Khô khát mùa lũ

Đã cuối tháng 7 rồi! Ông Phạm Út, lão nông sống ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp – giáp ranh với biên giới Cam-pu-chia, cứ bồn chồn, chờ đợi! Không chỉ một mình ông Út, người dân sống hai bên bờ sông Mê Công ở nhiều quốc gia đều đang khắc khoải ngóng dòng lũ tràn về, hồi sinh dòng sông đến hồi trơ khấc.

Tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn tại đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra gay gắt hơn trung bình nhiều năm.Ảnh: HOÀNG VŨ
Tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn tại đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra gay gắt hơn trung bình nhiều năm.Ảnh: HOÀNG VŨ

Thượng nguồn “mắc cạn”

Truyền thông Thái-lan mới đây đã chỉ ra các nguyên nhân chính gây nên tình trạng suy giảm nguồn nước sông Mê Công: Hạn hán, lượng mưa quá ít; Việc giảm lượng nước xả ra từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Cuối cùng là kế hoạch tích nước để chạy thử máy phát điện tại đập Xayaburi ở Lào. Theo kế hoạch, bảy máy phát điện của Xayaburi sẽ hoạt động chính thức vào tháng 10-2019. Hiện tám tỉnh của Thái-lan giáp biên với Lào có thể gánh chịu tác động nặng nề hơn từ đợt hạn hán nghiêm trọng này.

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng Thái-lan, tại khu vực giáp với Viêng Chăn của Lào mực nước trên sông Mê Công đã xuống thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Còn mực nước sông Mê Công khu vực “Tam giác vàng” giáp biên giới ba nước Thái-lan, Lào và Mi-an-ma đã giảm đến mức thấp nhất trong một thế kỷ. Thái-lan đang xem xét bảy giải pháp khẩn cấp nhằm giúp 20 tỉnh phía bắc và đông bắc ứng phó với tình trạng hạn hán. Dự kiến, nước này sẽ chi 1,2 tỷ baht (khoảng 39 triệu USD) để tiến hành 144 dự án nạo vét hồ và kinh tại các vùng có nguy cơ hạn hán cao. Chính phủ Thái-lan cũng đã đề nghị Chính phủ Lào tạm ngưng chạy thử nghiệm Nhà máy thủy điện Xayaburi.

Xuôi về hạ lưu sông Mê Công, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang đối diện tình cảnh “khát nước” trong mùa lũ. Sinh kế của người dân chịu tác động nghiêm trọng. Các làng nghề truyền thống như làm lọp cá linh ở Long Xuyên - An Giang, đan lưới ở Thơm Rơm - Cần Thơ, đóng xuồng ở Lai Vung - Đồng Tháp đều lâm cảnh đìu hiu. Tại xã Phước Hưng, huyện An Phú, vùng đầu nguồn của tỉnh An Giang, người dân làm nghề đan lọp dù được địa phương hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi nhưng số hộ làm ngư cụ phục vụ việc đánh bắt mùa lũ cứ lần lượt bỏ nghề. Theo ông Út Tòng, Tổ trưởng Tổ đan lọp cá linh, nghề đan lọp ở Phước Hưng đã hình thành khoảng 20 năm. “Những năm lũ lớn, ở đây cả xóm làm lọp. Nhiều năm rồi vắng lũ nhưng chưa có năm nào đìu hiu như thế này” - ông Út Tòng lo lắng nói.

Đó là ông Út Tòng còn chưa lường hết được, tình cảnh sẽ còn khó khăn hơn nữa khi mà các chuyên gia dự đoán, mùa lũ năm nay ở ĐBSCL sẽ rất thấp và về rất muộn. Kéo theo mùa khô đầu năm 2020, xâm nhập mặn ven biển ĐBSCL sẽ vào sâu trong đất liền.

