Hành trình của hạt gạo ngon nhất thế giới

Sau gần 30 năm xuất khẩu, lần đầu tiên hai giống gạo ST24 và ST25 của Việt Nam cùng lọt vào tốp đầu thế giới. Để rồi, ban giám khảo chọn ST25 trao giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Phi-li-pin, hồi cuối tháng 11 vừa qua. Để có được cái kết có hậu, mỗi hạt gạo ấy là sự kết tinh từ trời - đất, từ sự khổ công không ngơi nghỉ của những “trái tim nóng”!

GS, TS Võ Tòng Xuân (ngồi giữa) cùng kỹ sư Hồ Quang Cua (đứng bên trái) thăm đồng lúa ST.
GS, TS Võ Tòng Xuân (ngồi giữa) cùng kỹ sư Hồ Quang Cua (đứng bên trái) thăm đồng lúa ST.

Những anh hùng chân đất!

Cùng thời điểm khi gạo ST25 của Việt Nam đạt giải nhất tại cuộc thi Gạo ngon thế giới, ông Kawaue Junichi, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh đã đến Trường đại học Nam Cần Thơ dự buổi Lễ Vinh danh Anh hùng Lao động, GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản. “Trong suốt hơn 40 năm, GS, TS Võ Tòng Xuân đã luôn miệt mài nghiên cứu dựa trên những kiến thức có được về nông nghiệp của Nhật Bản để giúp tăng sản lượng lương thực và nông sản xuất khẩu của Việt Nam. GT, TS Võ Tòng Xuân đã không ngừng nỗ lực cống hiến, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam. Sự tận tâm và cống hiến không ngừng của GS, TS Võ Tòng Xuân chính là viên đá đặt nền móng cho mối quan hệ Nhật Bản - Việt Nam tốt đẹp như hôm nay” - ông Kawaue Junichi chia sẻ tại buổi lễ. Được biết, GS, TS Võ Tòng Xuân là một trong 16 cá nhân được Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên dương và trao tặng bằng khen trong năm 2019.

Còn nhớ cách đây hai năm (năm 2017), GS, TS Võ Tòng Xuân đã cùng kỹ sư Hồ Quang Cua có mặt tại cuộc thi Gạo ngon thế giới được tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc. Khi ấy, gạo ST24 của Việt Nam đã được vinh danh với gạo Thái-lan và gạo Cam-pu-chia trong “Top 3 gạo ngon nhất thế giới”. Đây là dấu son đánh dấu bước tiến của các loại gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự dày công nghiên cứu lai tạo trong nhiều năm qua.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại: “Từ năm 1993, trong bối cảnh ngân sách còn thiếu trước hụt sau, nhưng UBND tỉnh Sóc Trăng đã xuất ngân sách mua trữ hơn 600 tấn lúa giống KDM (một giống lúa thơm) tính chuyện đầu tư cho sản xuất”. Đã hơn 25 năm trôi qua kể từ khi những giống lúa thơm đầu tiên “đặt chân” vào vùng đất Sóc Trăng, để rồi nhờ vào sự tri giao giữa GS, TS Võ Tòng Xuân (người mang giống lúa KDM về Việt Nam) và kỹ sư Hồ Quang Cua mà giống lúa thơm ấy được nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ ở Sóc Trăng. Vậy nên hai Anh hùng Lao động ấy được coi là cha đẻ của các giống lúa thơm ST hiện nay.

Điều thôi thúc kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu chính là câu hỏi: Vì sao tại các cuộc thi Gạo ngon thế giới, gạo Thái-lan lúc nào cũng trong top đầu, còn gạo Việt Nam vẫn chưa thể vươn tới được? Trả lời câu hỏi này là chặng đường nghiên cứu miệt mài, là những khoản đầu tư cá nhân được trút vào phòng thí nghiệm, đồng ruộng… cho đến ngày gạo Việt Nam được vinh danh.

“Năm 2018 và 2019, lượng lúa giống ST24, ST25 được nông dân khắp cả nước đến Sóc Trăng tìm mua. Đó thật sự là niềm hạnh phúc của người đeo bám làm giống lúa thơm như tôi” - kỹ sư Cua tâm sự. Đây là một hiệu ứng tích cực khi gạo ST25, ST24 đăng quang gạo ngon nhất thế giới.

