Kết nối mạng lưới xe buýt với đường sắt trên cao

Việc mở mới các tuyến buýt và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng xe buýt trong giai đoạn vừa qua đã góp phần tăng cường tính kết nối của toàn mạng buýt của Thủ đô. Ðặc biệt, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) Cát Linh - Hà Ðông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân trong thời gian tới.

Xe buýt lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (TP Hà Nội). Ảnh: Mỹ Hà
Xe buýt lưu thông trên tuyến đường Nguyễn Trãi (TP Hà Nội). Ảnh: Mỹ Hà

Ðiều chỉnh phù hợp

Ðể kết nối với tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Ðông (CL-HÐ), một loạt tuyến xe buýt dọc các tuyến đường trùng lộ trình với đường sắt đã được điều chỉnh cho phù hợp.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện có 43 tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến, chiếm khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như chuẩn bị kết nối tuyến xe buýt với đường sắt trên cao CL-HÐ, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã xây dựng và báo cáo UBND thành phố phương án kết nối trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến ÐSÐT số 2A CL-HÐ. Theo đó, Hà Nội sẽ điều chỉnh bốn tuyến buýt trùng lộ trình với tuyến ÐSÐT 2A (tuyến số 02, 21, 27, 33), duy trì hoạt động của tuyến buýt số 01 BX Gia Lâm- BX Yên Nghĩa.

Cũng theo ông Hải, phương án này theo nguyên tắc giảm tối đa hiện tượng trùng tuyến, giảm mật độ, số lượng xe buýt trên trục dọc tuyến ÐSÐT 2A CL-HÐ, chỉ xem xét giữ lại một số tuyến buýt để có thể kết nối trực tiếp từ Yên Nghĩa tới các khu vực xa trung tâm. Ðồng thời, bố trí các điểm dừng xe buýt hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi chuyển tuyến, bảo đảm khoảng cách điểm dừng xe buýt tới nhà ga không quá 500 m...

Trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội yêu cầu rà soát lại để hợp lý hóa luồng tuyến; xây dựng các điểm trung chuyển kết nối mạng lưới tuyến xe buýt; triển khai các loại hình giao thông tiếp cận (xe đạp công cộng…), các điểm trông giữ phương tiện cá nhân cho xe buýt. Ðồng thời, hợp lý hóa hệ thống điểm dừng, nhà chờ, điểm kết nối giữa các tuyến xe buýt, ưu tiên tuyệt đối trong tổ chức giao thông cho xe buýt, đồng thời xây dựng quy trình về quản lý hạ tầng thống nhất, đề xuất đưa hạ tầng xe buýt vào quy hoạch chung về giao thông…

Ba kịch bản

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã trình lên UBND thành phố Hà Nội ba kịch bản điều chỉnh mạng lưới xe buýt kết nối tuyến đường sắt CL-HÐ. Theo đó, dự báo khoảng 15-20% số dân sẽ chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng đường sắt CL-HÐ. Cụ thể, kịch bản thứ nhất (15 ngày đầu chạy miễn phí) sẽ tổ chức khai thác các tuyến xe buýt theo như phương án hiện đang vận hành. Kịch bản thứ hai, sau thời gian ÐSÐT chạy miễn phí sẽ điều chỉnh có lộ trình đối với bốn tuyến buýt (tuyến số 02, 21, 27, 33) trùng lộ trình với tuyến đường sắt CL-HÐ; điều chỉnh các tuyến buýt tăng cường kết nối tại các ga đầu cuối; duy trì hoạt động của 20 tuyến buýt kết nối ngang, lộ trình trùng với tuyến đường sắt đô thị 2A. Kịch bản thứ ba, khi gặp sự cố, đoàn tàu dừng hoạt động trên hai giờ trong ba tháng đầu khi đưa vào vận hành khai thác thương mại, Hà Nội sẽ điều chỉnh một phần tuyến buýt số 02, 21, 27 đang chạy theo tuyến ngang trở lại lộ trình ban đầu (chạy dọc trục Nguyễn Trãi từ Ngã Tư Sở về đến Yên Nghĩa). Mặt khác Hà Nội sẽ tổ chức vận hành các tuyến buýt theo như phương án đã điều chỉnh trong ba tháng đầu tại kịch bản 2; đồng thời tổ chức thêm các lượt xe tăng cường để giải tỏa hành khách tại các ga.

Mặt khác trong thời gian tới, Sở GTVT Hà Nội sẽ thực hiện bổ sung 17 điểm, di chuyển chín điểm dừng xe buýt trên dọc lộ trình tuyến ÐSÐT CL-HÐ. Sau khi tổ chức lại toàn tuyến có tổng số 65 điểm dừng (hai chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400 m, số lượng tuyến buýt kết nối với tuyến đường sắt 2A tăng lên 50 tuyến (tăng bảy tuyến)...

Ðại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, với năng lực vận chuyển từ Bến xe Yên Nghĩa - Ngã Tư Sở tăng từ 3 - 4 lần so hiện nay đủ khả năng đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến. Ngoài ra, năng lực trung chuyển của hệ thống xe buýt với tuyến ÐSÐT CL-HÐ bảo đảm cung ứng, giải tỏa khách tối ưu nhất với năng lực trung chuyển từ 313.000 - 344.000 khách/ngày (kết nối tại các ga đầu cuối khoảng 140.000 khách/ngày; kết nối ngang khoảng 203.000 khách/ngày).