhanh. Hệ thống điện phải có đầy đủ hệ thống thiết bị đóng ngắt cầu dao, aptomát tổng, từng nhánh, từng cụm khu vực và từng bộ phận; quản lý chặt chẽ việc cung ứng và sử dụng điện; nếu hệ thống thiết bị điện không an toàn thì phải khắc phục sửa chữa ngay.

Mấu chốt của PCCC vẫn nằm ở yếu tố con người, phương tiện, chế độ chính sách hợp lý để bảo đảm ứng phó tốt nhất trong tình huống bất ngờ.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, trong chín tháng năm 2019, cả nước xảy ra hơn 3.059 vụ cháy, làm chết 75 người và làm bị thương 99 người; thiệt hại về tài sản khoảng 1.171,24 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2018: Số vụ cháy tăng 414 vụ, tương đương 15,7% (3.059/2.645 vụ), số người chết tăng năm người, tương đương 7,1% (75/70 người), bị thương giảm 51 người, tương đương 34% (99/150 người).