Ðiểm nóng tín dụng đen ở Bình Dương

Thời gian qua, Không ít công nhân làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương vì hoàn cảnh khó khăn nên đã “nhắm mắt đưa chân” vay nóng các tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi. Hậu quả là họ nhanh chóng rơi vào tình cảnh “dở sống dở chết”… Lực lượng Công an địa phương đã triệt phá một số băng nhóm, giúp công nhân thoát khỏi vòng vây của các đối tượng côn đồ. Tuy vậy, vấn đề này đANG kéo theo nhiều hệ lụy xã hội phức tạp đòi hỏi có những biện pháp giải quyết triệt để.

Cán bộ điều tra đang làm việc tại Công ty Nhất Tín.
Cán bộ điều tra đang làm việc tại Công ty Nhất Tín.

Liên tiếp triệt phá nhiều băng nhóm

Gần đây, tại Bình Dương xuất hiện nhiều tổ chức cho vay nặng lãi, chuyên nhắm vào đối tượng là công nhân. Các đối tượng dán những tờ quảng cáo “cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp”, kèm theo đó là số điện thoại để khách hàng tiện liên lạc tràn lan ở nhiều nơi, khu nhà trọ, khu dân cư, các ngả đường công nhân đi làm. Nhưng đây cũng chính là những cạm bẫy luôn rình rập những người túng tiền, nhất là những công nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ tính riêng trong hai tháng 8 và 9, Công an tỉnh Bình Dương cũng như nhiều huyện/ thị xã đã phân loại, đấu tranh và triệt phá nhiều băng nhóm liên quan đến tín dụng đen. Mới đây, ngày 15-9-2018, một băng nhóm chuyên “chặt chém” do hai đối tượng Lưu Văn Hải (27 tuổi) và Ðồng Văn Hùng (21 tuổi, cùng quê Hải Phòng) cầm đầu đã bị triệt phá. Hai đối tượng Hải và Hùng cho vay nặng lãi dưới hình thức “núp bóng” là cho vay tiêu dùng. Tại thời điểm kiểm tra, Công an thu giữ tang vật gồm 120 tờ rơi có nội dung hỗ trợ tài chính và cho vay trả góp, hơn 11 triệu đồng tiền mặt, hai giấy đăng ký xe…

Trước đó, ngày 18-8, Công an thị xã Dĩ An đã bắt giữ đối tượng Vũ Ngọc Cường (26 tuổi, quê Bắc Cạn) cùng 9 thanh niên khác để điều tra hành vi cố ý gây thương tích và cho vay nặng lãi.

Cường khai nhận được chủ tiệm cầm đồ giao đi thu tiền vay trả góp thì xảy ra mâu thuẫn với một nhóm công nhân. Ngay sau đó, Cường đã gọi 9 thanh niên mang theo tuýp sắt, gậy gỗ đến hành hung khiến hai công nhân Trần Văn Hùng (26 tuổi, quê Nghệ An) và Nguyễn Duy Ngọc (25 tuổi, quê Ninh Thuận) bị thương nặng. Công an đã bắt giữ Cường cùng đồng bọn ngay tại hiện trường vụ án. Khi khám xét tiệm cầm đồ, lực lượng chức năng thu giữ nhiều giấy tờ cho vay với lãi suất “cắt cổ”, cùng nhiều hung khí.

Hay như vào đầu tháng 8-2018, Công an thị xã Dĩ An cũng bắt giữ Nguyễn Công Trường (26 tuổi, ngụ Ðác Lắc) cùng 7 đối tượng khác về hành vi bắt giữ người trái pháp luật, hoạt động “tín dụng đen”. Theo điều tra, công nhân Phạm Văn Lợi (28 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An) đến Công ty Nhất Tín (trụ sở ở khu phố Nhị Ðồng, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An) để vay số tiền 25 triệu đồng với lãi suất 15%/tháng. Sau khi vay tiền, anh Lợi đóng tiền lãi được vài tháng rồi mất khả năng chi trả. Công ty Nhất Tín đã cử 16 đối tượng do Trường cầm đầu đi bắt công nhân Lợi về ép viết giấy nợ và thu giữ chiếc xe máy để trừ nợ.

