Ma túy xâm nhập học đường

Khi những mắt xích lơi lỏng

Ma túy không chỉ hoành hành ngoài xã hội, mà đã vào tận học đường, gây nên nhiều hệ lụy cho các em học sinh và gia đình. Trong khi đó vẫn còn nhiều kẽ hở trong quy định của pháp luật khiến việc ngăn chặn đường đi của nhiều loại ma túy chưa thật sự hiệu quả.

Tuyên truyền phòng chống ma túy tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch, Quảng Bình).
Tuyên truyền phòng chống ma túy tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Bố Trạch, Quảng Bình).

Học sinh thành "nô lệ" của ma túy

Ðang ở lứa tuổi cắp sách đến trường, nhưng em Th., sinh sống ở thị xã Ba Ðồn (Quảng Bình) lại phải cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Bình. Mặt nhợt nhạt, lo sợ, Th. kể, em bắt đầu dùng ma túy khi học cấp II, trong một lần dự sinh nhật bạn ở quán karaoke. "Hôm đó em thấy mấy bạn bỏ ra mấy viên mầu hồng, đốt rồi cùng hít. Mấy ngày sau bọn em mới biết đó là hồng phiến". Tôi hỏi, vậy em có sợ không? Th. trả lời: "Thấy các bạn dùng, em cũng dùng, cũng chơi cho vui, cho biết. Thế rồi em đã dùng đến sáu lần, với mấy nhóm khác nhau".

Ðể có tiền mua hồng phiến sử dụng, mỗi lần tham gia, mỗi bạn góp 100 nghìn đồng. Ðến đầu năm 2018 thì Th. bị công an bắt, đưa vào trại cai nghiện rồi được trả về. Sau lần bị công an phát hiện, thỉnh thoảng, một số người bạn vẫn rủ rê đi chơi. Nhưng vì thương bố mẹ nên em không đi. "Bố mẹ có quản chặt đến đâu thì tụi chúng em vẫn có thể dùng được vì chúng em vẫn đến trường".

Ở nhiều vùng quê Quảng Bình, tai họa đang rình rập khiến các em có thể vấp ngã bất cứ lúc nào. Lãnh đạo Công an thị xã Ba Ðồn cho biết, đầu năm 2018, đơn vị đã phối hợp với Công an xã Quảng Hòa kiểm tra và bắt quả tang một nhóm năm đối tượng đang tổ chức sử dụng ma túy tại nhà một người dân. Ðiều đáng nói, đó chỉ là những đứa trẻ còn khoác đồng phục học sinh THCS. Không chỉ tụ tập, lôi kéo, cùng nhau góp tiền mua ma túy để sử dụng, sành sỏi hơn, những đối tượng này còn tự chế ra cả một bộ dụng cụ sử dụng ma túy. Tại hiện trường, Cơ quan Công an đã thu giữ bốn viên nén mầu hồng hình tròn, một bộ dụng cụ sử dụng ma túy tổng hợp tự chế. Ông Lê Văn Tương, Chủ tịch UBND xã Quảng Lộc lo lắng: "May mà các em này bị phát hiện sớm, chứ nếu muộn một thời gian nữa thì sẽ rất khó cứu và chẳng thể nào tiếp tục học hành. Nếu bước vào con đường nghiện ngập thì "đường về" vô cùng gian nan". Ðồng quan điểm ấy, một giáo viên tỏ ra lo lắng: "Cơ quan chức năng đã thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có 67 học sinh, sinh viên nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Nhưng còn những em không có hồ sơ quản lý, gia đình giấu thì làm sao kiểm soát được!".

Theo tìm hiểu tại xã Quảng Hòa (thị xã Ba Ðồn), từ khi trên địa bàn xuất hiện một số đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh sử dụng ma túy, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy mới được quan tâm hơn.

Thượng tá Võ Anh Minh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - PC 04 (Công an tỉnh Quảng Bình), cho hay: Qua thống kê trên địa bàn tỉnh đến nay có hơn 2.400 đối tượng liên quan đến ma túy, số học sinh tăng dần. Trong khi đó, công tác cai nghiện và quản lý sau cai có hiệu quả thấp, chưa có phác đồ điều trị đối với người nghiện ma túy tổng hợp. Ðây là nguyên nhân kéo theo sự gia tăng phức tạp về an ninh trật tự và làm tăng nguồn "cầu" về ma túy. Các loại ma túy tổng hợp dạng "đá", dạng viên và các chất gây nghiện như "cỏ Mỹ", thuốc lắc..., giờ đây không chỉ xâm nhập vào các trường THPT mà đã lan sang bậc THCS. Ma túy tổng hợp hiện có giá rất rẻ, dễ sản xuất và sử dụng, một số tiền chất dùng để sản xuất ma túy tổng hợp chưa được đưa vào danh mục quản lý của Nhà nước, nên chưa có chế tài để xử lý.

