Hơn cả mọi quy tắc là tình thầy trò

Khác với sự rôm rả trong những lần lấy ý kiến vào các đề án đổi mới giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” lần này xem ra có phần dè dặt, thưa thớt. Phải chăng xã hội đã không còn hào hứng với những cải tiến giáo dục trên giấy, sau nhiều lần “không được như kỳ vọng”?!

Băn khoăn này của không ít người là hoàn toàn có cơ sở. Hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong môi trường học đường thời gian qua đã cảnh báo đây không còn chỉ là những “sự cố”. Rõ ràng, đó là biểu hiện rạn nứt tình cảm thầy trò, thậm chí là dấu hiệu suy vi đạo đức. Nhận thức được mức độ nghiêm trọng ấy, mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố và đang lấy ý kiến cho dự thảo bộ quy tắc ứng xử trong học đường.

Khoan chưa bàn cụ thể đến từng quy tắc, quy định, ngay mục tiêu trong dự thảo đã đặt ra rất nhiều câu hỏi. Đã đành, mục tiêu chung mà Đề án hướng tới (xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong trường học nhằm hoàn thiện nhân cách, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên…) là đúng đắn và cần thiết. Song, ở mục tiêu cụ thể, dự thảo Đề án hướng tới là đến năm 2020 và những năm sau nữa, sẽ có 100% trường học xây dựng và thực hiện Bộ Quy tắc này; rồi 100% đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh, tuân thủ các quy tắc sẽ được tuyên truyền, phổ biến, học tập, bồi dưỡng và bồi dưỡng nâng cao các vấn đề liên quan văn hóa ứng xử, v.v… lại cho thấy vẫn còn nặng tính hình thức.

Văn hóa ứng xử đâu phải chỉ là việc tuân thủ các quy tắc, nguyên tắc này khác do ban soạn thảo hay một nhóm người, ở một thời điểm cụ thể đưa ra; càng khó có thể hình thành nên nếu chỉ dựa vào những kỳ, những đợt tập huấn với chuyên gia hay báo cáo viên (dù họ có giỏi đến cỡ nào). Văn hóa ứng xử của mỗi người phải được hun đúc, được tôn bồi suốt quá trình học tập, công tác, mà yếu tố quan trọng nhất là sự tự rèn luyện.

Xét cho cùng, có thể qua các kỳ cuộc tập huấn, rồi bằng các quy định, chế tài xử lý mạnh tay những vi phạm (nếu có) sẽ buộc “những người trong cuộc” phải tuân thủ. Nhưng, nếu không xuất phát từ lòng chân thành, sự tu dưỡng của mỗi cán bộ, giáo viên, mỗi học sinh thì đấy cũng chỉ là sự chấp hành miễn cưỡng, hình thức. Và đương nhiên sẽ thiếu tính bền vững.

Trước khi có Bộ Quy tắc, chúng ta đâu có thiếu những câu chuyện xúc động, những cách ứng xử văn hóa, mang đậm nghĩa thầy trò, thấm đẫm tình người, tình đời. Vấn đề đặt ra lúc này, ngành giáo dục cần có những giải pháp tổng thể nhằm đổi mới hiệu quả việc dạy và học các môn đạo đức, giáo dục công dân, làm sinh động hơn các giờ ngoại khóa, sinh hoạt đoàn thể để gắn kết tình cảm thầy trò, góp phần xây dựng nhân cách học sinh.

Thiết nghĩ, dù trong môi trường giáo dục hay trong các mối quan hệ xã hội, để có được môi trường văn hóa lành mạnh, hơn cả mọi bộ quy tắc là lòng chân thành, kính trọng, bao dung, tận tụy, là đức hy sinh, là tình yêu thương của thầy và trò, của phụ huynh với thầy cô, của người với người. Nếu không như thế, những quy tắc được ban ra bằng biện pháp hành chính sẽ chỉ là “nói cho hay” mà thôi.