Hiểm họa ma túy

Kỳ 3 - “Vòi bạch tuộc” và những lỗ hổng pháp lý

Hơn 50% số phạm nhân đang cải tạo trong Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình) liên quan mua bán, tàng trữ trái phép ma túy.
Hơn 50% số phạm nhân đang cải tạo trong Trại giam Đồng Sơn (Quảng Bình) liên quan mua bán, tàng trữ trái phép ma túy.

Tiếp theo và hết (*)

Đẩy mạnh đánh án ma túy sẽ giúp ngăn chặn được nguồn cung, nhưng cùng với đó là phải làm sao kéo giảm được nguồn cầu trong nước. Chỉ có đấu tranh kiên quyết ở cả hai mặt trận này thì ma túy mới không trở thành “vòi bạch tuộc” vươn ra hủy hoại biết bao gia đình, lấy lại bình yên cho xã hội. Tuy nhiên, hiện còn nhiều bất cập và lỗ hổng pháp lý trong phòng, chống tội phạm ma túy và chữa trị cai nghiện.

Chặt đường trung chuyển

Qua quá trình điều tra phá án, Thượng úy Trần Huy Quang, cán bộ Phòng PC04 (Công an tỉnh Lào Cai) cho biết, nguồn ma túy truyền thống không có dấu hiệu giảm, chủ yếu vẫn là hê-rô-in được gom từ Lào và đưa về Việt Nam, rồi chuyển sang nước thứ ba. Các đối tượng phần lớn có mối quan hệ thân tộc, gây khó khăn cho lực lượng đánh án ma túy vùng biên. “Nếu đánh mạnh đường biên, đánh áp sát, cắt hẳn được đường trung chuyển của các đối tượng thì sẽ kéo giảm được sức nóng”, Thượng úy Trần Huy Quang cho hay.

Hiện tại, Việt Nam được nhận định vừa là địa bàn trung chuyển ma túy, vừa là địa bàn tiêu thụ ma túy (khoảng 20% tiêu thụ trong nước, 80% vận chuyển đi nước thứ ba). Bởi thế, Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng C04 (Bộ Công an), nêu: Cần chủ động triển khai các biện pháp đấu tranh khám phá có hiệu quả với các đường dây tội phạm ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài.

Thượng tá Ngô Thanh Bình nhấn mạnh: Nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa ma túy vận chuyển trái phép vào nội địa nước ta, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với nhau và với lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy của Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Cảnh sát biển và các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc, Cam-pu-chia… Bộ Công an đã phát động cao điểm phòng, chống ma túy giữa Việt Nam và Lào và toàn bộ dọc tuyến bắc miền trung. Chúng ta có thể kỳ vọng sau một thời gian nữa, hành lang trắng về ma túy giữa Việt Nam và Lào sẽ được thiết lập và tội phạm ma túy rất khó có thể trung chuyển qua nước ta.

Bất cập trong chặn “nguồn cầu”

Một vấn đề khác là cần giảm “nguồn cầu”, tức người nghiện, bởi chỉ khi hạn chế được người nghiện, kéo giảm nguồn cầu xuống thì nguồn cung sẽ giảm. Tuy nhiên, việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc cũng gặp không ít trở ngại... Thượng tá Võ Anh Minh, Phó Trưởng phòng PC04 (Công an tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Công tác cai nghiện hiện nay thiếu đồng bộ, khó áp dụng trong thực tiễn; đội ngũ y tế cấp huyện, xã phần lớn chưa được tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện và xác định tình trạng nghiện; đối tượng điều trị methadone tái nghiện chiếm tỷ lệ cao; đối tượng sử dụng ma túy đá, ketamine, “cỏ Mỹ”, hê-rô-in vẫn chưa có phác đồ điều trị hiệu quả”.

Điều đang khiến các cơ quan thực thi đau đầu, đó là việc chẩn đoán để xác định người nghiện ma túy theo Quyết định số 5075/QĐ-BYT, Quyết định số 3556/QĐ-BYT, Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA chỉ được thực hiện khi đối tượng tự giác khai báo tình trạng nghiện. Trong khi người nghiện ma túy thường che giấu các triệu chứng lâm sàng nên rất khó khăn cho việc nắm tình hình. Trước những khó khăn vướng mắc kể trên, nhiều giải pháp đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đề xuất: Nên sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Người nghiện phải được điều trị sớm. Do đó, quy trình thủ tục lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc càng rõ ràng, nhanh chóng, tạo điều kiện để người nghiện đi cai bắt buộc.

Để hiểu thêm về tình trạng cai nghiện, chúng tôi đã tìm đến “Đảo cai nghiện” - Cơ sở cai nghiện ma túy, đóng trên hồ Thác Bà (Yên Bái). Giám đốc Cơ sở Lê Công Huấn chia sẻ, cai nghiện là một cuộc chiến gian nan, cũng “nóng” chẳng khác đánh án ma túy.

Tiếp xúc một số trại viên, chúng tôi được biết anh Hoàng Văn Cường (56 tuổi), người đã “nhập trại” đến lần thứ năm bắt buộc. Tính cả hai lần tự nguyện nữa thì Cường có đến 14 năm gắn bó với “Đảo cai nghiện” này. Một người khác là Đào Hồng Quang, lần thứ sáu vào cai nghiện bắt buộc, qua 21 ngày điều trị cắt cơn, rồi phục hồi chức năng, đến nay tròn hai tháng, Quang tăng được 6 kg, khỏe hơn trước. Quang giãi bày: “Bản thân bị mặc cảm, tự ti, mỗi lần cai xong về nhà bị mọi người xa lánh, nên buồn lại dùng thuốc, rồi tái nghiện lại”.