Theo anh Lợi và một số công nhân thì khi đến vay tiền, Công ty Nhất Tín sẽ giữ lại toàn bộ bản chính các loại giấy tờ như: chứng minh nhân dân, hộ khẩu, đăng ký xe máy… Sau đó, nhân viên công ty này soạn hợp đồng cho chủ tài sản thuê lại tài sản của chính mình. Lúc đó, người vay mới nhận được tiền (người vay cũng không được nhận đủ tiền mà bị khấu trừ một khoản “phí vay tiền”). Nhưng điều đáng sợ là mức lãi suất cho vay của công ty này lên tới từ 7,5 - 20%/tháng (gấp 18 lần lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại), khiến người vay bạc mặt vì trả nợ.

Trường hợp người vay tiền không có khả năng đóng lãi, trả nợ, Công ty Nhất Tín sẽ cho các nhân viên đe dọa, hành hung khiến người vay hoảng sợ, về quê bán nhà đất, hoặc bỏ của chạy lấy người. Hậu quả là tài sản thế chấp sẽ bị công ty này chiếm đoạt… Kết quả thống kê sơ bộ, công ty này đã cho nhiều công nhân trên địa bàn Bình Dương vay lãi suất cao với số tiền hơn bốn tỷ đồng.

Hỗ trợ tín dụng cho công nhân

Hiện toàn tỉnh Bình Dương có 29 KCN, 17 cụm công nghiệp (CCN), một khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị... Theo Công an Bình Dương, việc hình thành và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút số lượng lớn người lao động ngoại tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến số lượng công nhân nhập cư dẫn đến tình hình an ninh, trật tự tại các KCN diễn biến phức tạp, với sự có mặt của hầu hết các loại tội phạm, tập trung nhiều đối tượng hình sự, băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức; trong đó có tội phạm “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, gây ảnh hưởng và tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Dù vậy, cũng cần phải nhìn nhận một thực tế là hiện tại công nhân rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng (vì nhiều yêu cầu phức tạp, duyệt hồ sơ chặt chẽ, mất nhiều thời gian và tỷ lệ hồ sơ được duyệt thấp). Từ đó, trong những lúc cấp bách, cùng quẫn, họ phải “nhắm mắt đưa chân” đi vay nặng lãi vì thủ tục vay rất đơn giản, có tiền ngay, nhưng cũng vì thế họ sa vào rất nhiều nguy cơ trở thành con nợ “sống dở chết dở”.

Do đó, bên cạnh việc ngăn chặn, xử lý theo pháp luật hoạt động cho vay nặng lãi, rất cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát triển để thu hẹp thị trường tín dụng “đen” lãi suất cao. Ðồng thời, cần rà soát lại các chính sách và quy trình vay tín dụng tiêu dùng, làm sao tạo thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận được nguồn vốn này.

Về phía các đoàn thể, chính quyền địa phương, khi trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Ninh Xuân Hiên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Dĩ An, cho biết hiện nhiều công đoàn cơ sở đã có những cách làm giúp công nhân có nguồn vốn vay lãi suất thấp mà không phải vay nặng lãi bên ngoài. Khi gặp khó khăn về tài chính có thể tìm đến tổ chức công đoàn để nhờ hỗ trợ.

Thực trạng công nhân có hoàn cảnh khó khăn đi vay các băng nhóm, tổ chức cho vay nặng lãi đã gây nên những hệ lụy xấu về mặt an ninh trật tự, an toàn xã hội, đòi hỏi các ngành chức năng của Bình Dương cần tiếp tục vào cuộc rốt ráo để phòng ngừa, xử lý, góp phần kéo giảm tỷ lệ tội phạm hình sự.