Kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2019)

Huyền thoại bến tàu không số Thạnh Phong

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bến Thạnh Phong (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) tiếp nhận hàng nghìn tấn vũ khí trên những chuyến tàu không số huyền thoại. Sau giải phóng, những người đóng góp vào chiến công lịch sử ấy trở thành nông dân giản dị khai phá vùng đất hoang hóa, xây dựng quê hương trên chính mảnh đất bom cày, đạn xới năm xưa.

Tượng đài kỷ niệm bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí từ bắc chi viện vào nam bằng đường biển.
Tượng đài kỷ niệm bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí từ bắc chi viện vào nam bằng đường biển.

Bến sông huyền thoại

Vùng đất Thạnh Phong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ cứu nước là vùng căn cứ địa của cách mạng nhờ những cánh rừng bần, rừng đước bao phủ. Tại đây vào đầu tháng 4-1946, Khu 8 và Tỉnh ủy Bến Tre quyết định tổ chức mở tuyến đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển và sau này trở thành đường Hồ Chí Minh trên biển với những con tàu không số huyền thoại. Chuyến mở đường lịch sử do đồng chí: Ðào Công Trường, Tư lệnh khu 8 - Trưởng đoàn cùng các đồng chí Ca Văn Thỉnh, Trần Hữu Nghiệp, Nguyễn Thị Ðịnh vượt biển ra bắc gặp Bác Hồ và xin chi viện vũ khí cho chiến trường miền nam. Sau bảy ngày thuyền lênh đênh trên mặt biển, các đồng chí đã vượt qua bao khó khăn, ra đến miền bắc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Từ sau chuyến đi mở đường lịch sử đó, tại vùng đất Thạnh Phong đã hình thành bến tàu không số huyền thoại, nơi tiếp nhận vũ khí từ đoàn tàu không số vận chuyển từ bắc vào nam bằng đường biển. Tháng 6-1962, trên các chuyến tàu Phương Ðông 1 và Phương Ðông 4, các đồng chí của hai đội tàu Bến Tre đã xuất phát về miền nam, với số vũ khí ban đầu được miền bắc chi viện. Ngày 17-6-1963, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên cập bến, và chỉ sau hai đêm, gần 100 tấn vũ khí, hàng hóa đã được bốc dỡ cất giấu và trung chuyển an toàn. Trong thời gian từ tháng 6-1963 đến tháng 11-1970, có 28 chuyến tàu cập bến Thạnh Phong với gần 400 lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia đoàn tàu và hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tham gia tiếp nhận, vận chuyển, cất giấu vũ khí. Tổng cộng có 1.442 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam từ bến tàu không số này.

Ông Huỳnh Phước Hải (79 tuổi), cựu thủy thủ trên tàu không số nhớ lại: “Năm 1961, lúc đó tôi mới 21 tuổi, nhờ thông thạo địa bàn khu vực biển, bơi lội giỏi nên được tuyển chọn tham gia đoàn tàu không số vượt biển ra bắc. Sau khi ở lại hơn một năm để học tập, huấn luyện và đến năm 1962 tàu chở chuyến vũ khí từ miền bắc vào chi viện cho chiến trường miền nam. Sau đó tôi tham gia bảy chuyến tàu nữa để vận chuyển vũ khí về chi viện cho chiến trường miền nam”.

Nữ thương binh Nguyễn Thị Còn (ngụ xã Thạnh Phong) từng tham gia vận chuyển vũ khí từ tàu không số kể lại: “Năm 1964, chiếc tàu mắc cạn ngoài đầu cồn nên huy động người dân xã Thạnh Phong và các xã lân cận gấp rút vận chuyển vũ khí vào cất giấu vì sợ địch phát hiện. Khi đó, tôi còn nhỏ nhưng cũng theo người anh ra phụ vận chuyển vũ khí. Những thiếu niên, thanh niên sống ở vùng biển này đều biết đẩy mong (dụng cụ vận chuyển bằng gỗ ở vùng sình lầy ven biển - PV) nên việc vận chuyển vũ khí từ vùng sình lầy lên bờ rất dễ dàng. Ðến năm 1968, tôi tham gia Tiểu đoàn D516 A và Thanh niên xung phong nên không tham gia công việc tải đạn nữa”.

Sức sống mới ở vùng căn cứ cách mạng

Sau giải phóng, cũng tại bến Thạnh Phong, chính những con người từng tham gia dân công hỏa tuyến ngày nào lại tích cực khai khẩn đất hoang, biến vùng đất rừng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành những vuông tôm, vườn xoài, vùng trồng hoa màu... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ðời sống của người dân đã khá giả hơn trước rất nhiều. Cựu chiến binh Trần Văn Rừng (SN: 1948) từng tham gia vận chuyển vũ khí cho đoàn tàu không số rồi tham gia bộ đội địa phương trở về quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Ông tiếp tục tham gia công tác khi nhiều năm liền là Trưởng ấp, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Hòa (xã Thạnh Phong). Bây giờ, tuổi đã cao ông không tham gia công tác nhưng vẫn tích cực hoạt động xã hội, phát triển sản xuất ở địa phương. Ông Rừng cho biết: “Sau giải phóng vùng đất này vẫn còn hoang vu với 20 hộ dân trong ấp còn bám trụ lại. Sau đó, chính quyền đưa dân vô xây dựng kinh tế mới với hơn 100 hộ dân rồi đầu tư phát triển thủy lợi, làm đường, cho dân vay vốn để phát triển sản xuất”. Bây giờ toàn ấp có hơn 500 hộ sinh sống. Người dân nơi đây đang từng bước cải tạo vùng đất hoang hóa ngày xưa để chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế.

Thời gian gần đây, chính quyền và người dân địa phương tích cực xây dựng nông thôn mới (NTM) bên bến sông huyền thoại năm xưa. Hiện tại xã Thạnh Phong đã đạt 13 trong tổng số 19 tiêu chí xây dựng NTM, vùng đất hoang vu, nghèo khó năm xưa giờ đã dần chuyển mình. Trong đó, nông dân đang phát triển mô hình trồng xoài trên đất giồng cát, nuôi tôm đạt hiệu quả khá cao. Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong, Nguyễn Văn Tại, thông tin: “Toàn xã có hơn 2.500 héc-ta diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú và 500 héc-ta mô hình tôm-lúa. Trong đó, có 30 héc-ta nuôi tôm hai giai đoạn (công nghệ cao) bước đầu đạt hiệu quả khá cao. Ngoài ra, xã đã phát triển 300 héc-ta xoài trên những giồng cát ven biển với định hướng tập trung xây dựng thương hiệu “xoài cát Thạnh Phú” và hướng dẫn nông dân sản xuất sạch để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...”. Cũng trên quê hương cách mạng này, giờ đây tiếp nối truyền thống của những dân công hỏa tuyến, bộ đội tại bến Thạnh Phong năm xưa, lớp con cháu trở thành những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần làm giàu cho quê hương.

Bên vàm Khâu Băng (một trong những địa điểm tàu không số cập bến - PV), những cánh rừng đước, rừng bần từng bảo vệ kho vũ khí, nơi trú ngụ của lực lượng cách mạng năm xưa giờ vẫn xanh tốt và làm nhiệm vụ bảo vệ những vườn cây, ao tôm của người dân vùng ven biển trước sóng to, gió lớn. Kế bên là Khu di tích đường Hồ Chí Minh trên biển sừng sững để ghi nhận công lao to lớn, những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ, Ðảng bộ và nhân dân Bến Tre trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.