Không chủ quan trước động đất

Trong hai ngày 21 và 25-11, động đất xảy ra tại tỉnh biên giới Sayaboury (Lào) và huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) đã khiến Hà Nội bị dư chấn. Cư dân một số tòa nhà cao tầng cảm nhận rung lắc rõ rệt. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, người dân không nên quá lo lắng. Song, cũng không được chủ quan trong ứng phó, đặc biệt cần bảo đảm các công trình xây dựng phải tuân thủ chặt chẽ quy định kháng chấn.

Hà Nội còn những chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, thiếu an toàn nếu xảy ra động đất từ cấp 4 đến 5 độ richter.
Hà Nội còn những chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, thiếu an toàn nếu xảy ra động đất từ cấp 4 đến 5 độ richter.

Nguy cơ từ các chung cư cũ

Trao đổi ý kiến với Nhân Dân cuối tuần, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho hay, nguyên nhân các trận động đất vừa rồi là do hoạt động của hệ thống đứt gãy tầng địa chất ở khu vực đó. Ngay khi nhận được tin ở Trùng Khánh (Cao Bằng) xảy ra động đất nhẹ, ông đã tham gia đoàn kiểm tra. Tại một số điểm, có xảy ra đá lở đè bẹp một chiếc ô-tô, làm nứt một số nhà cấp 4. Hai trận động đất đã gây ra hiện tượng rung lắc ở nhiều tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và một số khu vực ở Hải Phòng. Ông Xuân Anh cho biết thêm: “Ở những khu vực nền đất yếu thì rung lắc rõ hơn. Song, với mức độ của những trận động đất vừa rồi chưa gây ảnh hưởng tới công trình xây dựng ở Hà Nội”.

Nhìn lại trong lịch sử, từ năm 1968 từng xảy ra động đất ở Bắc Giang, năm 1989 ở Hòa Bình, năm 1996 xảy ra ở Điện Biên, năm 2005 xảy ra ở Hà Giang và Nghệ An. Từ năm 2006, Bộ Xây dựng đã xây dựng Quy định tiêu chuẩn xây dựng (TCXDVN 375:2006). Cho đến năm 2012, Bộ Xây dựng chuyển đổi thành Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế công trình chịu động đất (TCVN 9386:2012) do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) biên soạn. Mọi công trình xây dựng đều phải tuân thủ quy định này.

Trước câu hỏi công trình xây dựng của Hà Nội có thể chịu được động đất mức độ nào, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) trả lời, một số khu vực của Hà Nội nằm trong vùng động đất cấp 8, tính theo thang MSK-64 tương đương 6 - 6,8 độ richter. Tuy nhiên, các công trình xây dựng gần đây đều tính toán thiết kế, thi công với kháng chấn tương đương cấp 7, 8 richter.

Chung chia sẻ ấy, TS Nguyễn Đại Minh, Viện trưởng Khoa học công nghệ xây dựng, bày tỏ, Bộ Xây dựng có những quy định bắt buộc các công trình xây dựng phải tuân thủ để bảo đảm an toàn. Trên thực tế, dựa vào bản đồ phân vùng động đất, từng công trình được tính toán và thiết kế chịu tác động của động đất với xác suất lớn hơn, để bảo đảm an toàn và hạn chế thiệt hại. Nhưng điều đáng lo ngại lúc này là các công trình xây dựng cũ, chung cư cũ được xây lắp ghép từ năm 1990 trở về trước đã xuống cấp, thậm chí cấp độ nguy hiểm (D) vẫn đang tồn tại. Nếu xảy ra động đất với cường độ 4 đến 5 độ richter có thể gây sụp đổ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, toàn thành phố có hơn 1.500 chung cư cũ. Phần lớn đang có hiện tượng sụt lún, xuống cấp khá nghiêm trọng. Không ít chuyên gia cảnh báo, chưa kể đến động đất, khi trời mưa, nước ngấm vào tường dẫn đến mủn tường và các mối ghép cũng dễ khiến các chung cư (cấp độ D) đổ sập. Điều này đòi hỏi quá trình cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội cần phải được đẩy nhanh hơn nữa.

Câu hỏi treo về giám định chất lượng?

Không thể chủ quan trước những diễn biến của động đất, nhưng giải pháp cho việc ứng phó với tác động của động đất vẫn còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm, chế tài cụ thể. Lúc này trách nhiệm đặt lên vai các cơ quan chức năng là phải tiến hành cả việc cải tạo chung cư cũ, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định TCVN 9386:2012 của các tòa nhà chuẩn bị được đầu tư xây dựng và kiểm tra, nghiệm thu các công trình đã hoàn thành ở tất cả các đô thị. Ở đây cũng cần phải lưu ý rằng, giám định công trình xây dựng cần phải được làm minh bạch và công khai hơn nữa. Làm sao để người mua nhà có thể biết được công trình này có bảo đảm các quy định về kháng chấn hay không? Sự xuống cấp của không ít các tòa nhà đã cho thấy mối nguy khi mà việc thiết kế, xây dựng, giám sát không chặt chẽ, nảy sinh tình trạng ăn bớt nguyên vật liệu, công đoạn… để giảm giá thành xây dựng hoặc trục lợi cá nhân. Vì thế, TS Nguyễn Xuân Anh khẳng định: “Với dư chấn động đất, cần nhớ phòng hơn chống. Điều đó đòi hỏi, cơ quan chức năng phải càng phải đánh giá công trình, nghiệm thu công trình một cách chặt chẽ, không thể làm qua quýt”.

Nhấn mạnh giải pháp chính là việc tuân thủ quy định kháng chấn, TS Đỗ Tiến Thịnh, Phó giám đốc Viện Chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng, chỉ ra: “Đối với các tòa nhà cao tầng, kết cấu của cọc, móng, cột, dầm phải được tuân thủ tuyệt đối quy chuẩn quốc gia, vì đó là phần gánh lực cho tòa nhà”. Tuy nhiên, khi được hỏi việc kiểm tra tuân thủ của các công trình, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng chỉ cho biết: “Về cơ bản các công trình tuân thủ quy định”.

Nhìn nhận vào thực tế, dù nước ta chưa phải gánh chịu những hậu quả lớn của động đất, nhưng không được phép chủ quan, lơ là. Bởi như TS Nguyễn Đại Minh cảnh báo: “Thiên tai, động đất đôi khi vượt xa khỏi tầm kiểm soát của con người. Vì thế những tiến bộ trong xây dựng phải được bảo đảm thực thi để có thể bảo vệ tốt nhất được con người và tài sản, công trình”.

Hiện nay, Viện Khoa học công nghệ xây dựng đang tích cực tiến hành rà soát, biên soạn lại Tiêu chuẩn quốc gia về thiết kế công trình chịu động đất (TCVN 9386:2012) cho phù hợp với thực tế. TS Nguyễn Đại Minh, thổ lộ: “Chúng tôi đang làm nghiên cứu, thí nghiệm giả sử xảy ra động đất cấp độ 7, 8 tại Hà Nội thì điều gì sẽ xảy ra. Từ đó có thêm thông số để có những cảnh báo cho người dân và kiến nghị giải pháp tới các cơ quan chức năng”.

Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai

Viện Vật lý địa cầu, với 31 trạm quan trắc quốc gia vật lý địa cầu, chuẩn bị tiến hành nghiên cứu việc phân vùng rủi ro thiên tai, sóng thần, động đất trên cả nước, phục vụ cho công tác cảnh báo. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, kết quả nghiên cứu sẽ đưa ra được bản đồ rủi ro để giúp các cơ quan quản lý có những giải pháp giúp người dân hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.