Khi quy định làm khó người bệnh

Nhiều bệnh nhân ung thư đang đứng trước nguy cơ phải tạm dừng liệu trình điều trị, do thiếu thuốc, hoặc phải mua biệt dược giá cao gấp nhiều lần. Theo nhận định, thực trạng trên là do chậm trễ trong khâu đấu thầu thuốc quốc gia và năng lực của các nhà cung cấp thuốc cho thị trường. Câu chuyện này đang đặt ra đòi hỏi tháo gỡ bất cập trong hoạt động đấu thầu thuốc, hỗ trợ cho người bệnh.

Thiếu hụt thuốc có thể khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải bỏ dở điều trị. Ảnh: Thái Hà
Thiếu hụt thuốc có thể khiến nhiều bệnh nhân ung thư phải bỏ dở điều trị. Ảnh: Thái Hà

Người bệnh gặp khó do thiếu thuốc

Trao đổi ý kiến với phóng viên, một đại diện của Khoa Dược, Bệnh viện K Trung ương cho biết: Ngày 22-5-2018, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã có Công văn số 106/TTMS-NVÐT về việc hướng dẫn xây dựng, tổng hợp nhu cầu thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2018. Tuy nhiên, đến ngày 14-2-2019, Trung tâm mới có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 1 nhằm cung cấp thuốc biệt dược gốc, hoặc tương đương điều trị năm 2019 - 2020 cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. Và cũng phải đến ngày 23-4-2019, Trung tâm này mới có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 2 cung cấp thuốc generic (thuốc thay thế biệt dược gốc - PV) năm 2019 - 2020 và gói thầu số 5 cung cấp thuốc generic năm 2019 - 2020 cho các tỉnh miền bắc.

Phía các bệnh viện, do có nhu cầu sử dụng ngay một số mặt hàng trong đó có mặt hàng chứa hoạt chất Pemetrexed, đã liên lạc với nhà thầu là Liên danh Codupha-An Thiên (trúng thầu mặt hàng Pemehope 100 mg) và Công ty TNHH dược phẩm và trang thiết bị y tế Hoàng Ðức (trúng thầu mặt hàng Podoxred 500 mg) để lên kế hoạch nhập hàng thì các nhà thầu thông báo chỉ có thể cung ứng hàng sau 2-4 tháng nữa. Như vậy, đối với các thuốc có chứa hoạt chất Pemetrexed; các bệnh viện hiện chỉ có thuốc biệt dược gốc (tên biệt dược là Alimta) để điều trị nhưng giá thành cao, Bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 50%, do đó số tiền mà bệnh nhân đồng chi trả chênh nhau nhiều khi sử dụng giữa thuốc biệt dược gốc và thuốc generic.

Trong khi đó, phác đồ điều trị ung thư, cụ thể là K phổi, liệu trình cho bệnh nhân ít nhất sáu chu kỳ, liều trung bình 800 mg/chu kỳ. Nếu sử dụng điều trị bằng thuốc biệt dược gốc thì bệnh nhân phải đồng chi trả số tiền khoảng 120 triệu đồng. Nếu điều trị bằng thuốc generic, bệnh nhân chỉ phải đồng chi trả số tiền khoảng 15.600.000 đồng. Như vậy, số tiền bệnh nhân phải đồng chi trả chênh lệch giữa sử dụng thuốc biệt dược gốc và thuốc generic là khoảng 104.400.000 đồng. “Với một khoản tiền chênh lệch như vậy, nhiều bệnh nhân không có đủ tiền để sử dụng thuốc biệt dược gốc và phải dừng điều trị. Việc gián đoạn điều trị này sẽ dẫn tới hậu quả là các bệnh nhân đang sử dụng giữa chừng bị mất đi toàn bộ chi phí điều trị trước đó mà không mang lại kết quả”, đại diện Khoa Dược, Bệnh viện K Trung ương cho biết.

Quy định tiềm ẩn nhiều bất cập

Từ năm 2017, ngành y tế bắt đầu triển khai đấu thầu thuốc tập trung. Và đến năm 2018, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia đã đấu thầu tập trung với 22 hoạt chất (thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch), bao gồm tất cả các hàm lượng phổ biến của từng hoạt chất.

Nhìn nhận về hiệu quả kinh tế liên quan đấu thầu thuốc tập trung, theo lãnh đạo Trung tâm, các gói thầu đều giảm được giá so giá trúng thầu hiện tại của các cơ sở y tế. Cụ thể: năm 2017 gói thầu mua thuốc biệt dược gốc tiết kiệm được 114, 315 tỷ đồng so giá kế hoạch (tương ứng với 6,9% giá trị gói thầu); gói thầu mua các thuốc generic tiết kiệm được 362,862 tỷ đồng so giá kế hoạch (tương ứng với 33% giá trị gói thầu).

Tuy nhiên, quy định này dẫn đến một số khó khăn nhất định, như sau khi ký thỏa thuận khung với Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung quốc gia, một nhà thầu phải ký kết một số lượng lớn hợp đồng với các cơ sở y tế trên toàn quốc gây mất nhiều thời gian, công sức cho nhà thầu, khó khăn trong việc bảo đảm thời hạn hoàn thành việc ký kết hợp đồng trước khi cung ứng thuốc cho cơ sở y tế. Trong tương lai, số lượng thuốc cung ứng cho tất cả các cơ sở y tế toàn quốc là rất lớn, mà nếu chỉ có một nhà thầu thì có thể gây nguy cơ thiếu thuốc cung ứng.

Còn theo một chuyên gia y tế, việc đấu thầu thuốc tập trung đang gặp phải một số hạn chế, do đấu thầu tập trung để lựa chọn đơn vị trúng thầu nên chỉ có một số ít đơn vị trúng thầu cung cấp thuốc trong thời gian từ 1 đến 3 năm cho các cơ sở y tế trên toàn quốc. Ðiều này dẫn tới các nhà cung cấp, sản xuất khác không trúng thầu có nguy cơ phá sản, dễ xảy ra độc quyền, các đợt đấu thầu lần sau sẽ mất tính cạnh tranh, dẫn đến tăng giá thuốc.

Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để có thuốc điều trị cho bệnh nhân ung thư cũng như không tiếp tục tái diễn tình trạng vừa qua. Nhất là trước thực trạng có tới 164.000 ca ung thư mới trong năm 2018, tăng tới hơn 30% so 5 năm trước đó. Việt Nam hiện nằm ở top trên trong những quốc gia có số người mắc ung thư mới tăng nhanh nhất mỗi năm. Những con số này cho thấy nhu cầu về thuốc điều trị ung thư lớn như thế nào. Và ai cũng biết, căn bệnh ung thư thì phát hiện và điều trị càng sớm, người bệnh càng có khả năng được chữa khỏi.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ngành y tế, cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong phương thức đấu thầu tập trung nói trên, tránh tình trạng khan hiếm biệt dược, để người bệnh không còn rơi vào tình cảnh thiếu thuốc, hay phải mua thuốc với giá quá đắt như hiện nay.