Khô khát mùa lũ ảnh 1

Người dân làng nghề sản xuất lưới Thơm Rơm ở Cần Thơ đang lo lắng khi nước lũ chưa về. Ảnh: CAO PHONG

Giảm lúa vụ ba để trữ nước

Bước qua tuổi 70, lão nông Phạm Út đã gắn bó cả đời với 1 ha đất ở Hồng Ngự - Đồng Tháp. “Tôi đã đi qua hàng chục con nước lũ về mang theo sóng gió ầm ầm, ghe tàu chạy trên đọt cỏ của những bờ lau. Giờ thật sự lo khi đã cuối tháng 6 âm lịch mà chẳng thấy tí nước nào về” - ông Phạm Út lo lắng. Năm ngoái, địa phương xả lũ “da beo” vẫn còn tình trạng người dân chưa đồng lòng, cự nự “té lửa”. Năm nay, ông Út hy vọng, chính quyền ở Thường Phước sẽ “mở đê” trên diện rộng để tích nước, bồi bổ phù sa cho đồng ruộng.

Ở góc độ khoa học, các nhà nghiên cứu nhận định: Lâu nay hạ nguồn sông Mê Công có ba “túi nước” để cân bằng một phần sinh thái. Đó là hồ Tonle Sap (Cam-pu-chia), khu vực Đồng Tháp Mười (khoảng 700.000 ha) và Tứ giác Long Xuyên (590.000 ha). Ba “túi nước” này điều hòa nước cho ĐBSCL. Hiện hồ Tonle Sap gần như “trơ đáy”, ĐBSCL cần tận dụng hiệu quả hai túi chứa nước ở Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên để tích nước trong mùa mưa lũ. “Để tăng cường sức chống chịu của ĐBSCL thì cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng. Ngay bây giờ nên bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa (lúa vụ ba hay còn gọi là lúa thu-đông) trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Giảm nhu cầu đê bao khép kín để nước có thể vào ruộng vườn, mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu” - Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái Mê Công đề xuất.

Mùa khô 2019 - 2020 đã được nhìn nhận là khô hạn cực đoan, dự báo xâm nhập mặn vào sâu. Lúc này những cảnh báo sớm đã được gióng lên nhằm giúp hạn chế tối đa thiệt hại. Cũng cần phải nhắc lại bài học kinh nghiệm của mùa khô hạn lịch sử năm 2016, khi mà chúng ta ít có được những biện pháp hiệu quả đối phó. Dù có công trình cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng vì bên trong không đủ nước!? Vậy nên, vấn đề đặt ra là, để tăng cường sức chống chịu trước khô hạn cực đoan của ĐBSCL, về dài hạn, cần khôi phục không gian của dòng sông, để nước có thể vào lại ruộng đồng, bắt đầu bằng việc giảm bớt một vụ lúa trong mùa lũ ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Khi lũ vào được hai “túi nước” này thì bên dưới sẽ bớt ngập, bớt nhu cầu đê bao khép kín, nhờ đó, nước có thể vào ruộng vườn. Sang mùa khô đồng bằng sẽ bớt khô hạn và xâm nhập mặn sâu.

Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được Chính phủ đề ra năm 2017 đã xác định, cần thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng… Những yêu cầu này đặt trong bối cảnh ĐBSCL đang chịu những tác động sâu rộng từ biến đổi khí hậu, từ khô hạn trên dòng chảy chính, cho thấy tính cấp bách của các giải pháp chủ động thích ứng. Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hơn bao giờ hết, cần phải có chính sách cơ cấu lại cây trồng hiệu quả, cũng như không nên cố “ngọt hóa” để canh tác lúa khắp nơi. Đối với các vùng ven biển nên chuyển sang hệ canh tác mặn.

Lão nông Phạm Út hiểu rằng phải giảm lúa vụ ba, nhưng chuyện chuyển đổi phương thức canh tác vẫn còn khá xa vời. Ngày ngày, ông vẫn buồn trông con nước còn nơi nào!