Hỗ trợ sao cho trúng

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố kết quả khảo sát lần hai thuộc chương trình khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam, đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Kết quả cho thấy số lượng hộ gia đình bị giảm thu nhập do ảnh hưởng dịch đã thu hẹp lại.

Để tiến hành khảo sát WB chọn tập trung vào các khía cạnh gồm: thu nhập hộ gia đình, tình trạng việc làm và tiếp cận trợ giúp từ Chính phủ. Trong đợt khảo sát lần hai, có gần 4.000 hộ gia đình trên toàn quốc đã được thực hiện phỏng vấn qua điện thoại trong khoảng thời gian từ ngày 27-7 đến 12-8 - thời điểm bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ 2. Ðối tượng được hỏi đều là trụ cột trong gia đình. Nhóm nghiên cứu đã công bố những kết quả đáng chú ý. Ðó là một phần ba số hộ gia đình được hỏi có mức thu nhập giảm so với tháng trước. Tỷ lệ lần này và tỷ lệ 70% của lần khảo sát trước chứng tỏ kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình bị giảm thu nhập ở Ðà Nẵng cao gấp đôi.

Việc giảm thu nhập có xu hướng tập trung vào cùng một nhóm đối tượng. Nguồn giảm thu nhập với phần lớn hộ gia đình là giảm thu nhập từ tiền lương, tiền công, lớn gấp đôi so với số hộ bị giảm thu nhập do mất việc làm. Các hộ gia đình bị giảm thu nhập trong vòng khảo sát hai nhiều khả năng cũng đã bị giảm thu nhập trong vòng khảo sát đầu tiên. Ðiều này cho thấy, một số nhóm dân số nhất định đã gặp khó khăn trong khoảng thời gian dài hơn và cần được hỗ trợ trọng tâm hơn.

Một điều đáng lưu ý, khả năng người dân tiếp cận các gói cứu trợ Covid-19 của Chính phủ vẫn còn thấp. Trong khoảng 13% số hộ nộp đơn đề nghị hỗ trợ từ tháng 2, chỉ 2,3% số người nhận được hỗ trợ trong tháng 7, tháng 8. Trong đó, hộ nghèo, dân số nông thôn và cộng đồng dân tộc thiểu số ít có khả năng nhận được phúc lợi từ các chương trình mới này.

Trước khi WB công bố kết quả khảo sát nói trên, đã có nhiều chuyên gia nhìn nhận, về mặt cơ chế, gói hỗ trợ lần một của Chính phủ rất tốt, song khi thực hiện còn có nhiều bất cập khiến cho mục tiêu của chính sách chưa thật sự đạt được hiệu quả. Ðiều đó thể hiện ở tỷ lệ giải ngân còn thấp và phần lớn đối tượng nhận được hỗ trợ đều trong diện bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo và cận nghèo. Trong khi đó, nhóm lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là người lao động tự do, lao động yếu thế thuộc khối phi chính thức, lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp hầu như không tiếp cận được gói hỗ trợ lần thứ nhất. Việc thiết kế các điều kiện tiếp cận hỗ trợ rõ ràng còn chưa phù hợp nên đã gây cản trở người dân. Chẳng hạn như, với lao động tự do, yêu cầu có xác nhận ở nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú là rất khó thực hiện vì họ thường có đặc điểm di biến cao, trong khi thủ tục lấy xác nhận tạm trú ở nhiều nơi khá rườm rà, phức tạp. Chưa hết, để được nhận tiền hỗ trợ, người lao động phải lấy xác nhận của cả nơi đăng ký thường trú và tạm trú, điều này làm mất thời gian đi lại và tốn kém, nhất là với những lao động di cư từ các tỉnh xa.

Ngay cả với lao động chính thức cũng không dễ tiếp cận khi mà có nhiều điều kiện được nhìn nhận là không khả thi như yêu cầu phải thất nghiệp liên tục một tháng, có đóng bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp (DN) không có doanh thu…

Rõ ràng, thực tế triển khai gói hỗ trợ thứ nhất và những kết quả khảo sát trên có sự tương đồng hay nói cách khác, độ thẩm thấu của chính sách đã được lượng hóa rõ ràng hơn. Từ đó đưa ra những gợi ý hữu ích trong việc thiết kế gói hỗ trợ tiếp theo sao cho trúng và đúng hơn. Tình hình dịch Covid-19 trên toàn cầu và ngay chính ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp, gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Trong điều kiện ngân sách còn hết sức khó khăn, để bảo đảm mục tiêu hỗ trợ, cần phải chú trọng đến nhóm đối tượng là khối lao động chính thức, lao động di cư. Cũng như cần có sự bình đẳng hơn trong hỗ trợ DN, nhất là những DN có khả năng phục hồi được kinh doanh.