Nhìn những người tái nghiện nhiều lần, ông Huấn day dứt: “Người nghiện từ ba năm trở lên vào cơ sở cai nghiện chiếm khá cao, tỷ lệ cai nghiện thành công chỉ chiếm 20%. Khó còn bởi sự kỳ thị trong tái hòa nhập cộng đồng”.

Hiện nay, công tác cai nghiện ở nhiều địa phương đã được quan tâm, nhưng còn nhiều khó khăn và thách thức. Ngay như người sáng lập và điều hành hệ thống cơ sở cai nghiện Tiêu Vĩnh Ngọc - lương y Tiêu Vĩnh Ngọc, có kinh nghiệm 12 năm ăn ngủ cùng người nghiện để cắt cơn, chữa trị cho họ cũng phải thừa nhận, một khi đã dính nghiện là khó dứt. Mà cứ tiếp tục nghiện thì lại dễ trở thành đối tượng tiêu thụ - thị trường cho các đối tượng mua bán ma túy. Anh Ngọc cho biết: “Trước đây chúng tôi có 29 trung tâm đóng rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng giờ giảm xuống còn 10 cơ sở. Trong đó, ở Đồng Nai đông nhất cũng chỉ được khoảng bảy chục người đang cai. Liệu trình một đợt cai khoảng 20 - 30 ngày với ma túy thông thường; riêng ma túy đá phải mất 2-3 tháng. Sự kiên trì, nỗ lực của người nghiện, trung tâm cai nghiện là vô cùng cần thiết”.

Nhiều cơ sở cai nghiện khác cũng trong tình trạng như trên, trong khi đó các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra vẫn cảnh báo, số lượng người nghiện chưa được đi cai còn nhiều là nguyên nhân gây ra các nguy cơ, xáo trộn cho xã hội. Lương y Tiêu Vĩnh Ngọc nêu đề xuất: “Cần sửa lại một số quy định của pháp luật. Đồng thời phải cương quyết đưa người nghiện, người sử dụng ma túy vào diện bắt buộc đi cai nghiện. Từ đó tích cực phối hợp với các trung tâm cai nghiện, thường xuyên động viên, hỗ trợ kịp thời cho người cai tái hòa nhập cộng đồng”.

Tại Hà Nội, Thượng tá Phạm Quỳnh, Phó Trưởng phòng PC04, Công an TP Hà Nội, cho biết: Tính đến ngày 15-4-2019, trên địa bàn thành phố có tổng số 13.409 người nghiện, người sử dụng ma túy; trong đó: có mặt tại cộng đồng 9.138; vắng mặt 1.277; ở trung tâm 1.438; ở trường trại 1.556. Thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác phát hiện, lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm; phối hợp vận động cai nghiện tự nguyện và vận động người nghiện tham gia điều trị cai nghiện bằng methadone. Tăng cường quản lý chặt chẽ người nghiện tại gia đình, cộng đồng, số người sau cai về cộng đồng, phấn đấu giảm tỷ lệ tái nghiện.

Kết hợp nhiều giải pháp

Qua trao đổi, lãnh đạo công an nhiều tỉnh, thành phố cho rằng, mỗi chiến sĩ cần phải tinh nhuệ, nâng cao trình độ võ thuật, trách nhiệm và yêu nghề hơn. Đối với công an cấp tỉnh, thành phố cần có sự chia sẻ, phối hợp cùng các lực lượng khác để công tác đấu tranh với tội phạm đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị: Cần tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật trong công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm; kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tin tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật liên quan công tác phòng, chống ma túy cho thống nhất, phù hợp các luật đang thực hiện, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra nhằm tạo hành lang pháp lý cho các lực lượng thực thi công vụ.

Đối với người cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân trong quá trình đánh án cần phải giữ được bản lĩnh “nói không” khi các đối tượng mua chuộc bằng các hình thức hối lộ, chi hoa hồng... Như Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng phòng PC04 (Công an tỉnh Lào Cai), chia sẻ: “Có lần đánh án, đối tượng bảo anh thả cho em đi, em biếu anh cái ô-tô. Nhưng tôi lắc đầu. Mình mà chấp nhận thì sẽ thành tay sai cho chúng”.

Đã không chỉ là nguy cơ, ma túy đang reo rắc nỗi kinh hoàng khắp mọi nơi, rất nhiều hiểm họa do ma túy mang lại có thể đổ ập xuống bất kỳ ai, bất cứ gia đình nào. Không thể chậm trễ hơn, toàn xã hội phải cùng chung tay hành động quyết liệt, không khoan nhượng với các hành vi vi phạm pháp luật, sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy. Và đương nhiên, nếu các chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh, các khung xử phạt chưa đủ tính răn đe, hay một số biện pháp phòng ngừa tội phạm liên quan ma túy chưa thật sự hiệu quả như nhiều ý kiến đã phân tích - là bởi chính mỗi chúng ta, nhất là những người có trách nhiệm chưa thật sự quyết tâm, quyết liệt.