Hiến kế phát triển bền vững cho vựa lúa

“Hội nghị về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa diễn ra tại Cần Thơ (trong hai ngày 26, 27 tháng 9) được xem là hội nghị “Diên Hồng” để ĐBSCL tìm mô hình sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao và hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương đã bàn thảo và đề xuất nhiều giải pháp mang tính chiến lược cho sự phát triển của vùng đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Sạt lở đã cuốn hàng trăm ngôi nhà ở ĐBSCL đổ xuống sông trong những năm gần đây.
Sạt lở đã cuốn hàng trăm ngôi nhà ở ĐBSCL đổ xuống sông trong những năm gần đây.

Rơi vào “thập diện mai phục”!

Trước khi bước vào điều hành phiên hội thảo toàn thể, chiều 26-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát vùng ĐBSCL bằng trực thăng. Cất cánh từ TP Cần Thơ, sau đó bay dọc khu vực ven biển, tới tận mũi Cà Mau, việc thị sát kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ cung cấp một góc nhìn trực quan đối với người đứng đầu Chính phủ trước những tác động ngày càng rõ nét của BĐKH, chứ không chỉ qua các con số từ báo cáo của các bộ, ngành, tổ chức, để những quyết sách được đưa ra “trúng và đúng”, với ý nghĩa sống còn cho “vựa lúa” của cả nước.

ĐBSCL từng được mệnh danh là “bát cơm châu Á”, nơi lắm cá nhiều tôm, nơi không cần làm cũng có ăn, giờ đây là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do BĐKH. Có người nhận định: ĐBSCL đang rơi vào cảnh “thập diện mai phục” của BĐKH: nước biển dâng, sụt lún, sạt lở, lốc xoáy và thiếu nước ngọt đang diễn ra ngày càng trầm trọng.

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ĐBSCL trong mấy trăm năm qua, rõ ràng trong mỗi giai đoạn phát triển, khi điều kiện, hoàn cảnh đã thay đổi, ĐBSCL lại đứng trước những thách thức mới, lạ, không mang tính quy luật. Đó là thách thức do BĐKH với hàng loạt hệ lụy trong nội tại và thách thức từ bên ngoài như các nước thượng nguồn Mê Công chặn dòng chảy để tích nước đã làm đảo lộn toàn bộ hệ sinh thái ở vùng ĐBSCL; gây biết bao khó khăn cho hoạt động sản xuất, đời sống của người dân. Trong sản xuất, có thời điểm vì chống đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực cho quốc gia, ĐBSCL phải mang trọng trách sản xuất càng nhiều lương thực càng tốt, không chú trọng đến chất lượng. “Phong trào mở rộng diện tích, thâm canh quay vòng ba vụ lúa liên tục, tăng năng suất bằng bất cứ giá nào đã được thực hiện khắp nơi và lâu dần thành thói quen, khó bỏ”, một chuyên gia chia sẻ. Giờ đây, trong điều kiện phát triển mới, “thành tích” khi xưa lại trở thành những lực cản; đa số nông dân chưa thể thay đổi để hướng đến một nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, sạch, thông minh. “Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị này với tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mê Công, trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, truyền thống văn hóa quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước

Tại hội nghị, các nhà khoa học tham dự nhiều phiên thảo luận với các chuyên đề đa dạng đã hiến kế cho châu thổ miền Tây thích ứng với BĐKH. ĐBSCL hiện có rất nhiều quy hoạch, cả cấp vùng và cấp địa phương, về sản xuất, xây dựng, sử dụng đất, chống ngập… Nhưng điểm yếu của các quy hoạch này là không có sự gắn kết đồng bộ với nhau, nên không phát huy được hiệu quả, thậm chí gây những hậu quả ngoài tính toán. GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về BĐKH nêu thí dụ điển hình là dự án hệ thống đê bao Ô Môn - Xà No tiêu tốn 300 triệu USD để bảo vệ 43.000 ha lúa: “Chưa có tính toán diện tích lúa này mỗi năm tạo ra lợi nhuận có tương xứng với khoản đầu tư nói trên hay không, nhưng dự án này đẩy ngập sang TP Cần Thơ”. Trước thực trạng như vậy, Giáo sư đề xuất: Một trong những vấn đề đặt ra cho sự phát triển ĐBSCL là đổi mới quy hoạch theo phương pháp tích hợp đa ngành mới giải quyết được bài toán tổng thể của vùng và xây dựng chương trình hành động chung cho vùng.

Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, hiện nay ở ĐBSCL có quá nhiều quy hoạch, cuối cùng bị “rối” lên, không biết cái nào làm trước, cái nào làm sau, cái nào theo cái nào... Vì vậy, cần có một quy hoạch cho vùng do Chính phủ chỉ đạo và giao cho một đầu mối làm thống nhất, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, bộ, ngành, địa phương... để không lãng phí thời gian, tiền của, sao cho sử dụng nguồn lực thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất. Nhiều đại biểu cùng đồng tình với ý kiến này.

Không chỉ riêng quy hoạch, câu chuyện về sản xuất nông nghiệp cũng thu hút nhiều ý kiến trái chiều. TS Hoàng Ngọc Phong, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn phát triển kinh tế (Hội Khoa học kinh tế) cho rằng: Cần một nền nông nghiệp công nghệ cao, thay đổi tư duy về an ninh lương thực. Vì vậy, nên giảm diện tích đất canh tác lúa ở mức hợp lý, không đặt mục tiêu trồng lúa để xuất khẩu với giá rẻ, vì nông dân không có lãi và Nhà nước lại phải đầu tư lớn.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Đây là Hội nghị đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn để xem xét, đánh giá một cách toàn diện các thách thức, yêu cầu phát triển đặt ra đối với vùng ĐBSCL, nhận diện được các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng. Kinh nghiệm từ triển khai thực hiện các hoạt động chuyển đổi trong mô hình này sẽ là cơ sở để xem xét nhân rộng đối với các vùng kinh tế sinh thái trong cả nước; đóng góp kinh nghiệm cho khu vực và toàn cầu. “Giải pháp cho người dân và chính quyền là cần cung cấp cho họ dự báo kịp thời, cập nhật theo thời gian rồi cung cấp các kịch bản cho chính quyền và người dân biết một vài năm tới điều gì sẽ diễn ra ở ĐBSCL. Cho họ biết 5-10 năm nữa hay 30 năm nữa điều gì diễn ra ở ĐBSCL để người dân cũng như chính quyền có những chính sách phát triển kinh tế xã hội phù hợp, tạo an sinh và thích ứng tốt nhất với biến đổi khí hậu”, ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề xuất.

Đến từ Hà Lan, quốc gia có một số điều kiện tương đồng với ĐBSCL, ông Hermen Borst, Phó Cao ủy chương trình đồng bằng Hà Lan đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý giá đối với quá trình khắc phục thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo ông Hermen Borst, Hà Lan vẫn đang duy trì cơ chế thống nhất, linh hoạt và bền vững trong quy hoạch phát triển, nhằm sử dụng các giải pháp mềm khi có thể, giải pháp cứng khi tình thế bắt buộc. Hội nghị cũng đã lắng nghe nhiều đề xuất quý báu của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB)... Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL; phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mekong quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mekong vì sự thịnh vượng chung của khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Các ý kiến, tham luận tại hội nghị lần này đã thể hiện sự đổi mới về tư duy, sáng tạo có căn cứ khoa học. Đặc biệt đã đề xuất các giải pháp tổng thể dễ vận dụng để chuyển đổi mô hình phát triển bền vững khu vực ĐBSCL trong điều kiện BĐKH đang tác động gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, gợi mở tìm nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp để triển khai nhằm bảo đảm cuộc sống bình yên của nhân dân vùng ĐBSCL. Hội nghị này là cơ sở để Chính phủ đúc kết ban hành nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng thích ứng với BĐKH”.

ĐBSCL có 513 điểm sạt lở ven các tuyến sông với tổng chiều dài 520 km. Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại vị trí bờ sông Tiền (huyện Thanh Bình, Đồng Tháp); bờ sông Vàm Nao (huyện Chợ Mới, An Giang) và bờ sông Bò Ót (quận Thốt Nốt, Cần Thơ),… Về sạt lở bờ biển, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực ĐBSCL giảm khoảng 300 ha/năm. Tình trạng này chủ yếu xảy ra tại khu vực ven biển các tỉnh Cà Mau và Kiên Giang (hiện có tổng số 49 điểm sạt lở với tổng chiều dài 266 km).