Hiểm họa trên các công trường xây dựng

Liên tiếp những vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng xảy ra trên các công trường xây dựng những ngày gần đây cho thấy tình trạng mất an toàn, đe dọa tính mạng của lực lượng lao động khu vực này. Đó cũng là những hồi chuông báo động rất khẩn thiết, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nỗ lực kiểm soát, bịt những lỗ hổng trong quy định, quản lý và thực thi an toàn cho người lao động.

“Người nhện” không bảo hộ lao động thản nhiên làm việc trên tầng cao.
“Người nhện” không bảo hộ lao động thản nhiên làm việc trên tầng cao.

Kỳ 1: “Ba không” và sự bưng bít

Làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thậm chí độc hại bởi ô nhiễm không khí, khói bụi, nhưng phần lớn công nhân trong các công trình xây dựng chưa được trang bị bảo hộ bảo đảm an toàn. Nhiều công trình được thi công trong tình trạng “ba không” về an toàn lao động.

Những “người nhện” với sợi dây thừng

Những ngày cuối tháng 5, Hà Nội nóng như rót lửa. Trên công trình xây dựng cao bảy tầng ở phường Tây Mỗ (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) vẫn có nhiều công nhân làm việc. Nắng cháy da, ai nấy mặt mày nhem nhuốc, mồ hôi vã ra như tắm. Vậy mà có người còn không đội mũ bảo hộ lao động. Tôi hỏi một công nhân có vóc dáng thấp nhất, với vết sẹo to ở đuôi mắt: “Các anh đi trên những tấm ván bắc ngang giàn giáo, thấy chênh vênh lắm, mà lại chẳng có đồ bảo hộ, liệu có…?”. Anh thợ hồ quê ở tỉnh Hà Nam hiểu ý câu hỏi bỏ lửng, đáp: “Công việc mà, dùng dây đi lại vướng víu lắm. Việc xây, phu hồ, đổ sàn từ chục tầng trở xuống thì chả mấy khi dùng bảo hộ…”.

Khảo sát một vòng các công trình xây dựng lớn, nhỏ trên các con phố ở nhiều khu vực của Hà Nội những ngày này, có thể dễ dàng kiểm chứng điều anh thợ hồ đã chia sẻ với chúng tôi. Chỉ khi đu người treo trên lưng chừng tòa cao ốc, mới thấy công nhân dùng đồ bảo hộ, còn với các công trình thấp tầng, dù giàn giáo dựng rất chênh vênh, nhiều người lao động vẫn thản nhiên làm việc.

Không chỉ ở Hà Nội, hình ảnh những “người nhện” treo mình làm việc trên cao trong điều kiện bảo hộ rất thô sơ có lẽ là hình ảnh rất dễ thấy ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, phổ biến ở các công trình dân sinh, và cũng không hiếm gặp ở nhiều công trình xây dựng lớn. Phần do thiếu thiết bị, thiếu sự giám sát của chủ đầu tư, phần do sự chủ quan của chính người lao động. Vụ sập tường ở tỉnh Đồng Nai ngày 14-5 vừa qua, khiến 10 người chết, hơn 10 người khác bị thương, hay mới đây là vụ tai nạn tại công trình xây dựng thủy điện Plei Kần (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) làm ba người chết, ba người bị thương khiến dư luận bàng hoàng và bức xúc. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, năm 2019, số vụ TNLĐ chết người giảm 6%, nhưng cả nước vẫn để xảy ra hơn 8.100 vụ TNLĐ, hơn 33% thuộc lĩnh vực xây dựng, làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 927 người chết. Thiệt hại từ TNLĐ lên tới gần 10.500 tỷ đồng. Song đó vẫn là bề nổi của tảng băng, bởi nhiều vụ tai nạn bị chủ công trình, chủ thầu giấu giếm, cơ quan chức năng không thống kê được.

Hiểm họa trên các công trường xây dựng ảnh 1

Hiện trường vụ sập tường nghiêm trọng khiến 10 người chết ở Đồng Nai.

