Ngăn chặn bạo hành, xâm hại trẻ em:

Hãy hành động!

Việt Nam đang có ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau. Tuy vậy, mỗi khi một vụ bạo hành, hay xâm hại trẻ em nghiêm trọng xảy ra, các cơ quan chức năng dường như vẫn chậm trễ trong xử lý. Thực tế đó cho thấy, cần những biện pháp và hệ thống hiệu quả hơn nữa, để bảo vệ trẻ em khỏi những hiểm nguy đang trở nên tinh vi và tàn độc. Để trẻ em Việt Nam được sống trong một môi trường thật sự an toàn và lành mạnh.

Cần ưu tiên triển khai thi hành hiệu quả và đồng bộ các quy định pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những quy định mới.
Cần ưu tiên triển khai thi hành hiệu quả và đồng bộ các quy định pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những quy định mới.

Nhiều, nhưng thiếu gắn kết

Con số mà Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTB & XH) cung cấp, có gần 2.000 trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại được công an các cấp can thiệp, điều tra mỗi năm, đang nói lên nạn bạo hành, xâm hại trẻ em thật sự ở mức báo động. Một nghiên cứu gần đây nhất của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam cũng cho thấy: Trẻ em gái từ 5 đến 9 tuổi có nguy cơ cao nhất bị bạo lực thể chất, tình trạng bạo hành tinh thần cũng phổ biến hơn ở trẻ em gái. Có 64% tổng số ca bị xâm hại tình dục là trẻ em gái.

Vì sao chúng ta có hành lang pháp lý đầy đủ, có rất nhiều cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em, song nạn bạo hành, xâm hại trẻ em vẫn chưa được ngăn chặn? Theo các chuyên gia, mặc dù thời gian qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường hoạt động điều phối, phối hợp liên ngành, điển hình là sự ra đời của Luật Trẻ em 2016 và hai Chương trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020. Tuy nhiên, hệ thống bảo vệ trẻ em ở nước ta hiện nay còn những thiếu hụt trong quy trình và quy chuẩn về phát hiện, tố cáo và xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em, cán bộ bảo vệ trẻ em còn thiếu và chưa được đào tạo chuyên nghiệp, hệ thống dịch vụ xã hội còn thiếu…

Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, trong đó quy định quy trình can thiệp liên ngành đối với những trường hợp xâm hại trẻ em. Nhưng để Nghị định đi vào cuộc sống cần rất nhiều nỗ lực, đặc biệt là tập huấn, đào tạo để mỗi ngành, mỗi cán bộ đều hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của mình và những việc cần làm khi phát hiện nguy cơ, hoặc các vụ việc xâm hại trẻ em.

Vấn đề ngăn ngừa bạo hành, xâm hại trẻ em hiệu quả là đòi hỏi của cả quá trình, từ nguy cơ xâm hại phải được phát hiện và giải quyết kịp thời; trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ và bảo vệ; và người có hành vi xâm hại phải bị xử lý nghiêm khắc. Các công việc này liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của rất nhiều cơ quan và đòi hỏi những cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm hại, bảo đảm an toàn cho trẻ em và truy cứu trách nhiệm của người có hành vi xâm hại. Tuy vậy, trong suốt thời gian qua, chúng ta chưa có được một quy trình liên ngành hiệu quả để tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác về xâm hại, bạo hành đối với trẻ em. Do vậy, dù có rất nhiều cơ quan có chức năng phòng ngừa, bảo vệ trẻ em, nhưng trong nhiều trường hợp khi có một vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra thì người dân không biết báo với ai, nhiều trường hợp cơ quan tiếp nhận tin báo không biết phối hợp với ai, chuyển tiếp tin báo đi đâu, và trách nhiệm xử lý trong thời hạn nào.

Ngoài hạn chế của các tổ chức xã hội, Hội bảo vệ trẻ em chưa có sự gắn kết với các cơ quan quản lý nhà nước để tạo thành một thể thống nhất trong phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, thì việc thanh, kiểm tra, giám sát và xử lý những hành vi xâm hại trẻ em ở những cơ sở chăm sóc, giáo dục, trợ giúp trẻ em còn chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Nhiều vụ việc xâm hại, bạo hành trẻ em chưa được các cơ quan chức năng xử lý nhanh chóng và nghiêm minh, đã làm giảm niềm tin của mọi người, khiến người dân càng có tâm lý ngần ngại, không muốn tố giác vụ việc. Không hiếm trường hợp khi bậc cha mẹ đứng ra tố cáo con bị xâm hại tình dục thì thông tin lan rộng, buộc gia đình phải chuyển nhà đi nơi khác...

Hãy hành động! ảnh 1

Cần cơ chế giám sát thường xuyên

Trước nhiều vụ việc bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em khi phát hiện thường chậm bị xử lý, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta thôi nói mà hãy thật sự bảo vệ trẻ em. Thời gian tới cần ưu tiên triển khai thi hành hiệu quả và đồng bộ các quy định pháp luật và chính sách về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những quy định mới, hết sức tiến bộ của Luật Trẻ em 2016, Chương trình Quốc gia về bảo vệ trẻ em, và Nghị định 56/2017/NĐ-CP.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em kiến nghị, cần áp dụng tối đa các biện pháp kiểm tra, giám sát từ phía ngành giáo dục và đào tạo, cũng như phát động phong trào giám sát từ phía cộng đồng dân cư, các bậc cha mẹ phối hợp giám sát trẻ một cách tốt nhất, khi có nguy cơ xảy ra, giải quyết kịp thời. Ngoài việc có chế tài đủ mạnh, những nạn nhân của bạo hành, xâm hại tình dục cần dũng cảm lên tiếng, vạch trần cái ác.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, như Hàn Quốc, Nhật Bản... cho thấy, khi pháp luật về bảo vệ trẻ em có quy định cụ thể về cơ chế tiếp nhận thông tin, có các quy định về bảo vệ, bảo mật cho người cung cấp thông tin, tố cáo. Và khi dịch vụ công tiếp nhận, xử lý thông tin được phổ biến rộng rãi và đặc biệt khi nhận thức xã hội về thực hiện Quyền trẻ em, về bảo vệ trẻ em được nâng cao thì thông tin, tố cáo, tố giác về bạo lực, xâm hại trẻ em sẽ có xu hướng tăng lên. Nạn nhân và gia đình, người dân từ chỗ không muốn hoặc không dám tố giác, tố cáo thì khi nhận thức đã thay đổi và được bảo vệ, họ sẽ lên tiếng vì lợi ích chung.

Đã có những khảo sát cho thấy nhiều người phạm tội từng trải qua thời thơ ấu khó khăn, cô đơn, là nạn nhân của bạo hành, hoặc bị đối xử không công bằng. Để không có những bi kịch xảy ra hay lặp lại, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương cần phối hợp và có trách nhiệm trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em. Khi các vụ việc được phát hiện, công an, tòa án cần nhanh chóng điều tra, xử lý thật nghiêm các hành vi xâm hại, bạo hành trẻ.

Theo Cục Trẻ em (Bộ LĐTB & XH) năm 2017, toàn quốc xảy ra 1.592 vụ xâm hại trẻ em, với 1.642 trẻ bị xâm hại (trong đó trẻ em bị bạo lực là 245 em; trẻ em bị xâm hại tình dục là 1.397 em). Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (thuộc Cục Trẻ em), năm 2017 tiếp nhận hơn 370 nghìn cuộc gọi, đáng nói có gần 2.000 ca tư vấn về bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em.