Hệ lụy từ đại dịch

Hàng loạt doanh nghiệp, do tác động của đại dịch Covid-19, đã buộc phải giảm giờ làm, giãn việc hoặc cho thôi việc khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn.

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Viết Hảo
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: Viết Hảo

Doanh nghiệp và lao động điêu đứng

Mới vào nghề và đứng lớp chừng một tuần tại một trường mẫu giáo mầm non tư thục khá lớn ở Hà Nội, cô giáo trẻ Mai Hương Thủy đã phải nghỉ việc do nhà trường đóng cửa vì dịch bệnh. Hơn một tháng nay, cô phải xoay xở bán hàng online để kiếm sống qua ngày. Thủy tâm sự: “Khá chật vật em mới xin được vào làm giáo viên tại trường này. Nhưng với tình hình dịch bệnh em rất lo không biết bao giờ có thể đi làm trở lại. Nếu nhà trường mở cửa trở lại, liệu em có tiếp tục được nhận không khi em là một cô giáo mới vào nghề?”.

Không chỉ riêng cô giáo Thủy mà nhiều lao động tự do tại những cơ sở sản xuất lớn, nhỏ hay lao động tự do làm cho các công ty tổ chức sự kiện cũng lao đao trong thời dịch bệnh này. Chị Vân Anh, làm tại một công ty chuyên tổ chức sự kiện cho biết, những năm trước, sau Tết thường có rất nhiều hợp đồng quảng bá sản phẩm, nhưng cả tháng nay hầu như không có sự kiện nào được diễn ra vì các đơn vị tập trung phòng, chống dịch Covid-19.

Còn chị Lương Thị Xuân, làm việc tại Công ty TNHH Liên doanh Khách sạn quốc tế Lào Cai cho biết, do có thời gian làm việc lâu năm tại công ty nên mức lương ổn định, cuộc sống gia đình cơ bản được bảo đảm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách giảm rõ rệt. Doanh thu của công ty giảm, vì thế công ty buộc phải cắt giảm ngày công lao động, thu nhập của chị cũng theo đó bị ảnh hưởng.

Có thể nói, đại dịch tạo một “cú sốc” lớn đối với nền kinh tế. Thị trường tiêu thụ bị co hẹp, nguồn thu các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, khách sạn bị sụt giảm đáng kể. Một trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều từ dịch Covid-19 là dệt may và da giày. Ông Thân Ðức Việt, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty May 10 cho biết, hiện nay, công ty đã rà soát từng mã hàng, từng khách hàng, từng chủng loại hàng và từng thị trường sản xuất. Do thiếu nguyên phụ liệu, nhiều khả năng công ty phải nghỉ gián đoạn từ thời điểm này đến ngày 15-4. Ðiều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc làm cho người lao động, kế hoạch doanh thu cũng như kế hoạch lợi nhuận của Tổng Công ty trong năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Công nghệ Thành Thắng, Khu công nghiệp Bình Xuyên 1 (Vĩnh Phúc) cho hay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp (DN) chỉ sản xuất cầm chừng. “Chúng tôi đang sống được nhờ vào các đơn hàng cũ, còn những đơn hàng mới hầu như không có...”, ông Thành cho biết.

Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội), từ đầu năm đến nay, trung tâm mới tiếp nhận thông tin của gần 700 DN đăng ký tuyển lao động với 7.150 vị trí tuyển dụng, giảm 36,7% so cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên. Riêng tháng 2-2020, toàn thành phố có hơn 4.000 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,35% so tháng 2-2019.

Giải pháp tức thời và chiến lược lâu dài

Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, tình trạng hàng loạt DN buộc phải giảm giờ làm, giãn việc hoặc cho thôi việc tăng nhanh từ sau Tết đến nay khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn. Ðịa phương có tỷ lệ mất việc, thất nghiệp, buộc phải giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương cao là Hải Phòng, Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Long An, Cần Thơ.

“Xét theo khu vực kinh tế thì lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề, có tỷ lệ mất việc cao hơn. Khu vực này đã cho người lao động nghỉ không lương rất nhiều bởi người lao động thường không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm nên khi dịch bệnh xảy ra rất khó khăn. Con số lao động mất việc trong khu vực phi chính thức rất lớn nhưng rất khó để thống kê đầy đủ, thí dụ cả một phố Hàng Gai, Hà Nội buôn bán sầm uất thế mà giờ có hàng chục cửa hàng đóng cửa, dừng kinh doanh, kéo theo hàng trăm lao động mất việc làm”, ông Tiến phân tích.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi có biến cố xảy ra về dịch bệnh, về kinh tế, khủng hoảng, thì việc chuẩn bị nguồn nhân lực để đối phó với những biến cố này là rất quan trọng. Do đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực không chỉ là ngắn hạn, trong thời điểm hiện tại, chúng ta phải tính cho dài hạn.

Thời gian qua, các bộ, ngành đã có tham mưu cho Chính phủ ban hành những chương trình, kế hoạch hỗ trợ đến DN giảm tối đa thiệt hại, phục hồi sản xuất. Ðối với người lao động, điều cần ngay lúc này là giúp người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các trung tâm giới thiệu việc làm cần hỗ trợ tối đa để người lao động có cơ hội tìm được công việc khác, kể cả chỉ là công việc tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh. Phía DN, bên cạnh các chính sách chi trả theo quy định, nếu có khả năng nên chia sẻ về mặt kinh tế với những người mất việc làm như tự nguyện thỏa thuận hỗ trợ người lao động mất việc một nửa tháng lương, tiền tàu xe về quê. Cuối cùng, mỗi người lao động cần chủ động trong tìm kiếm công việc mới phù hợp, đây là giải pháp tốt nhất vì suy cho cùng phải có việc làm mới tạo ra thu nhập.

Giờ Trái đất 2020, diễn ra lúc 20 giờ 30 phút ngày 28-3-2020, là sự kiện do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) - Việt Nam đóng vai trò là nhà tổ chức chính, với sự bảo trợ của Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây nhiều thiệt hại về người và tác động xấu lên kinh tế toàn cầu, ba nhóm chủ đề chính của chiến dịch Giờ Trái đất năm nay càng trở nên thiết thực: sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo; giảm việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần, chỉ sử dụng khi cần thiết; không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã.