Khoanh vùng, dập dịch cúm A/H5N6

Cùng thời điểm cả nước phải căng mình phòng, chống dịch Covid-19, thì dịch cúm gia cầm A/H5N6 đang hoành hành trên đàn gia cầm tại năm tỉnh, thành phố. Người chăn nuôi đang gặp khó khăn, song lúc này là thời điểm phải chung tay, chủ động hơn trong phòng, chống dịch, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại.

Gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: NGÔ BÌNH
Gia cầm mắc bệnh phải tiêu hủy gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Ảnh: NGÔ BÌNH

“Thủ phạm” là sự chủ quan, lơ là

Giữa tháng 2, gặp ông Nguyễn Văn Ngọ, chủ trang trại tại thôn Lai Thịnh, xã Tân Khang, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) khi ông vẫn đang tìm cách giữ đàn gia cầm còn lại khỏi lây nhiễm. Khuôn mặt ông bần thần, “tiếc đứt ruột” vì đã phải tiêu hủy 900 gà nhiễm A/H5N6. Ông Ngọ chia sẻ: “Ðàn vịt đẻ 300 con của gia đình tôi được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cúm gia cầm thì không có triệu chứng của bệnh. Do nuôi tách riêng biệt, chưa có dấu hiệu ốm chết, nên hiện vẫn đang được theo dõi sát sao”.

Ðược biết, ngày 2-2, trại chăn nuôi của ông Ngọ xuất hiện gia cầm ốm, chết. Ðến ngày 4-2, sau khi có kết quả mẫu bệnh phẩm dương tính với vi-rút cúm A/H5N6, 900 con gà của gia đình ông chuẩn bị đến ngày xuất bán đã phải tiêu hủy. Ðiều đáng nói, đàn gia cầm này ông mua trôi nổi lúc mới được hơn 30 ngày tuổi, chưa được tiêm phòng các loại vắc-xin. Ðến nay, sau gần nửa tháng, dịch cúm A/H5N6 đã xuất hiện tại 25 hộ chăn nuôi, 10 thôn, bảy xã, năm huyện của tỉnh Thanh Hóa bao gồm Nông Cống, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Như Xuân, TP Thanh Hóa khiến nhiều gia cầm mắc bệnh. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy hơn 37 nghìn con gia cầm (gồm cả ngan, gà, vịt).

Nguyên nhân của đợt dịch này, theo ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khang (Nông Cống), là do người dân chủ yếu nuôi gia cầm thương phẩm, thời gian xuất bán sớm và chủ quan không tiêm phòng các loại vắc-xin cúm gia cầm. Thêm nữa, thói quen mua con giống trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dịch bệnh.

Tại Hà Nội, vùng chăn nuôi gia cầm lớn nhất trên cả nước, với hơn 31 triệu con cũng đang phải đối mặt với nguy cơ dịch cúm lan rộng. Ngày 3-2, đàn vịt thương phẩm gần 2.400 con của hộ ông Nguyễn Văn Sơn ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ có hiện tượng cổ lệch, bỏ ăn, sốt cao, đầu sưng và đã chết 385 con. Dịch đã lan sang ba hộ chăn nuôi cùng thôn. UBND huyện Chương Mỹ đã phải tiêu hủy hơn 6.800 con vịt của các hộ. Ngay sau đó, cơ quan Thú y Hà Nội đã phối hợp địa phương lập chốt kiểm dịch ngăn không cho vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm ra khỏi xã có dịch.

Ông Nguyễn Ðình Ðảng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, vùng chăn nuôi của Chương Mỹ khá thấp, mầm bệnh lưu cữu lâu ngày, khi mua vịt về, các hộ chưa tiêm phòng cúm nên khả năng đề kháng thấp, cộng với thời tiết bất thuận nên dễ phát sinh bệnh.

Tính đến thời điểm giữa tháng hai này, tại tỉnh Nghệ An, dịch cúm A/H5N6 đã bùng phát tại bốn điểm, tổng số gia cầm phải tiêu hủy là hơn 7.000 con. Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Hiện cả nước có năm tỉnh, thành phố ghi nhận các ổ dịch cúm A/H5N6: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An, riêng Trà Vinh đang có dịch A/H5N1. Nguyên nhân được xác định là có sự lơ là, chủ quan của chính các hộ chăn nuôi, không tuân thủ quy định của ngành thú y về tiêm phòng dịch, không thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng thường xuyên nên trong điều kiện thời tiết mưa phùn, ẩm, mầm dịch đã quay lại.

Cảnh báo bán tháo gia cầm ủ bệnh!

Ðể đối phó với dịch bệnh trên đàn gia cầm, không để bị động trước dịch cúm với nguyên tắc “phòng hơn chống”, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã cấp hơn 1,2 triệu liều vắc-xin cúm A/H5N6, 8.500 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và 11 tấn vôi cho các huyện bị dịch. Ðến ngày 17-2 các huyện xảy ra dịch đã tiêm hết lượng vắc-xin được cấp. Ngoài tiêm phòng bao vây dập dịch, các địa phương đang tập trung lực lượng vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại, đường làng, ngõ xóm tại các thôn có dịch hai ngày một lần, các thôn chưa có dịch tiêu độc ba ngày một lần. Ông Nguyễn Viết Thái, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thanh Hóa cho biết, qua các cuộc họp và kiểm tra tình hình dịch bệnh, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương căn cứ Luật Thú y để xử lý nghiêm những trường hợp không chịu tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc cho vật nuôi. Trong vùng dịch, nếu phát hiện gia cầm ốm chết, khi có biên bản chẩn đoán bệnh của ngành thú y, phải tiêu hủy ngay, không cần xét nghiệm. Các chốt, gác duy trì hoạt động 24/24 giờ.

Tại thành phố Bắc Ninh, cơ quan chức năng yêu cầu, công tác kiểm soát, nắm bắt đến từng hộ nuôi, không để dịch lan rộng là nhiệm vụ cấp bách. Cơ quan chuyên môn thành phố Bắc Ninh cũng đã triển khai đến tất cả các phường thực hiện tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường chăn nuôi, tụ điểm buôn bán giết mổ động vật trên toàn thành phố; tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm… Ðến nay, toàn thành phố đã sử dụng 760 lít hóa chất, 146 tấn vôi bột, khống chế thành công ổ dịch tại phường Hòa Long, không để lây lan sang địa bàn khác.

Trong ba ngày qua, tìm hiểu tại một số địa phương thuộc các vùng chăn nuôi gia cầm tại tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh hay huyện Thường Tín, Phú Xuyên (Hà Nội) nhiều hộ chăn nuôi đã phải mau chóng tiêm vắc-xin cho đàn gia cầm, tích cực vệ sinh chuồng trại, phun khử trùng phòng dịch. Ông Nguyễn Văn Trần, hộ chăn nuôi ở xã Minh Tân (Phú Xuyên, Hà Nội) khẳng định: “Do dịch tả trên đàn lợn nên nhiều người dân chuyển sang nuôi gia cầm. Ðến lúc này phải phòng, chống cho chắc, chỉ một sơ sểnh thì mất cả đàn với số tiền hàng trăm triệu đồng như bỡn!”. Ðặc biệt, công tác kiểm soát, phòng, chống dịch tại chợ gia cầm Hà Vỹ (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín) cũng được siết chặt. Ðây là chợ gia cầm lớn nhất miền bắc, mỗi ngày có tới hơn 30 tấn gia cầm từ các tỉnh khác như Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn… được đưa về tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Sỹ Tuyến cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ Hà Vỹ được đặc biệt quan tâm. Tất cả các hộ kinh doanh tại đây đều được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và yêu cầu ký cam kết không buôn bán gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, gia cầm, thủy cầm vận chuyển về chợ được Tổ liên ngành kiểm tra chặt chẽ niêm phong, kẹp chì, giấy kiểm dịch.

Một số chuyên gia thú y cảnh báo, trong lúc người dân cả nước đang phải thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống sự lây lan của Covid-19, sẽ không thể tránh khỏi có địa phương thiếu sát sao trong việc dập dịch cúm A/H5N6 và cúm A/H5N1. Do vậy, cần cùng lúc thực hiện các giải pháp, chủ động ứng phó với các loại dịch bệnh, bởi vi-rút cúm A/H5N6 được Bộ Y tế khuyến cáo có khả năng lây sang người. Bộ Y tế yêu cầu, các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh chết trong vùng dịch cúm A/H5N6, thì cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ðồng thời, cơ quan chức năng cần tập trung giám sát, tránh để người dân “bán tháo” gia cầm ủ bệnh hoặc nhiễm bệnh ở vùng có dịch.

Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nêu quan điểm, các bộ, ngành cùng chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo đúng quy định của Luật Thú y. Các địa phương hướng dẫn người dân tái đàn chăn nuôi theo hướng an toàn, phù hợp nhu cầu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu và phải tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm.

Cục Thú y cho biết, trong quý I-2020, lượng vắc-xin cúm gia cầm của các doanh nghiệp có thể cung ứng khoảng 51 triệu liều. Dự kiến cả năm 2020, tổng số vắc-xin sản xuất trong nước và nhập khẩu khoảng 500 triệu liều; trong nước sản xuất được khoảng 200 triệu liều. Như vậy sẽ đáp ứng đủ để tiêm cho tổng số gia cầm trên cả nước, với gần 467 triệu con.