Bưng bít thông tin, cố tình lách luật

Theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, của Bộ Xây dựng quy định về quản lý an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công xây dựng công trình, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính trong quá trình thi công xây dựng. Cụ thể, trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về ATLĐ, kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường; tổ chức bộ phận quản lý ATLĐ theo quy định và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng hợp về ATLĐ đối với phần việc do mình thực hiện; nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm kiểm tra công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất ATLĐ cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; dừng thi công xây dựng khi phát hiện nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố gây mất ATLĐ…

Cũng theo Thông tư 04/2017/TT-BXD, người lao động (NLĐ) có quyền từ chối thực hiện các công việc được giao khi thấy không bảo đảm an toàn; chỉ nhận thực hiện những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi đã được huấn luyện và cấp thẻ an toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 22/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng, trước khi khởi công xây dựng, công trình phải có thiết kế biện pháp thi công với các giải pháp bảo đảm ATLĐ và máy móc, thiết bị thi công. NLĐ phải được tập huấn về ATLĐ. Quá trình thi công phải bảo đảm theo đúng thiết kế. Các biện pháp bảo đảm an toàn phải được kiểm tra định kỳ và đột xuất…

Hay tại Nghị định 45/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và ATLĐ, vệ sinh lao động, dù không quy định về điều kiện thời tiết nắng - mưa, nhưng đã nêu khá rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động: “Đối với nơi làm việc có các yếu tố nguy hiểm, có hại, có nguy cơ gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm: kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại; đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ; tổ chức đo lường các yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm, lập hồ sơ lưu giữ và theo dõi theo quy định pháp luật…”.

Như vậy, có thể thấy hệ thống quy định về bảo đảm ATLĐ là khá đầy đủ, cụ thể. Vậy nhưng, không ít vụ tai nạn tại các công trình xây dựng xảy ra là do chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện theo đúng thiết kế, thậm chí vi phạm các quy định về ATLĐ.

Qua đánh giá của các cơ quan chức năng, có tới gần 46% số các nguyên nhân xảy ra tai nạn do lỗi của người sử dụng lao động. Phân tích cụ thể các nguyên nhân, lãnh đạo Bộ LĐ-TB &XH cho biết, doanh nghiệp (DN) để xảy ra TNLĐ thường vi phạm vào “ba không”, gồm: “Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 14,6% tổng số vụ; Không có thiết bị bảo đảm an toàn, chiếm 10%; Không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho NLĐ chiếm 12,31%…”.

Thực tế, nhiều vụ TNLĐ đã bị giấu nhẹm. Như vụ việc mới nhất, ngày 24-5, một lao động đã bị ngã, tử vong tại công trường xây dựng dự án CONDO 2 (Đà Nẵng) nhưng chủ đầu tư đã không báo cơ quan chức năng, mà chở thẳng thi thể nạn nhân về bàn giao cho gia đình ở Thừa Thiên Huế. Chỉ khi gia đình bức xúc, báo công an sở tại, thì vụ việc mới được phát hiện. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra vụ việc.

Liên quan những vụ việc tương tự, ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động TP Hà Nội) cho biết: Khi TNLĐ xảy ra, đặc biệt là tai nạn nghiêm trọng gây hậu quả chết người, thì người sử dụng lao động đã tự thỏa thuận với gia đình nạn nhân, hỗ trợ một khoản tiền để gia đình đưa nạn nhân về quê mai táng, không báo cho cơ quan chức năng theo quy định. Vấn đề này xảy ra chủ yếu ở các công trình xây dựng, nơi có đông lao động từ các tỉnh lên Hà Nội làm việc thời vụ, ngắn hạn.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cũng cho biết thêm, khi thông tin về TNLĐ bị bưng bít sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm, trong đó bao gồm cả quyền lợi trước mắt và quyền lợi lâu dài cho gia đình nạn nhân. Cụ thể, đối với những NLĐ thuộc đối tượng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (hợp đồng lao động dưới một tháng) khi bị tử vong vì TNLĐ, người sử dụng lao động chỉ hỗ trợ cho gia đình nạn nhân một khoản tiền theo thỏa thuận, phần lớn không bằng mức quy định của pháp luật (ít nhất là 30 tháng tiền lương của NLĐ, trong trường hợp không hoàn toàn do lỗi của NLĐ). Tuy nhiên, do không hiểu biết pháp luật nên gia đình nạn nhân thường chấp thuận khoản tiền này, đôi khi còn nghĩ rằng người sử dụng lao động đã ưu ái, tạo điều kiện, chứ không biết rằng họ chưa được chi trả khoản bồi thường theo đúng quy định của pháp luật.

Với những trường hợp NLĐ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng người sử dụng lao động không thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho NLĐ, khi bị tai nạn tử vong thì lẽ ra ngoài khoản bồi thường giống như trường hợp trên, người sử dụng lao động còn phải thay thế cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các khoản trợ cấp của cơ quan bảo hiểm xã hội (thí dụ trợ cấp nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi; nuôi bố, mẹ già ...). Tuy nhiên, người sử dụng lao động cũng chỉ thỏa thuận với gia đình nạn nhân, hỗ trợ một khoản tiền không theo mức quy định của pháp luật.

(Còn nữa)