Giấc mơ đưa người nông dân ra với thế giới

“Nếu thầy Xuân (GS Võ Tòng Xuân), không dành hết tâm huyết thì khó có dòng lúa thơm ST hiện nay. Hồi những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, phòng nông nghiệp làm gì có kinh phí. Nhờ thầy Xuân hỗ trợ giống rồi chi trả kinh phí, anh em cán bộ kỹ thuật mới đủ lực quản lý sản xuất nhân giống” - kỹ sư Cua tâm sự. Trong hơn 5 năm qua, nhiều loại gạo ST được nông dân sản xuất tại Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu và bán buôn trên thị trường nội địa với mức cao kỷ lục trên 600 - 700 USD/tấn (cao hơn gạo thường khoảng 200 USD - 300 USD/tấn). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lấy giá trị hạt gạo xuất khẩu từ các giống lúa của Sóc Trăng để làm mục tiêu “nâng cấp giá trị hạt gạo Việt”.

Hiện kỹ sư Hồ Quang Cua đang tiếp tục “cho ra lò” dòng ST26. Gạo thơm Thái-lan, Cam-pu-chia chỉ đạt năng suất từ 1,7 đến 2 tấn/ha và chỉ sản xuất được một vụ/năm. Trong khi đó, các dòng gạo thơm ST cho năng suất cao (trên 5 tấn/ha), lại sản xuất 2 - 3 vụ/năm. Không chỉ có mùi thơm của dứa mà các dòng ST còn thoang thoảng hương cốm. Đây chính là nét riêng biệt, độc đáo của dòng gạo thơm ST.

Lâu nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xem là vựa lúa của cả nước. Việt Nam được xem là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng câu hỏi đặt ra: Tại sao nông dân ở vựa lúa chưa giàu? Phải chăng chúng ta quá chú trọng vào sản lượng, mà chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng? Thay đổi tư duy sản xuất phải chăng cần bắt đầu từ thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo. Dòng gạo thơm ST - nhất là khi ST25, ST24 được xếp vào loại ngon nhất thế giới sẽ đóng vai trò then chốt trong xuất khẩu gạo ở phân khúc gạo thơm. “Hiện có khoảng 50.000 ha lúa ST25, ST24 phủ khắp ĐBSCL và đang lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành phố cả nước. Điều đó đã cho thấy sự thích ứng của dòng lúa thơm này và chứng minh tính hiệu quả đối với nông dân” - kỹ sư Hồ Quang Cua nhận định.

Nông dân trồng lúa ST24, ST25 được doanh nghiệp mua cao hơn lúa thường khoảng 20% là một hấp lực để họ chọn lựa sản xuất. Giống ST24, ST25 chống chịu tốt với ngoại cảnh, thời gian sinh trưởng ngắn từ 95 đến 97 ngày. Chịu phèn, mặn tốt nên giống lúa thơm ST24 được xem là một lựa chọn thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay. “Gần 100 năm trước, gạo ngon Sóc Trăng đã xuất hiện trên thị trường châu Âu. Cách đây hơn một phần tư thế kỷ gạo Việt Nam đã xuất hiện lại trên thị trường thế giới. Với hoạt động chọn tạo giống ngày một nâng cao, gạo Sóc Trăng ít nhiều cũng đã vươn ra thế giới. Nếu biết kết hợp nhuần nhuyễn công tác tổ chức trong cánh đồng lớn, chúng ta sẽ đưa những nông dân nhỏ ra với thế giới, tức sản phẩm của họ hội nhập với thị trường lúa gạo toàn cầu” - kỹ sư Hồ Quang Cua mong mỏi!

Giờ kỹ sư Hồ Quang Cua chọn vị trí “cố vấn” cho người con trai là Hồ Quang Trí, chủ doanh nghiệp cùng tên, để chăm sóc vùng nguyên liệu khoảng 500 ha tại Sóc Trăng, mỗi năm cho ra lò khoảng 2.000 tấn gạo ST. “Chỉ sản xuất vừa phải. Nói nôm na, tôi chỉ muốn cùng con trai làm tròn vai sản xuất mồi các dòng gạo ST. Lợi nhuận vừa đủ để tôi có thể tiếp tục nghiên cứu, lai tạo các dòng lúa ST” - kỹ sư Hồ Quang Cua bộc bạch. Các dòng lúa thơm ST đang góp phần khơi nguồn cho khát vọng làm giàu của hàng trăm nghìn nông dân trên khắp miền đất nước.