Khi đàn sếu bay qua...

Trong ngành da giày, túi xách, khái niệm “đàn sếu bay” được dành để mô tả về sự dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia phát triển hơn sang một quốc gia khác. Việt Nam đã từng là điểm đến của các tập đoàn sản xuất da giày hàng đầu thế giới nhờ vào lợi thế từ nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ. Nhưng giờ là lúc đàn sếu đã bay qua, chúng ta chỉ có con đường buộc phải nâng chất nguồn nhân lực để vươn lên những giá trị mới.

Công ty CP đầu tư Thái Bình sử dụng khoảng 2.700 lao động và thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Ảnh: ANH THƯ
Công ty CP đầu tư Thái Bình sử dụng khoảng 2.700 lao động và thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Ảnh: ANH THƯ

Giảm sút cả chất và lượng

Theo số liệu từ Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), hiện nay, trong tổng số doanh nghiệp (DN) toàn ngành da giày, túi xách có 2.067 DN sử dụng dưới 3.000 lao động (chiếm 94,8%), chủ yếu là các DN trong nước và một số DN đầu tư nước ngoài (FDI). Từ 3.000 lao động trở lên có 114 DN, chiếm 5,2% gồm hầu hết các DN FDI và một số DN lớn trong nước. Trong số này có 24 DN có hơn 10.000 lao động và 16 DN có hơn 20.000 lao động.

DN nhỏ và vừa (DNNVV) có dưới 300 lao động chiếm 79% tổng số DN toàn ngành. Số DN lớn từ 300 lao động trở lên chiếm 21%, trong đó hơn một nửa có 1.000 lao động trở lên. Số DN siêu lớn từ 5.000 lao động trở lên chiếm 3,1% tổng số DN toàn ngành. Các DN tại miền nam thường có quy mô lớn hơn các vùng khác cả về sản lượng, nguồn vốn và lao động. DN thuộc da sử dụng ít lao động hơn, thường là dưới 200 lao động; chỉ có sáu DN thuộc da lớn từ 200 - 500 lao động, có một DN quy mô hơn 500 lao động và hai DN siêu lớn hơn 1.000 lao động.

Hiện, Việt Nam có hai vùng tập trung nhiều lao động ngành da giày và có sự tăng trưởng nhanh trong những năm qua là vùng Đông Nam Bộ (chiếm gần 62% số lao động của toàn ngành) và đồng bằng sông Hồng (hơn 22%). Các tỉnh, thành phố tập trung nhiều lao động da giày đó là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Hải Dương,...

Tuy nhiên, vấn đề các DN phải đối diện hiện nay chính là việc khó thu hút nguồn lao động bởi sức hút di cư từ các vùng, miền về với các cụm công nghiệp tập trung không còn như trước nữa. Đã vậy, còn xuất hiện tình trạng lao động di chuyển ngược từ các cụm công nghiệp về lại quê nhà khi mà nhiều địa phương cũng mở mang, phát triển ngành da giày.

Vì sao người lao động không gắn bó với DN? Câu trả lời, đó là chính sách dùng người và đãi ngộ từ cả cấp chính quyền và ngay chính DN da giày còn bất cập, khiến cho người lao động không có khả năng định cư, cuộc sống bấp bênh, không được bồi đắp đời sống văn hóa tinh thần... Đây cũng là nguồn cơn gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội ở một số địa phương.

Trong khi nguồn cung lao động đang dần mất đi lợi thế “dồi dào, giá rẻ” thì ngay chính tại DN, công tác đào tạo cũng chưa được chú trọng đúng mức, mới chỉ dừng ở cầm tay chỉ việc trên dây chuyền sản xuất, đào tạo cán bộ quản lý cấp trung và cán bộ kỹ thuật còn yếu kém. Do mức độ tập trung lao động da giày trong các DN không cao, nên nếu không liên kết lại sẽ rất khó triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo. Thế nhưng, đối với cả hai loại hình DN thu hút đến hai phần ba số lao động của toàn ngành da giày là DNNVV, DN FDI, cho đến giờ vẫn chỉ có khuynh hướng đầu tư vào thu hút lao động thay vì đầu tư mạnh cho hoạt động đào tạo.

Đây chính là nguồn cơn của việc ngành da giày, túi xách Việt Nam đang sụt giảm lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động so các nước “hàng xóm, láng giềng” như Thái-lan, Trung Quốc...

Vun bồi từ gốc

Muốn ngành da giày Việt Nam phát triển bền vững, chúng ta cần phải xây dựng cho được chương trình đào tạo nguồn nhân lực bài bản. Chỉ có đầu tư từ gốc, nguồn nhân lực của chúng ta mới có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao hơn của quá trình hội nhập và nắm bắt cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời gian qua, với sự quan tâm của Chính phủ nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách cụ thể như các Quyết định đã ban hành, Viện Nghiên cứu da giày đã thực hiện Đề án thuộc chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2019 của Bộ Công thương “Hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật về thực hành kỹ thuật và quản lý sản xuất da thuộc đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành da giày Việt Nam”.

Song, để có được nguồn nhân lực bảo đảm, trong thời gian tới cần triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành da giày Việt Nam với một số giải pháp: Thứ nhất, phối hợp các bộ, ban, ngành chức năng xây dựng bộ modul nghề chuẩn cho ngành da giày để áp dụng đào tạo thống nhất và đánh giá chất lượng chuẩn trên cả nước.

Thứ hai, liên kết với các tổ chức quốc tế để cử cán bộ, học sinh tham gia các khóa đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế, cán bộ kỹ thuật, cán bộ marketing, đào tạo công nhân kỹ thuật có tay nghề cao tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt kết hợp việc đào tạo dài hạn với đào tạo ngắn hạn, kết hợp giữa đào tạo chính quy với đào tạo tại chỗ, kết hợp giữa đào tạo trong nước với việc cử cán bộ ra nước ngoài để đào tạo.

Thứ ba, củng cố và mở rộng hệ thống đào tạo chuyên ngành da giày, xây dựng Trung tâm đào tạo chuyên ngành để tạo cơ sở vật chất cho việc triển khai các lớp đào tạo. Duy trì thường xuyên các lớp đào tạo hệ cao đẳng, trung cấp, công nhân thông qua hệ thống các trường chuyên nghiệp của ngành da giày nhằm cung cấp đủ nguồn nhân lực cho ngành. Cùng với đó, Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) sẽ là đầu mối để phối hợp và liên kết với các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho ngành...

Hiện nay, da giày vẫn là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, với hơn 10% số lao động trong khu vực công nghiệp và gần 2,5% trong tổng lực lượng lao động toàn quốc.