Khi đất công bị xà xẻo

Kỳ 2: Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm

Qua làm việc với các xã, phường, thị trấn và UBND các quận, huyện thuộc địa bàn Hà Nội, việc chỉ đạo quản lý đất công, đất nông nghiệp theo đường văn bản đã liên tục và… kịp thời!? Nhưng vì sao vi phạm vẫn xảy ra nhiều và kéo dài là câu hỏi chưa có lời đáp. Vướng mắc là vì đâu?

Nhiều hộ dân vi phạm kênh Bắc Quảng Hoa, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chưa bị xử lý.
Nhiều hộ dân vi phạm kênh Bắc Quảng Hoa, xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) chưa bị xử lý.

Cán bộ cơ sở bán, cho thuê đất trái thẩm quyền

Theo thông tin từ phía người dân, Trưởng thôn Minh Nga - ông Phạm Tiến An (thời kỳ 1992 - 1997) có cho thuê diện tích gần 3.000 m2 (thời hạn 20 năm) tại khu thùng lò gạch thôn Minh Nga. Người thuê đất là ông Nguyễn Văn Xiêm (em vợ ông Phạm Tiến An) với mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Sau khi thuê đất, ông Xiêm đã san lấp, xây nhà xưởng hàng trăm mét vuông. Sau khi phát hiện ra sai phạm của ông An, lãnh đạo xã đã không thanh lý hợp đồng mà tiếp tục cho thuê đến hết năm 2016. Sai tiếp sai, tháng 6-2017, trưởng thôn Minh Nga lúc này là ông Đinh Công Huân lại “ghép” hai hợp đồng thành một và tiếp tục cho ông Xiêm thuê trong vòng 5 năm. Nguồn tin từ phía người dân cho biết, họ đã gửi đơn lên huyện hơn 10 lần và phải đến đầu năm 2018 mới được xử lý.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Hùng Sơn, Chủ tịch UBND xã Văn Tự (Thường Tín) cho biết, đầu tháng 4-2018, địa phương có tờ trình gửi Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, đề nghị phê duyệt kế hoạch tổ chức cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn xã với nhiều trường hợp gồm các cá nhân: Ông Nguyễn Văn Quý, Tạ Điềm, Nguyễn Thiết Trụ, Trần Đức Giang, Trần Văn Khanh, bà Phạm Thị Thân và bà Vũ Thị Mùa. “Vấn đề đất đai ở các địa phương từng xảy ra nhiều chuyện phức tạp, lãnh đạo huyện đang siết chặt quản lý. Về phần địa phương chúng tôi đã giao trách nhiệm cho cán bộ ở từng thôn, quản lý địa bàn của mình, lắng nghe ý kiến của người dân, cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc”, ông Trịnh Hùng Sơn, Chủ tịch UBND xã Văn Tự, nhấn mạnh.

Làm việc tại xã Ninh Sở, lãnh đạo địa phương đánh giá, việc cho thuê đất, bán đất trái thẩm quyền xảy ra từ lâu, do một thời gian phó mặc việc quản lý cho cán bộ thôn, nên cán bộ thôn đã cố tình làm sai và cũng vì thế không ít trường hợp đã lấn chiếm đất công và sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích. Cụ thể, hộ ông Phạm Văn Bẩy vi phạm hơn 10.000 m2, hộ ông Bùi Cao Khả 8.100 m2…

Hay tại huyện Phú Xuyên, không ít cơ sở đã để xảy ra tình trạng kéo dài. Điển hình như vụ giao 45 suất đất trái thẩm quyền tại thôn Đào Xá và 13 suất tại thôn Hoàng Đông, thuộc xã Hoàng Long. Đầu năm 2017 thanh tra huyện vào cuộc, làm rõ, cơ quan chức năng truy tố những trường hợp làm trái quy định của pháp luật. Các đồng chí cán bộ chủ chốt của xã Hoàng Long cũng bị kiểm điểm về đảng và chính quyền vì để các thôn bán đất trái thẩm quyền.

Trước vấn đề nhức nhối này, Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh cho biết: “Thời gian gần đây tình hình vi phạm pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường trên địa bàn huyện Thường Tín có chiều hướng gia tăng. Một số xã, cán bộ thôn tự ý làm trái chính sách, pháp luật, tổ chức bán, cho thuê thầu đất trái thẩm quyền; tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển mục đích, xây dựng công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, trong hành lang giao thông, thủy lợi… còn xảy ra nhiều. Việc chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn, xử lý của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở đối với vi phạm không kịp thời, thiếu kiên quyết, gây bất bình, khiếu kiện trong nhân dân”.

Trao đổi về nguyên nhân, ông Nguyễn Tiến Minh nhìn nhận, chủ yếu là do một số cấp ủy Đảng ở cơ sở thiếu tập trung trong chỉ đạo, chính quyền không quyết liệt trong quản lý, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, môi trường. Một số cán bộ, đảng viên ở cơ sở thiếu trách nhiệm, né tránh; một bộ phận nhân dân chưa nhận thức đầy đủ, chưa nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật về đất đai, xây dựng; công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sau thanh tra kết quả còn hạn chế.

