Hãy để trẻ em được lên tiếng!

Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 - 2019 diễn ra từ ngày 14 đến ngày 17-8 tại Hà Nội đã chào đón 169 em nhỏ đến từ 41 tỉnh, thành phố. Trong bốn ngày, các em được lên tiếng - khởi xướng và hành động về nhiều vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt.

Hãy để trẻ em được lên tiếng!

Những mảnh ghép cuộc sống

Ban tổ chức Diễn đàn đã thống nhất sáu nhóm chủ đề để các em chia nhóm thảo luận bao gồm: Xâm hại, bạo lực; Phòng chống tai nạn thương tích; An toàn trên môi trường mạng; Giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; Quyền phát triển; Y tế, dinh dưỡng cho trẻ em. Và phải thú thật, theo suốt các buổi thảo luận nhóm, trước những câu chuyện được các em chia sẻ, không ít người lớn cũng phải nghẹn lại xót xa.

Em Bùi Thanh Nhàn ở đoàn Điện Biên đã kể rằng: “Ở quê hương của em nhiều bạn gái dân tộc mới 12,13 tuổi đã bị cha mẹ ép phải lấy chồng, rồi lại sinh con khi vẫn còn ở tuổi trẻ con, đã vậy các bạn còn phải lao động vất vả để giúp gia đình chồng đỡ khó khăn. Cũng ở Điện Biên, còn có những bạn nhỏ lang thang làm thuê bị chủ bắt làm việc không phù hợp với độ tuổi”.

Hay như em Nguyễn Khánh Hùng đến từ mảnh đất nghèo Minh Hóa, Quảng Bình nghẹn ngào nói: “Con có bạn thuộc cộng đồng LGBT, bạn ấy rất khổ sở vì bị bạn bè kỳ thị, trêu chọc, thậm chí còn bị đánh đập.Vậy nhưng chẳng có ai giúp đỡ, các thầy cô cũng chưa can thiệp kịp thời để giúp, kể cả khi việc ấy diễn ra ở trường. Con thấy rất cần phải làm gì đó để giúp đỡ”.

Hay như một bạn nhỏ ở Vĩnh Long thì kể câu chuyện về sự kỳ vọng của cha mẹ gây áp lực khổ sở với con cái: “Lớp em có một bạn có mẹ bạn làm giáo viên trong trường nên luôn kỳ vọng bạn ấy phải học thật giỏi. Nhưng càng ép bạn ấy càng không muốn học nữa, cũng chẳng muốn về nhà mà thường bỏ học chơi game…”.

Tích lũy kinh nghiệm qua nhiều mùa diễn đàn kể từ năm 2009, nhóm tình nguyện viên chúng tôi đến từ các tổ chức khác nhau đã rất nghiêm túc hỗ trợ quyền tham gia đích thực của trẻ em, tôn trọng nguyên tắc đạo đức “không can thiệp, áp đặt vào việc thảo luận của các em, khích lệ trẻ làm chủ diễn đàn của mình”. Trước rất nhiều điều được và chưa được trong cuộc sống, các em thể hiện mình là tấm gương phản ánh chính xác nhất, trong sáng nhất, nhưng đồng thời lại biết phân tích, tìm ra những nguyên nhân từ chính bản thân, gia đình và cả cộng đồng.

Trẻ em hành động

Tại phiên chính thức của Diễn đàn vào sáng 17-8, đại diện trẻ em của sáu nhóm đã trình bày trước Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các lãnh đạo, bộ, ban, ngành liên quan những vấn đề mà các em quan tâm. Bên cạnh những khuyến nghị, các đại biểu trẻ em cũng có sáng kiến hành động của riêng mình. Các em không muốn mình chỉ là người được thụ hưởng các quyền lợi mà còn muốn là “đối tác hành động” góp phần cùng cộng đồng thực hiện thật tốt Công ước quốc tế Quyền Trẻ em, Luật Trẻ em 2016.

Bằng hình thức sân khấu hóa, các nhóm đại biểu đã nêu lên thực trạng, đề xuất giải pháp hướng đến chủ thể gia đình, nhà trường, xã hội và các bộ, ban, ngành; cùng các thông điệp cụ thể như: “Đừng biến trẻ thành người lớn. Hãy để trẻ sống đúng với lứa tuổi”; “Người lớn sống sao, trẻ em sống thế”; “Internet là bạn tốt, đừng biến nó thành bạn xấu”...

Được tham dự diễn đàn, vì các em được có cơ hội lên tiếng, được học cách làm việc nhóm, được phấn đấu vì chính mình, thế nhưng hoạt động của trẻ em tại Diễn đàn cũng phần nào cho thấy ở một khía cạnh nào đó, quyền được lắng nghe của các em còn hạn chế. Ngoài phần đại diện các nhóm trình bày vấn đề được các em lựa chọn quan tâm thì thời gian dành cho việc các em trực tiếp chia sẻ, đối thoại với các lãnh đạo còn khá ít ỏi.

Trẻ em hôm nay đang được sống trong môi trường tích cực của thông tin, của kết nối, vì thế tầm nhìn của các em đã được mở rộng hơn nhiều. Bản thân các em cũng đã có chủ kiến. Vậy thì, người lớn hãy thật sự tin tưởng, chịu khó lắng nghe và thấu hiểu các em, đừng lấy vị thế của người lớn lên lớp, áp đặt. Chỉ cần dành tình yêu thương và chia sẻ với các em. Đặc biệt cần tạo cơ hội, luôn khích lệ và sẵn sàng đồng hành thì các em sẽ thật sự là một lớp chủ nhân tương lai vững vàng của đất nước.

Diễn đàn khép lại. Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng hơn ba mươi phút đồng hồ vui vẻ, kiên nhẫn ký tên lên từng tờ chứng nhận đại biểu tham dự Diễn đàn của các em cùng lời dặn dò các bộ, ngành “Khuyến nghị của trẻ em phải được biến thành hành động chứ đừng chỉ đặt trên giấy”, chắc chắn đã để lại trong lòng các em niềm vui, hy vọng và cả sự tự hào. Làm sao để những điều ấy sẽ còn được tiếp tục lan tỏa trong đời sống, đó là điều mà người lớn chúng ta cần phải hành động!

Những khoảnh khắc đẹp

* Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, một đại biểu dân tộc Tày đầy tự hào hỏi các bạn nhỏ: “Ở đây có bao nhiêu các em là dân tộc thiểu số giơ tay lên, đứng lên cho cô xem! Chúng ta phải thấy tự hào vì đã vượt qua khó khăn, vất vả để đến được đây, đại diện cho các bạn khác có điều kiện sống thiếu thốn hơn. Các em phải nỗ lực mang kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được trong chuyến đi này trở về giúp đỡ các bạn khác!”. Lời kêu gọi ấy, cùng 14 trẻ em dân tộc thiểu số có mặt tại Diễn đàn đã nhận được sự hưởng ứng khích lệ của cả hội trường.

* “Các anh chị phóng viên có thể vui lòng chọn vị trí tác nghiệp khác để tránh không cản trở tầm nhìn của các em được không?”, mở đầu bài phát biểu, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các “đại biểu nhí”, vì chỉ điều đó thôi, dường như các em đã nhận được sự khẳng định:“Tại Diễn đàn này các em mới là vị trí trung tâm!”. Anh cũng khẳng định Trung ương Đoàn sẽ thiết kế clip, infographic sinh động, đa dạng tuyên truyền các nội dung về an toàn mạng cho trẻ em, kiến thức kỹ năng sống qua fanpage, các ấn phẩm báo chí.