Kẽ hở trong thẩm định, sử dụng giáo trình đại học

Không chỉ để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp trong giáo trình, Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn phô-tô, sử dụng tài liệu nước ngoài không đúng quy định. Việc này không chỉ cho thấy sự chủ quan, tắc trách, sai phạm của nhà trường, mà còn cho thấy “kẽ hở” trong quy trình thẩm định và sử dụng tài liệu dạy học ở bậc đại học (ÐH) hiện nay.

Giáo trình sai phạm đã được thu hồi.
Giáo trình sai phạm đã được thu hồi.

Không chỉ là “sự cố”

Ngay sau thông tin bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò” phi pháp xuất hiện trong bài 7 của cuốn sách “Developing Chinese” do ÐH Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng làm giáo trình tại Khoa Trung - Nhật, nhiều người đã ngỡ ngàng, bức xúc. Vì sao sự vi phạm trong một giáo trình ÐH, đã được đưa vào giảng dạy từ đầu năm học 2019-2020 lại chỉ được phát hiện cho tới khi sinh viên phản ánh? Vậy mà, lãnh đạo Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ còn có ý thoái thác trách nhiệm của mình khi trả lời báo chí. Còn vị Phó Trưởng khoa Trung - Nhật của trường này thì giải thích “do không thể lật từng trang để xem”!?

Chưa hết, ngay sau sự vụ này, Hội đồng thẩm định của Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ còn phát hiện ra cuốn giáo trình “Tổng quan về Trung Quốc” (Nhà xuất bản ÐH Bắc Kinh, 2018) có ghi quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là quần đảo Hoàng Sa (ghi sai thành Tây Sa), quần đảo Trường Sa (ghi sai là Nam Sa). Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành các bước nghiệp vụ để làm rõ trách nhiệm của nhà trường và những người liên quan. Theo PGS, TS Trần Văn Hải, nguyên Trưởng khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), nếu nhà trường nhập nguyên bản sách, giáo trình về in sao (phô-tô) bán cho sinh viên mà không thông qua nhà xuất bản nào, rõ ràng là sách lậu. Về nguyên tắc, sách ở nước ngoài về Việt Nam muốn nhân bản, phát hành phải thông qua một nhà xuất bản và phải được cấp phép.

Mặc dù, sau khi báo chí phản ánh, phía nhà trường đã thông báo thu hồi toàn bộ số tài liệu (phô-tô) của sinh viên để tiêu hủy, song những vấn đề đặt ra về quy trình thẩm định, sử dụng, khai thác giáo trình, tài liệu dạy học ở bậc ÐH hiện nay nhận được nhiều ý kiến chuyên gia phân tích, mổ xẻ. TS Lê Ðông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Ðào tạo - GD&ÐT) thẳng thắn: “Quy định đã rõ, trách nhiệm lớn nhất trong sự cố này là nhà trường (cụ thể là Hiệu trưởng). Ðề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra các hoạt động bảo đảm chất lượng đào tạo của chương trình đào tạo tiếng Trung, cần thiết có thể cho ngừng tuyển sinh năm sau”.

Sau sự cố, còn nhiều ý kiến chuyên gia cảnh báo, nếu không siết trách nhiệm, chế tài xử phạt rõ ràng thì những sự cố xảy ra tương tự, thậm chí nghiêm trọng hơn là điều khó tránh khỏi.

Siết quy định, tăng chế tài xử phạt

Mở rộng vấn đề, đề cập đến những “kẽ hở” trong việc thẩm định giáo trình, TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, dẫn Thông tư số 04/2011/TT-BGDÐT ngày 28-1-2011 của Bộ GD & ÐT ban hành Quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục ÐH. Theo đó, Hiệu trưởng chịu trách nhiệm lựa chọn giáo trình bên ngoài trong trường hợp nhà trường không tự biên soạn được, song nhất thiết phải thành lập Hội đồng thẩm định. Theo vị chuyên gia này, về quy định trách nhiệm trong Thông tư, Ðiều 12 - vấn đề tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình ghi rõ: “Các cơ sở giáo dục ÐH không đủ điều kiện tổ chức biên soạn giáo trình thì Hiệu trưởng tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình phù hợp với chương trình đào tạo để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức”.

Cụ thể hơn, Ðiều 13 đã ghi rõ về quy trình thẩm định: Hội đồng Khoa học - Ðào tạo Khoa đề xuất danh mục giáo trình cần đưa vào giảng dạy, học tập theo chương trình đào tạo để trình Hiệu trưởng xem xét, tổ chức lựa chọn; Hiệu trưởng thành lập Hội đồng lựa chọn, duyệt danh mục giáo trình đưa vào sử dụng chính thức trong nhà trường. Căn cứ ý kiến của Hội đồng, Hiệu trưởng xem xét và quyết định; Hiệu trưởng có trách nhiệm xin phép chủ biên, tập thể tác giả hoặc cá nhân nhà khoa học và cơ sở đào tạo đã biên soạn để được sử dụng giáo trình theo quy định về quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ. Vậy ở đây, lỗi chính thuộc về Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã để lọt tài liệu có in “đường lưỡi bò” phi pháp vào giảng dạy mà chưa được thẩm định. Ðây là sự chủ quan, sơ suất rất không đáng có.

Căn cứ Ðiều 14 của Thông tư 04 thì Bộ GD&ÐT có trách nhiệm “tổ chức kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ sở giáo dục ÐH về công tác chỉ đạo, tổ chức biên soạn, lựa chọn, duyệt và thẩm định giáo trình của đơn vị theo quy định này”. Vậy là, quy định không phải là thiếu, nhưng trong thực thi bởi nhiều lý do đã nảy sinh sơ suất, sự cố. GS, TSKH Ðặng Ứng Vận, chuyên gia kiểm định chất lượng giáo dục chia sẻ: “Bất kỳ loại giáo trình và dù là cơ sở giáo dục nào thì giáo trình trước khi được sử dụng, đưa vào giảng dạy đều phải được thẩm định. Trong trường hợp này, Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm chính, sau đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Ðể hạn chế những sự vụ như trên, phải có quy định thêm về sách nhập ngoại, và làm rõ hơn về xử phạt”.

Rõ ràng, nếu công tác thẩm định, kiểm định, và công tác thanh tra, kiểm tra không được đồng thời siết chặt thì mối lo về nguy cơ sự cố tương tự liên quan đến việc khai thác, sử dụng giáo trình, thậm chí nghiêm trọng hơn có thể xảy ra. Trở lại trách nhiệm xã hội của nhà trường, trong bối cảnh các cơ sở giáo dục ÐH đang ngày một tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đào tạo thì lãnh đạo, ban giám hiệu mỗi trường càng phải thận trọng, nghiêm túc thực hiện các quy trình, quy định nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Ðây cũng là yếu tố quan trọng nhằm khẳng định vị thế, uy tín, tính cạnh tranh của mỗi cơ sở giáo dục ÐH.

Ngày 4-11, Vụ trưởng Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng đã ký công văn yêu cầu Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải dừng ngay việc sử dụng, lưu hành và khẩn trương thu hồi các giáo trình, tài liệu có nội dung ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia. Bộ cũng yêu cầu trường làm rõ sai phạm của các cá nhân, đơn vị có liên quan và có hình thức xử lý kỷ luật. Việc làm rõ sai phạm cần báo cáo về Bộ trước ngày 5-2-2020.