Ma túy kéo trẻ em ra khỏi môi trường giáo dục, đẩy học sinh xa cái chữ, rơi vào con đường nghiện ngập. Em H. và V., con chị Lò Thị Xăm ở xã Lóng Sập (Mộc Châu, Sơn La) là một thí dụ đau lòng. Hai em theo chúng bạn chích hút, sinh ra nghiện ngập rồi bỏ học (khi đang học lớp 9). V. đã bị đưa đi cai nghiện bắt buộc, còn H. chịu sự quản thúc của địa phương, hằng ngày uống thuốc tại trạm y tế xã Lóng Sập. Tiếp xúc với chúng tôi, cả H. và V. đều rụt rè, có phần bồn chồn, lo lắng. H. tâm sự rằng, có lúc đầu óc em thấy ngáo ngơ, thế là bỏ học, ở nhà uống thuốc điều trị nghiện và giúp mẹ làm ruộng. Ông Lò Văn Ðức, Trưởng Công an xã Lóng Sập cho biết: "Bố của H. và V. cũng nghiện ngập, chết trong khi đi làm thuê để lấy tiền hút. Bi kịch cha nghiện, con nghiện không còn hiếm nữa, bản làng vắng trẻ em, thanh niên lắm rồi".

Ða dạng hóa giải pháp

Lóng Sập cũng như rất nhiều xã ở tỉnh vùng cao Sơn La nghèo đi vì ma túy. Mỗi năm có hàng trăm học sinh học lực yếu, bỏ học mà đến nay vẫn chưa có cách khắc phục hiệu quả. Ở nhiều bản, không khí quạnh quẽ, vắng lặng bao trùm, thanh niên vắng bóng. Nhiều gia đình không chỉ bố, mẹ mà cả con cái cũng mắc nghiện. Ðiều dễ thấy, do đời sống bà con lạc hậu, kinh tế chưa phát triển, dễ bị kẻ xấu mua chuộc, lợi dụng dẫn đến người lớn thì trở thành mắt xích trong đường dây của chúng, còn trẻ em gánh chịu hậu quả do bố mẹ buông lỏng, xa cái chữ, rơi vào vòng xoáy của ma túy.

Trung tá Mai Hoàng, Trưởng Công an huyện Mộc Châu (Sơn La), cho hay: Chuyện người lớn không giữ được mình, khiến trẻ em mắc nghiện đã và vẫn đang nóng, khi tình hình mua bán, sử dụng trái phép ma túy vẫn chưa hạ nhiệt. Do đó cần rất nhiều sự nỗ lực của các cấp, các ngành. Trong đó gia đình, nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi, giám sát và quản lý con em, học sinh.

Tình trạng ma túy xâm nhập vào đối tượng học sinh, sinh viên, theo ông Lê Trung Tuấn, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), là do hiểu biết của gia đình, giáo viên và học sinh về các loại ma túy còn rất hạn chế. Theo một kết quả điều tra xã hội học, 65% số học sinh sử dụng ma túy trả lời nguyên nhân do tò mò và dùng thử; 27% do bạn bè rủ rê, 8% do bị lừa dùng.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra cảnh báo, người sử dụng ma túy hiện tập trung ở độ tuổi dưới 35. Ðáng chú ý, có 8% số người nghiện là học sinh và trẻ vị thành niên. Bởi thế, cần thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị. Tăng dần điều trị tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các trung tâm với lộ trình phù hợp.

Trong khi đó, cơ quan chức năng nhiều địa phương cho rằng, mấu chốt là phải chặn được nguồn cung, tức là đánh mạnh vào các đối tượng mua bán trái phép chất ma túy, hạn chế thấp nhất ma túy phát tán ra cộng đồng, "lan" vào môi trường giáo dục. Còn theo đại diện Công an tỉnh Quảng Bình, phải nhanh chóng khắc phục được sự thiếu đồng bộ của các văn bản pháp luật liên quan đến công tác cai nghiện; nâng cao trình độ đội ngũ y tế cấp huyện, xã trong điều trị hỗ trợ cắt cơn cai nghiện và xác định tình trạng nghiện ma túy; xây dựng và thành lập được các tổ công tác cai nghiện ma túy ở địa phương.

Nguyễn Văn Sỹ, xóm Eo Rú, xã Hoa Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), người từng mắc nghiện, nay đã “cải tà quy chính” và đang bồi dưỡng kiến thức cho nhiều học sinh địa phương. Lớp học dạy phụ đạo của anh đã trở thành mô hình An ninh trật tự của Công an Quảng Bình. Anh Sỹ chia sẻ: “Ở đâu bố mẹ lơ là, thầy cô không quan tâm, bạn bè rủ rê thì học sinh dễ trở thành “tay sai” của ma túy. Em may mắn được cứu giúp, kéo về với con chữ. Em mong xã hội cũng vậy, hãy kéo học sinh về với con chữ, đẩy ma túy xa môi trường học đường”.