Lập lại trật tự và công bằng xã hội

Cũng phải khẳng định, ngay trong năm 2016 UBND huyện Thường Tín đã có hai kế hoạch về tăng cường, quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng. Huyện ủy Thường Tín có Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 19-4-2016 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, môi trường. Đồng thời, cương quyết chỉ đạo nhiều lãnh đạo xã, phải giải quyết hàng loạt vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Song kết quả vẫn không được như mong muốn. Qua công tác kiểm tra và phát hiện vi phạm, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu kiểm điểm đối với tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Tín.

UBND thành phố Hà Nội cũng có nhiều văn bản, chỉ đạo các quận, huyện phải lập lại kỷ cương trong quản lý đất đai. Cụ thể tháng 5-2018, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Văn bản số 2076/UBND-TKBT về việc kiểm tra vấn đề quản lý đất tại xã Tam Hiệp. Chủ tịch UBND thành phố giao huyện Thanh Trì: “Kiểm tra, làm rõ, kiên quyết ngăn chặn; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có); kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan”. Nhận chỉ thị của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo huyện Thanh Trì đã tích cực chỉ đạo các xã xử lý tình trạng này. Trao đổi với phóng viên Nhân Dân cuối tuần, ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì thống kê: “Năm 2017 huyện xảy ra 94 trường hợp vi phạm, đầu năm 2018 có 72 trường hợp vi phạm, đến nay đã xử lý 160/166 trường hợp. Riêng về san lấp, đổ phế thải trên đất nông nghiệp năm 2017 là 31 trường hợp, năm 2018 là 27 trường hợp. Huyện cũng chỉ đạo xử lý được 56/58 trường hợp vi phạm”.

Làm việc với Thanh tra huyện Ứng Hòa, chúng tôi cũng ghi nhận đối với nhiều trường hợp lấn chiếm đất công, sử dụng đất sai mục đích, không ít cán bộ xã đã bị truy tố. Như ông Nguyễn Tiến Trình, nguyên Chủ tịch UBND xã Đồng Tân nhiệm kỳ 2007-2015 và nhiều cán bộ thôn, xã; ông Nguyễn Văn Phùng, nguyên Chủ tịch UBND xã Phương Tú… Đầu tháng 9-2018, điều tra tại xã Quảng Phú Cầu, phát hiện nhiều trường hợp lấn chiếm hành lang kênh mương để dựng nhà xưởng, sản xuất. Trước sự việc “rõ như ban ngày”, ông Lê Văn Dịu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu thừa nhận, còn 20 hộ vi phạm kênh Bắc Quảng Hoa chưa xử lý được, mà chờ quy hoạch xong khu công nghiệp làng nghề sẽ cưỡng chế. Nhưng đến bao giờ quy hoạch và xây dựng xong khu công nghiệp làng nghề, ông Dịu không trả lời được. Ông bày tỏ: “Chúng tôi đã cố gắng xử lý, riêng năm 2018 xử lý 35 trường hợp, cũng có trường hợp đe dọa chính quyền”.

Theo nguồn tin của chúng tôi, tại Ứng Hòa còn tồn tại hàng trăm trường hợp vi phạm khác chưa bị xử lý, tập trung ở thị trấn Vân Đình, các xã Đồng Tiến, Sơn Công, Lưu Hoàng… nhưng chậm được xử lý. Song, khi đề nghị làm việc với phòng chức năng để có con số cụ thể, UBND huyện Ứng Hòa chưa kịp thời cung cấp thông tin mà chỉ giao Thanh tra huyện làm việc, trong khi đó đầu mối phải là Phòng Tài nguyên - Môi trường. Ông Dương Đình Kháng, Chánh Thanh tra huyện Ứng Hòa sốt ruột: “Thực tế có một thời gian dài công tác quản lý đất công bị buông lỏng. Người này lấn chiếm được thì người kia cũng mạnh tay lấn chiếm. Nhiều người tốt thì vất vả, còn kẻ láo nháo chiếm được đất lại ăn cơm. Giờ không thể được nữa”.

Đi tìm giải pháp

Nhằm tích cực quản lý chặt chẽ đất công trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh và Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy đồng quan điểm, UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình để phát hiện và kiên quyết xử lý dứt điểm các vi phạm; kiên quyết xử lý cán bộ vi phạm, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm.

Ông Đặng Đức Quỳnh nhấn mạnh: “Cùng với đó huyện sẽ thực hiện nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của chính quyền xã, thị trấn, trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý trật tự xây dựng, đất đai theo Đề án: Đối với xã, thị trấn để xảy ra từ ba vụ việc tồn đọng mà không xử lý thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn sẽ bị tạm dừng công tác điều hành, cho đến khi vi phạm được khắc phục theo quy định”.

Nhằm quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1158/QĐ-STNMT-TTR thành lập Đoàn thanh tra công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện và UBND phường, xã, thị trấn trên địa bàn các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các huyện Sóc Sơn, Hoài Đức, Đông Anh, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Trì. Hy vọng với sự nhập cuộc này, sẽ chấn chỉnh được tình trạng lấn chiếm, thất thoát tài sản của Nhà nước.